Chương 1: Sự định tâm trong tất cả mọi việc làm, lời nói ...

 Ikhlaass có nghĩa là sự thành tâm hướng về một mình Allah (swt) duy nhất, một lòng chỉ muốn thờ phượng và phủ phục một mình Ngài, không vì một mục đích hay một thứ gì khác.


Allah, Đấng Tối Cao và Ân Phúc phán:

{Và họ được lệnh chỉ phải thờ phụng riêng Allah, triệt để thần phục Ngài một cách chính trực và dâng lễ nguyện Salah một cách chu đáo và đóng Zakah và đó là tôn giáo đúng đắn.} (Chương 98 – Al-Bayyinah, câu 5).

Có nghĩa là những người dân Kinh sách (Do thái, Thiên Chúa) và những ai ngoài họ đều chỉ được lệnh phải thờ phượng một mình Allah (swt) duy nhất, không tổ hợp với Ngài bất cứ một điều gì hay một thứ gì. Tất cả họ được lệnh phải dâng lễ nguyện Salah, bố thí Zakah.

{Những người triệt để thần phục Ngài một cách chính trực (Hunafaa’)}: là những người từ bỏ hết tất cả các tôn giáo khác để đến với tôn giáo Islam, một lòng theo tôn giáo Islam, tôn giáo mà Allah (swt) đã lựa chọn, tôn giáo mà Allah (swt) không chấp nhận bất cứ tôn giáo nào khác ngoài nó.

{Và đó là tôn giáo đúng đắn} có nghĩa là tôn giáo ngay chính.

Allah (swt) phán:

{Thịt và máu của chúng sẽ không bao giờ đến tận nơi Allah mà chỉ có lòng kính sợ của các ngươi mới đến được nơi Ngài} (Chương 22 – Al-Hajj, câu 37).

Câu Kinh có nghĩa là thịt và máu của các con vật được mang đi giết tế dâng lên Allah (swt)  như dê, cừu, bò, lạc đà quả thật không bao giờ đến được nơi Ngài, mà thật ra thứ đến được nơi Ngài là sự định tâm và tấm lòng của các ngươi mà thôi.

Ibnu Abbas nói: Những người Jahiliyah (thời ngu muội trước Islam) thường lấy máu của các con vật được giết tế nhuộm nhà cửa của họ, thế là những người Muslim cũng muốn làm như thế, cho nên Allah (swt) đã mặc khải xuống câu Kinh:

{Hãy bảo họ: “Dù các ngươi có giấu giếm hay tiết lộ điều gì nằm trong lòng của các ngươi thì Allah đều biết rõ.} (Chương 3 – Ali-Imran, câu 29).

Quả thật, Allah (swt) chỉ cần đến tấm lòng, Ngài cần sự thành tâm của người bề tôi đối với Ngài, bởi vì Ngài biết rõ tất cả ngay cả những điều mà chúng ta giấu kín trong lòng, Ngài biết rõ ai là người thành tâm vì Ngài và ai là người không thành tâm hay chưa hoàn toàn thành tâm vì Ngài.


Hadith số 1: Ông Umar bin Al-Khattaab Al-Farooq thuật lại: Tôi đã nghe Thiên sứ của Allah (saw)  nói:

 Quả thật mọi việc làm đều bằng sự định tâm, và quả thật một người chỉ đạt được điều mà y đã định tâm mà thôi. Bởi thế, ai mà cuộc dời cư (Hijrah) của y để đến với Allah và Thiên sứ của Ngài thì cuộc dời cư đó của y là thực sự đến với Allah và thiên sứ của Ngài; còn ai mà cuộc dời cư của y chỉ vì lợi ích trần gian hoặc chỉ vì để cưới một người phụ nữ thì cuộc dời cư đó của y đích thực chỉ đến với những gì mà y dời cư đến mà thôi. (Albukhari, Muslim).

Đây là Hadith vĩ đại mang nhiều ý nghĩa quí báu.

Học giả Abdurrahman bin Mahdi nói: Tất cả những ai viết và biên soạn bất kỳ cuốn sách nào thì cũng phải nên bắt đầu bằng Hadith này để lưu ý người học hỏi và nghiên cứu điều chỉnh tâm niệm của mình.

Imam Ash-Shafi’y nói: Hadith này nằm trong bảy mươi cánh cửa của kiến thức giáo lý Islam.

Imam Al-Bukhary  đã viết Hadith này ở nhiều chương trong cuốn sách của ông như chương “Bắt đầu của sự mặc khải”, chương “Đức tin Iman”, chương “Wudu”, chương “Lễ nguyện Salah”, chương “Zakah”, chương “Hajj”, chương “nhịn chay”.

Học giả Ibnu Daqeeq Al-Eid nói: Có ghi nhận rằng một người đàn ông dời cư Hijrah từ Makkah đến Madinah không phải vì muốn ân phước của việc dời cư đó mà ông ta dời cư chỉ để cưới người phụ nữ có tên Ummu Qais. Vì vậy, người phụ nữ mới được đặc biệt đề cập đến trong Hadith này mà không nói đến những mục đích khác để làm một thí dụ điển hình.

Học giả Ibnu Hajar  nói: Ai định tâm dời cư để rời khỏi vùng đất của những người vô đức tin để đến với vùng đất Islam đồng thời để cưới một người phụ nữ thì đó không phải là một việc làm xấu và không phải là việc làm không đúng, mà sự định tâm đó chưa được hoàn thiện nếu xét riêng về mục đích của cuộc dời cư. Allah (swt)   là Đấng biết hơn hết!

* Bài học từ Hadith:

- Tất các học giả đều đồng thuận rằng cần phải định tâm trong tất cả mọi việc làm thì mới được ban ân phước.

- Sự định tâm là ở con tim chứ không biểu hiện trên chiếc lưỡi tức không nói bằng lời.

- Ikhlaass với Allah (swt)  trong việc làm là điều kiện trong các điều kiện được Ngài chấp nhận bởi quả thật Ngài không chấp nhận bất cứ việc làm nào ngoại trừ việc làm đó hoàn toàn thành tâm vì Ngài.

 

Hadith số 2: Người mẹ của những người có đức tin, bà A’-ishah thuật lại lời của Thiên sứ (saw):

 Một đoàn binh đến xâm chiến ngôi đền Ka’bah, khi họ đến một vùng đất hoang vắng và rộng thì tất cả họ từ người đầu tiên cho tới người cuối cùng (bao gồm cả dân thường) bị đất nuốt chửng.

Tôi (A’-ishah ) nói: Làm thế nào mà tất cả họ bị đất nuốt chửng như thế trong khi trong đó có cả những người dân thường khác cùng với họ nữa? Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 Tất cả họ từ người đầu tiên cho tới người cuối cùng đều bị đất nuốt chửng, sau đó, họ được phục sinh trở lại và (Allah) sẽ phán xét theo sự định tâm của họ. (Albukhari, Muslim).

Trong Hadith này có sự cảnh báo về sự đồng hành với người tốt hay xấu, và sự trừng phạt sẽ được giáng xuống khi chúng ta ở cùng với người xấu và tội lỗi.

Hadith còn chỉ ra rằng việc phán xét cho điều tốt và điều xấu là dựa vào sự định tâm. Giống như trong một Hadith do Ibnu Umar  thuật lại lời của Thiên sứ (saw):

 Khi nào Allah giáng xuống sự trừng phạt cho một nhóm người nào đó, sự trừng phạt đó được giáng xuống trúng cả những ai ở cùng với họ, sau đó, họ được phục sinh theo việc làm của họ.” (Albukhari).

Hadith là bằng chứng khẳng địn về việc Thiên sứ của Allah (saw) thông tin về những điều vô hình, và bắt buộc những người có đức tin phải tin vào những gì Người (saw) thông điệp rằng chúng sẽ xảy ra như lời Người nói, bởi vì Người (saw) không nói theo sở thích và dục vọng của bản thân mà Người (saw) nói theo lời được mặc khải từ nơi Allah (swt).

 

Hadith số 3: Bà A’-ishah  thuật lại lời của Thiên sứ (saw):

 Không có cuộc dời cư Hijrah nào nữa sau khi đã chinh phục được Makkah, mà chỉ còn lại sự Jihad và sự định tâm, và khi nào các ngươi được yêu cầu ra đi thì các ngươi hãy ra đi.” (Albukhari, Muslim).

* Ý nghĩa: không còn có cuộc dời cư nào từ Makkah để ra đi đến một vùng đất khác nữa, bởi vì Makkah đã trở thành vùng đất của Islam.

Học giả Alkhattaabi và những học giả khác nói: Cuộc dời cư Hijrah là nghĩa vụ bắt buộc vào thời kỳ đầu của Islam đối với ai gia nhập Islam nguyên nhân là do những người Muslim ở Madinah rất ít và họ cần sự tập hợp nguồn lực. Bởi thế, khi Allah (swt) đã cho chinh phục được Makkah thì mọi người vào Islam rất đông, cho nên nghĩa vụ bắt buộc Hijrah đến Madinah không còn nữa, mà chỉ còn nghĩa vụ đi Jihad và định tâm cho điều đó.

Học giả Al-Mawardi nói: Nếu có khả năng biểu hiện công khai tôn giáo Islam trong xứ của những người không phải Muslim thì việc định cư ở nơi đó tốt hơn việc rời bỏ nó, với hy vọng có thể dẫn dắt ai đó vào Islam.

Học giả Ibnu Hajar nói: Ý nghĩa của việc bắt buộc Hijrah là đối với ai vào Islam nhưng bị sự hãm hại và đàn áp của những người không phải Muslim. Những người ngoại đạo lúc đó đã đàn áp những ai vào Islam phải quay về với tôn giáo của họ trước kia.

 

Hadith số 4: Ông Jabir bin Abdullah Al-Ansaari thuật lại, nói: Có lần, chúng tôi đang cùng với Thiên sứ của Allah (saw) trong một chuyến đi chinh chiến thì Người nói:

 

Quả thật ở Madinah có những người đàn ông, không một nơi nào các ngươi bước đi cũng như không một thung lũng nào các ngươi đi ngang qua mà họ không ở cùng với các ngươi, bởi vì những căn bệnh đã cản trở họ.

Còn trong một lời dẫn khác:

 . . . mà họ không hưởng ân phước cùng với các ngươi . . .” (Muslim).

Và trong bộ Sahih Albukhari thì ghi rằng ông Anas bin Malik t thuật lại: Chúng tôi trở về từ trận chiến Takbuk cùng với Thiên sứ của Allah (swt), Người nói:

 Quả thật những người đàn ông ở lại Madinah, không một rãnh núi hay thung lũng nào chúng ta đi qua mà họ không ở cùng với chúng ta vì có những nguyên nhân cản trở họ đi cùng.

Hadith này là bằng chứng rằng nếu định tâm làm điều tốt và ngoan đạo và quyết định thực hiện nhưng không thể làm được bởi một nguyên do chính đáng nào đó thì vẫn được ban cho ân phước giống như người thực hiện.

 

Hadith số 5: Ông Abu Yazeed Ma’an bin Yazeed bin Al-Akhnas – cha và ông nội của ông ta là những vị Sahabah – nói: Cha tôi, Yazeed lấy những đồng tiền vàng Dinar đem đi bố thí, ông đã gởi số tiền đó với một người đàn ông trong Masjid. Tôi đã đến lấy lại những đồng tiền vàng đó và về gặp ông. Cha tôi nói với tôi: Thề bởi Allah, đó không phải là số tiền ta cho con. Thế là tôi đã tranh chấp với ông và đưa sự việc đến gặp Thiên sứ của Allah (saw). Người nói:

 Này Yazeed, ngươi có được điều ngươi định tâm; và này Ma’an, ngươi có được điều ngươi đã lấy.” (Albukhari).

Hadith là bằng chứng rằng ai định tâm làm Sadaqah cho người khó khăn thì sẽ được ban cho ân phước cho dù người nhận là người thuộc những người phải có trách nhiệm chu cấp.

* Bài học từ Hadith:

-  Sadaqah mang tính hảo tâm được phép đưa cho con cái, còn Sadaqah bắt buộc như Zakah thì không được phép đưa cho con cái (cháu nội, ngoại) hay cha mẹ (ông bà nội, ngoại).

-  Được phép ủy thác cho người khác phân phát Sadaqah thay.

 

Hadith số 6: Ông Sa’ad bin Abi Wiqaass, một trong mười vị Sahabah được báo tin mừng về Thiên Đàng thuật lại, nói: Thiên sứ của Allah (saw) đến thăm tôi vào năm Hajj chia tay khi tôi bị bệnh rất nặng. Tôi đã nói với Người: Thưa Thiên sứ của Allah! Quả thật, cơn đau bệnh của tôi như Người thấy đó càng ngày càng nặng hơn, và tôi là người có tiền của nhưng không ai thừa kế ngoại trừ một đứa con gái duy nhất của tôi. Vậy tôi sẽ đem 2/3 tài sản của tôi làm Sadaqah chứ? Người e nói: “Không”. Tôi nói: Thưa Thiên sứ của Allah! Vậy một nửa được không? Người (saw) nói: “Không”. Tôi nói: Vậy 1/3 có được không thưa Thiên sứ của Allah? Người (saw) nói:

 Một phần ba, và một phần ba là nhiều hoặc lớn; quả thật, việc ngươi để lại tài sản cho người thừa kế của ngươi được giàu có tốt hơn việc người để họ thành một người nghèo phải cần sự hỗ trợ của thiên hạ; quả thật, bất cứ phần chu cấp nào ngươi chu cấp vì làm hài lòng Allah thì đều được ban cho ân phước và công đức, ngay cả việc ngươi đút một miếng thức ăn vào miệng người vợ của ngươi cũng được ban cho ân phước và công đức.

Tôi nói: Thưa Thiên sứ của Allah! Như vậy tôi sẽ phải ở phía sau các vị bạn đạo của tôi sao? Người (saw) nói:

 Quả thật, ngươi không bao giờ ở phía sau, bởi bất cứ việc làm ngoan đạo nào ngươi làm vì để Allah hài lòng thì đều được ban thêm ân phước và được nâng cấp bậc thêm mà thôi; e rằng ngươi ở lùi về phía sau khi nào có một nhóm người có được lợi ích từ ngươi đồng thời một số khác lại bị thiệt hại vì ngươi. Lạy Allah, xin Ngài hoàn thiện cuộc dời cư Hijrah của những người bạn đạo của bề tôi và xin Ngài đừng để họ lùi về phía sau.” (Albukhari, Muslim).

* Những bài học từ Hadith:

- Được phép than về bệnh tình khi có mục đích cần thiết chẳng hạn như để được chữa trị và được người ngoan đạo cầu nguyện giùm

- Được phép tích trữ tiền bạc và tài sản bằng con đường Halal.

- Sadaqah hay di chúc lúc trên giường bệnh không được nhiều hơn 1/3 tài sản trừ phi là để cho những người thừa kế.

- Khẳng định việc làm của một người bởi sự định tâm của y và chu cấp cho gia đình với định tâm vì Allah (saw) sẽ được ban cho ân phước.

 

Hadith số 7: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah e nói:

 Quả thật, Allah không nhìn vào dáng vóc và ngoại hình của các ngươi mà Ngài nhìn vào trái tim của các ngươi.” (Muslim).

Có nghĩa là Allah (swt) không ban ân phước qua vóc dáng và ngoại hình mà Ngài chỉ ban ân phước qua việc làm và tấm lòng của người bề tôi.

Vóc dáng và ngoại hình nói lên vẻ bề ngoài của một người, nó được tô điểm bởi sự giàu có, danh vọng và con cái. Cho nên, cho dù ai đó giàu có đến đâu, danh vọng cao trọng đến mấy và con cái nhiều như thế nào thì y không hề có bất cứ giá trị gì ở nơi Allah (swt)  qua những thứ đó mà giá trị của y ở nơi Ngài là qua đức tin Iman và việc làm ngoan đạo của y. Allah (swt) phán:

{Không phải của cải cũng không phải con cái của các ngươi là những thứ sẽ đưa các ngươi đến gần TA (Allah) theo cấp bậc mà chỉ ai có đức tin Iman và làm việc thiện tốt.} (Chương 34 – Saba’, câu 37).

* Bài học từ Hadith:

- Công đức và ân phước được ban cho là qua việc làm bằng sự thành tâm (Ikhlaass).

- Người bề cần trung thực và chân thành trong Niyah (sự định tâm).

- Phải đặt tâm niệm lên hàng đầu trước mọi việc làm.

- Cần phải điều chỉnh tâm niệm cho đúng để nó luôn hướng về Allah (swt) .

 

Hadith số 8: Ông Abu Musa Abdullah bin Qais Al-As’ari thuật lại: Thiên sứ của Allah (saw) được hỏi: Người đánh chiến vì gan dạ, người đánh chiến vì để phòng vệ và người đánh chiến một cách Riya’; ai trong ba người này là người đánh chiến cho con đường chính nghĩa của Allah? Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 Ai đánh chiến để giơ cao lời phán của Allah thì người đó vì con đường chính nghĩa của Allah.” (Albukhari, Muslim).

Đánh chiến vì gan dạ có nghĩa là một người đi chinh chiến vì y thích đánh chiến, y thích xông pha nơi chiến trường, y thích dấn thân vào khó khăn và mạo hiểm mục đích để chứng tỏ bản lĩnh và sự dũng cảm. Đánh chiến để phòng vệ có nghĩa là chiến đấu mục đích nhằm bảo vệ bản thân, bảo vệ người thân, tài sản và bảo vệ quê hương đất nước. Đánh chiến một cách Riya’ có nghĩa là đi chinh chiến vì chỉ muốn phô trương tài năng chiến lược và để được người đời khen ngợi hay để đạt được mục đích nào đó chứ không hoàn toàn vì Allah (swt).

Cả ba người này, sự chiến đấu của họ đều không phải là người chiến đấu cho con đường chính nghĩa của Allah (swt) mà người thực sự chiến đấu cho con đường chính nghĩa của Ngài là người chiến đấu để giơ cao lời phán của Ngài tức tôn giáo của Ngài; và tôn giáo của Allah (swt)  chính là Islam.

* Bài học từ Hadith: Tất cả mọi việc làm sẽ được Allah (swt) phán xét qua sự định tâm trung thực và thành tâm, và ân phước to lớn mà Allah (swt) ban cho người chiến đấu Jihaad là chỉ đối với ai đi chiến đấu vì để giơ cao lời phán của Allah (swt). Tuy nhiên, cách cư xử với người bị giết trong các trận chiến cũng được thực hiện giống như người chết Shaheed, tức không tắm, không liệm và không dâng lễ nguyện Salah mà chỉ chôn cất; còn mục đích, tâm niệm của họ thì chừa lại cho Allah (swt) phán xét ở Đời Sau.

 

Hadith số 9: Ông Abu Bakrah Nufai’ bin Al-Harith Ath-Thaqafi  thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 Nếu hai người Muslim đối đầu với nhau bằng thanh kiếm thì người giết và người bị giết đều ở trong Hỏa Ngục

Tôi (Abu Bakrah) nói: Thưa Thiên sứ của Allah, người giết ở trong Hỏa Ngục là đúng lẽ nhưng sao người bị giết cũng phải chịu như thế? Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 Quả thật, y cũng đã cố gắng giết chết người kia.” (Albukhari, Muslim).

Hai người Muslim đối đầu với nhau bằng thanh kiếm có nghĩa là hai người họ đều muốn giết chết nhau, một trong hai đều cố gắng giết chết người kia.

* Bài học từ Hadith:

- Sự trừng phạt cho những ai định tâm làm điều tội lỗi và đã thực hiện điều tội lỗi đó cho dù có thành công hay không thành công. Đây là trường hợp không được Allah (swt) tha thứ; nhưng đối với trường hợp được Allah (swt) tha thứ là trường hợp một người định tâm làm điều tội lỗi nhưng chưa thực hiện.

- Khuyến cáo người Muslim không đánh giết nhau, đó là đại trọng tội và đó là nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ và yếu ớt trong thế giới Islam; và hành động này làm Allah (swt) giận dữ và phẫn nộ.

 

Hadith số 10: Ông Abu Huroiroh y thuật lại lời của Thiên sứ (saw):

 Lễ nguyện Salah của một người đàn ông cùng với tập thể tốt hơn lễ nguyện Salah của y tại nhà của y và trong chợ của y hai mươi mấy cấp. Đó là bởi vì một người nếu y làm Wudu’ một cách chu đáo rồi y đến Masjid, y rời nhà đi Masjid chỉ vì mục đích dâng lễ nguyện Salah, thì cứ mỗi bước đi y được nâng lên một cấp, được xóa đi một điều tội lỗi cho đến khi y vào Masjid. Khi y vào Masjid y sẽ được ban cho ân phước của việc dâng lễ nguyện Salah; và các Thiên Thần cầu nguyện cho y trong suốt khoảng thời gian y vẫn ngồi tại chỗ y dâng lễ nguyện Salah, họ cầu nguyện cho y nói: Lạy Allah, xin Ngài hãy thương xót y! Lạy Allah, xin Ngài hãy tha thứ cho y! Lạy Allah, xin Ngài hãy chấp nhận lời sám hối của y. Họ cứ cầu nguyện cho y cho đến khi nào họ hư Wudu’ và đi ra ngoài.” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Được phép dâng lễ nguyện Salah tại các chợ mặc dù dâng lễ nguyện Salah tại những nơi đó là Makruh (bị ghét) do ở những nơi đó người dâng lễ sẽ bị phân tâm và kém Khushu’a (mất đi sự nghiêm trang và long trọng).

- Lễ nguyện Salah tập thể tại Masjid tốt hơn lễ nguyện Salah một mình hai mươi mấy cấp (25, 26, 27) như đã được nói trong các Hadith khác.

- Sự thành tâm Ikhlaass là điều khẳng định phần ân phước.

- Lễ nguyện Salah tốt hơn những việc làm thờ phượng khác bởi vì được các Thiên Thần cầu nguyện.

- Một trong các việc làm của các Thiên Thần là cầu nguyện cho những người có đức tin.

 

Hadith số 11: Ông Abu Al-Abbas Abdullah bin Abbas bin Abdul-Mutalib thuật lại lời của Thiên sứ (saw):

 Quả thật, Allah ghi những ân phước và những điều tội lỗi. Sau đó Ngài giải thích điều đó: Ai định tâm làm một điều thiện nhưng không thực hiện nó thì Allah ghi cho y một ân phước trọn vẹn, nhưng nếu y định tâm và thực hiện nó thì Allah sẽ ghi cho y mười ân phước ở nơi Ngài và được nhân thêm đến bảy trăm lần và thêm nhiều hơn nữa; còn ai định tâm làm điều xấu nhưng không thực hiện nó thì Allah ghi cho y một ân phước trọn vẹn, nhưng nếu y định tâm và thực hiện nó thì Allah chỉ ghi cho y một tội mà thôi.” (Albukhari, Muslim).

Đây là Hadith Qudsi, có nghĩa là Allah (swt)  thông điệp cho vị Nabi của Ngài một cách trực tiếp bằng hình thức truyền cảm hứng hoặc qua giấc mộng hoặc dưới các hình thức mặc khải khác và Người (saw) thuật lại bằng lời lẽ diễn đạt của Người (saw) và nó không mang tính chất giáo lý giống như Qur’an.

Cụm từ Allah ghi những ân phước và những điều tội lỗi có nghĩa là Allah (swt)  ra lệnh cho các Thiên Thần của Ngài ghi chép.

* Bài học từ Hadith:

- Định tâm làm điều tốt mặc dù không thực hiện cũng được ban ân phước.

- Định tâm làm điều xấu nhưng không thực hiện thì vẫn được ban cho ân phước. Đây là sự thương xót và lòng nhân từ bao la của Allah dành cho người bề tôi của Ngài.

Có lời hỏi tại sao người định tâm làm điều xấu nhưng không làm lại không bị ghi tội? Câu trả lời: Bởi vì khi một người định tâm làm điều xấu thì đó là tội, nhưng khi y quyết định không làm điều xấu đó thì có nghĩa là y đã định tâm làm điều tốt: từ bỏ việc làm xấu. Hơn nữa điều tốt sẽ bối xóa điều xấu như Allah (swt) đã phán:

{Quả thật những điều tốt sẽ bôi xóa những điều xấu.} (Chương 11 – Hud, câu 114).

 

Hadith số 12: Ông Abu Abdurrahman Abdullah bin Umar  thuật lại: Tôi đã nghe Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 Trước thời các người có ba người đàn ông đi đường ghé vào một hang núi để nghỉ qua đêm bởi trời đã tối. Sau khi họ vào hang thì đột nhiên một tảng đá to từ phía trên núi lăn xuống lắp miệng hang lại làm họ kẹt bên trong. Tất cả ba người đều bảo: Sẽ chẳng có ai giúp nổi chúng ta thoát khỏi tảng đá kia ngoài việc chúng ta phải cầu xin Allah (swt) qua những việc làm thiện tốt và ngoan đạo của chúng ta .

 Thế là một người trong bọn họ khấn nguyện nói: Lạy Thượng Đế! Bề tôi đã từng có cha mẹ già sống chung và lúc nào bề tôi cũng chu đáo trong việc hầu hạ và chăm sóc cho họ, bề tôi chưa bao giờ nghỉ ngơi cho đến khi nào họ đã ngủ. Có lần bề tôi vắt sữa mang lên cho cha mẹ bề tôi dùng nhưng họ đã ngủ, bề tôi không muốn phá giấc ngủ của họ và cũng không muốn ai trong gia đình dùng bữa trước họ nên bề tôi đã cầm nồi sữa trên tay và đứng đợi đến khi cha mẹ bề tôi thức dậy trong khi các con của bề tôi cứ khóc la dưới chân bề tôi vì đói. Lạy Thượng Đế, bề tôi đã làm thế vì chỉ muốn làm Ngài hài lòng thì xin Ngài hãy cứu bề tôi thoát khỏi tảng đá kia! Cầu nguyện xong, cả ba cùng nhau đẩy tảng đá nhưng tảng đã chỉ di chuyển được một ít tạo thành một khe hở nhưng vẫn chưa đủ vừa để chui ra được.

 Rồi tiếp tục người thứ hai cầu nguyện: Lạy Thượng Đế! Bề tôi đã từng yêu mến người em gái họ đến điên cuồng nhưng nàng ấy đã từ chối bề tôi. Sau một thời gian, nàng đến tìm bề tôi vì gặp khó khăn, bề tôi đã đưa cho nàng một trăm hai mươi Dinar (đồng tiền vàng) với điều kiện là nàng  phải trao thân cho bề tôi. Thế là bề tôi đã vào cuộc, nhưng đến lúc bề tôi ngồi hẳn bên trên đùi của nàng (ngụ ý đã sẵn sàng cho cuộc giao hợp) thì nàng bảo: Hãy kính sợ Allah, hãy đừng tháo chiếc nhẫn khi không phải là chủ nhân của nó! Nàng vứa dứt lời, bề tôi lập tức rời khỏi cơ thể nàng và bỏ đi và bỏ cả số vàng mà bề tôi đã đưa cho nàng. Lạy Thượng Đế, bề tôi đã làm như thế vì muốn làm đẹp lòng Ngài, vậy xin Ngài hãy giúp bề tôi thoát khỏi tảng đá kia! Cầu nguyện xong, cả ba cố gắng đẩy tảng đá, tảng đá tiếp tục nhích được thêm một ít nữa nhưng khe hở vẫn chưa đủ để chui ra ngoài.

 Rồi người thứ ba tiếp tục cầu nguyện: Lạy Thượng Đế ! Bề tôi đã từng thuê các nhân công và đã trả tiền công cho họ nhưng có một nhân công bỏ đi mất mà chưa lấy tiền công, bề tôi đã dùng tiền công đó của y đầu tư và đã cho ra rất nhiều tài sản. Sau một thời gian, đột nhiên người nhân công đó quay lại, y bảo: Này hỡi người bề tôi của Allah! Hãy trả tiền công cho tôi. Bề tôi nói: Những gì anh nhìn thấy trước mặt anh từ đàn lạc đà, bò, cừu và những nô lệ đều từ tiền công của anh. Y bảo: Này người bề tôi của Allah! Anh không đùa với tôi đấy chứ. Bề tôi trả lời với y: Tôi thật sự không đùa với anh. Thế là, y lấy đi tất cả không để lại một thứ gì. Lạy Thượng Đế, bề tôi đã làm như thế vì chỉ muốn làm hài lòng Ngài; vậy xin Ngài hãy cứu bề tôi thoát khỏi tảng đá kia! Cầu nguyện xong, cả ba người lại cố đẩy tảng đá thêm một lần nữa, tảng đá nhích thêm và đã tạo khe hở đủ để họ lần lượt chui ra ngoài.” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ bài học:

- Lời cầu nguyện được đáp lại vào những lúc hoạn nạn.

- Được phép cầu nguyện Allah (swt) qua những việc làm ngoan đạo và thiện tốt và đó cũng làm một trong những nguyên nhân được Allah (swt) đáp lại lời cầu xin.

- Ân phúc của việc đối xử tử tế và hiếu thảo với cha mẹ, hành động ngoan đạo và đúng đắn là nên đặt cha mẹ lên trên con cái và vợ.

- Thúc đẩy việc từ bỏ quan hệ tình dục không được hợp thức hóa trong Islam đặc biệt là đối với người có khả năng thực hiện hành vi đó nhưng vì sợ Allah (swt) nên hoàn toàn từ bỏ. Điều này giống như một người nghiện rượu, thuốc lá nhưng vì muốn tuân thủ theo mệnh lệnh của Allah (swt), y quyết chiến đấu với bản thân để từ bỏ thuốc lá và rượu.

- Ân phúc của sự uy tín, thực hiện đúng theo lời hứa và bản chất rộng lượng và vị tha trong cư xử giao tế.

- Quả thật Allah (swt) không làm mất đi ân phước của bất kỳ một việc làm thiện tốt nào, có nghĩa là Ngài sẽ trả lại ân huệ của việc làm đó trên thế gian, còn không Ngài sẽ ban ân phước và công đức ở Đời Sau. 

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan