Chương 13: Có nhiều con đường cho việc làm thiện tốt

 Chương 13: Có nhiều con đường cho việc làm thiện tốt

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và bất cứ việc thiện tốt nào các ngươi làm thì quả thật Allah đều biết rõ.}(Chương 2 – Albaqarah, câu 215).

{Và bất cứ việc làm thiện tốt nào các ngươi làm thì Allah đều biết.}(Chương 2 – Albaqarah, câu 197).

{Do đó, người nào làm một việc thiện tốt cho dù nhỏ như hạt bụi cũng sẽ thấy nó.} (Chương 99 – Al-Zilzilah, câu 7).

{Ai làm điều thiện tốt thì bản thân y sẽ được phúc.}(Chương 45 – Al-Jathiyah, câu 15).

Có rất nhiều câu Kinh nói về chủ đề này; và các Hadith nói về chủ đề này cũng vậy, có rất nhiều, nhưng chúng ta chỉ nêu ra một số Hadith tiêu biểu.

Hadith 117: Ông Abu Zdar Jundab bin Juna-dah  thuật lại: Tôi đã hỏi Thiên sứ của Allah (saw): Thưa Thiên sứ của Allah, việc làm nào là tốt nhất? Người (saw) nói:

“Tin nơi Allah và chiến đấu cho con đường chính nghĩa của Ngài”

Tôi hỏi: Người nô lệ nào tốt nhất?

Người (saw) nói:

 “Người nô lệ phẩm hạnh tốt và có giá cao nhất”

Tôi nói: Nếu tôi không làm được?

Người (saw) nói:

 “Hỗ trợ người làm hoặc dẫn đường cho người muốn làm điều tốt nhưng không biết”.

Tôi nói: Thưa Thiên sứ của Allah, nếu tôi không có khả năng làm một số việc thì Người khuyên tôi thế nào?

Người (saw) nói:

 “Ngươi hãy ngăn điều xấu của bản thân mình đối với thiên hạ bởi quả thật đó là việc làm Sadaqah cho chính bản thân ngươi” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith khuyến khích đi chiến đấu cho con đường chính nghĩa của Allah (swt)  và giải phóng tự do cho người nô lệ.

- Khuyến khích việc giúp đỡ những người cần giúp đỡ.

- Cấm bản thân làm điều xấu gây hại đến những người khác.

- Hadith cho biết rằng đức tin Iman là nên tảng để các việc làm thiện tốt được chấp nhận nơi Allah (swt), và các việc làm thiện tốt như là trái quả của đức tin Iman.

- Hadith nhắc nhở người tìn đồ rằng các việc làm thiện tốt rất đa dạng, ai không có khả năng làm điều này thì có thể làm điều khác tùy theo khả năng.

Hadith 118: Ông Abu Zdar thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Từng khớp xương của ai đó trong các ngươi đều mang lại cho y một điều Sadaqah, mỗi lời Tasbeeh (Subha-nollo-h) là một Sadaqah, mỗi lời Tahmeed (Alhamdulillah) là một Sadaqah, mỗi lời Tahleel (La-ila-ha-illollo-h) là một Sadaqah, mỗi lời Takbeer (Ollo-hu-akbar) là một Sadaqah, kêu gọi làm điều thiện tốt là một Sadaqah, và ngăn cản điều xấu là một Sadaqah, và hai Rak’at của lễ nguyện Salah Duha mang lại tất cả những ân phước đó.” (Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith giục người tín đồ làm nhiều Sadaqah, và Sadaqah không chỉ được thực hiện bằng tiền của mà còn có thể thực hiện bằng lời nói và các việc làm của cơ thể.

- Hadith khẳng định ân phước to lớn của các lời tụng niệm.

- Hadith kêu gọi người tín đồ duy trì lễ nguyện Salah Duha, ít nhất là hai Rak’at bởi vì hai Rak’ah của lễ nguyện Salah Duha chứa đựng toàn bộ các ân phước từ lời nói và hành động.

Hadith 119: Ông Abu Zdar thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Ta được phơi bày cho thấy các việc làm tốt và xấu của cộng đồng tín đồ của Ta. Ta thấy trong số các việc làm thiện tốt của họ có việc nhặt bỏ những trở ngại trên đường và Ta thấy trong số các việc làm xấu có việc khạc nhổ nơi Masjid mà không chôn nó lại.” (Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith muốn khẳng định rằng việc làm thiện tốt rất nhiều, ngay cả việc nhặt bỏ những trở ngại trên đường chẳng hạn như một cái gai, một miếng rác cũng là một việc làm thiện tốt được ban cho một điều Sadaqah.

- Hadith kêu gọi người tín đồ làm những điều mang lại lợi ích và cải thiện cho mọi người tránh làm điều gây hại và phiền toái cho mọi người.

- Hadith bắt buộc tôn trọng Masjid, người tín đồ phải tôn kính Masjid bởi đó là nơi tôn nghiêm, nơi để thờ phượng Allah, Đấng Tối  Cao. Việc khạc nhổ, đánh hơi, tiểu và xả rác nơi Masjid là một trong những hành vi bất kính đối với Allah (swt).

Hadith 120: Ông Abu Zdar thuật lại rằng có một nhóm người nói: Thưa Thiên sứ của Allah, những người giàu tiền của đã lấy đi mất phần phước hết rồi, họ dâng lễ nguyện Salah giống chúng tôi, họ nhịn chay giống chúng tôi nhưng họ Sadaqah bởi phúc lộc tiền của của họ. Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Chẳng phải Allah cũngđã cho các ngươi những thứ để các ngươi làm Sadaqah đó sao? Quả thật, mỗi lời Tasbeeh là một điều Sadaqah, mỗi lời Takbeer là một điều Sadaqah, mỗi lời Tahmeed là một điều Sadaqah, mỗi lời Tahleel là một điều Sadaqah, kêu gọi người làm điều thiện tốt là một điều Sadaqah, ngăn cản người làm điều xấu là một điều Sadaqah và ngay cả việc quan hệ tình dục của ai đó trong các ngươi cũng là một điều Sadaqah”.

Họ nói: Thưa Thiên sứ của Allah, chẳng lẽ một ai đó trong chúng tôi giải quyết nhu cầu sinh lý của mình cũng được ban cho ân phước nữa sao?

Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Chẳng phải nếu người đó quan hệ tình dục trong Haram thì y sẽ mang tội đó sao?! Cũng như thế, nếu y quan hệ tình dục trong Halal thì y sẽ được ban cho ân phước.” (Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho thấy các vị Sahabah luôn tranh đua nhau làm việc thiện tốt để tích công đức cho cuộc sống Đời Sau. Họ thường ít quan tâm đến cuộc sống trần gian dù nghèo hay giàu.

- Hadith cho chúng ta hiểu sâu rộng hơn về khái niệm thờ phượng và hành đạo trong Islam rằng nó bao quát tất cả mọi hành động và việc làm mà người Muslim định tâm hướng thiện và mang tâm niệm tốt, ngay cả một thói quen sinh hoạt hàng ngày nếu có tâm niệm tốt thì sẽ được ban cho ân phước và ngay cả việc từ bỏ những điều trái lệnh cũng sẽ được ban ân phước giống như thực thi một điều ngoan đạo nếu với tâm niệm chấp hành mệnh lệnh.

Hadith 121: Ông Abu Zdar thuật lại: Thiên sứ của Allah (saw) đã nói với tôi:

 “Ngươi đừng xem thường bất cứ việc làm thiện tốt nào cho dù chỉ là một cái mỉm cười đến người anh em của ngươi” (Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Nếu là điều thiện tốt thì cho dù nó nhỏ nhặt như thế nào thì người tín đồ có đức tin nơi Allah (swt) cũng không nên xem thường nó mà hãy thực hiện khi có thể.

- Hadith kêu gọi mỗi tín đồ Muslim nở nụ cười đến nhau khi gặp mặt bởi việc làm đó làm tăng thêm sự thân thiện trong tình anh em đồng đạo và là một trong các yếu tố tạo nên sự đoàn kết hữu ái giữa các anh em Islam với nhau.

Hadith 122: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Từng cái khớp xương của con người đều mang lại một điều Sadaqah vào mỗi ngày khi mặt trời mọc lên: phân xử công bằng giữa hai bên là một điều Sadqah, giúp một người cưỡi lên con vật của y hoặc phụ y mang đồ đạc đặt lên lưng con vật là một điều Sadaqah, lời nói tốt đẹp là một điều Sadaqah, mỗi bước chân đi lễ nguyện Salah là một điều Sadaqah, và nhặt bỏ vật trở ngại trên đường là một điều Sadaqah” (Albukhari, Muslim).

Trong một lời dẫn của Muslim qua lời thuật của bà A’ishah thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Quả thật, con người được tạo ra trên ba trăm sáu mươi khớp xương. Bởi thế, ai Takbeer, Tahmeed, Tahleel, Tasbeeh, Istighfaar, nhặt bỏ cục đá hoặc cái gái hoặc một khúc xương trên đường, kêu gọi người làm điều tốt hoặc ngăn cản người làm điều xấu với số lượng ba trăm sáu mươi khớp xương đó thì ngày hôm đó đã đưa y đi xa khỏi Hỏa Ngục”.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith khẳng định việc thiện tốt và ngoan đạo có rất nhiều, chỉ cần ai đó muốn tích lũy công đức và ân phước đều có thể tìm thấy cơ hội cho mình mọi lúc và mọi nơi.

- Hadith cho thấy rằng Allah (swt) rất thương xót các bề tôi của Ngài khi mà Ngài luôn tạo nhiều cơ hội cho họ để họ đạt được phước lành một cách dễ dàng.

Hadith 123: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Ai đi Masjid thì Allah sẽ chuẩn bị cho y bổng lộc từ Thiên Đàng mỗi khi y đi” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith:Hadith cho biết ân phước của việc đi Masjid và thúc giục người tín đồ duy trì lễ nguyện Salah tập thể.

Hadith 124: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Hỡi những phụ nữ Muslim, chớ đừng xem thường phần biếu cho người láng giềng của mình dù chỉ là một khúc xương cừu ít thịt” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith:Hadith kêu gọi Sadaqah và biếu tặng dù chỉ với những thứ đơn giản và không đáng kể. Việc tốt cho dù nó có nhỏ như thế nào thì người tín đồ cũng không nên coi khinh mà hãy cố gắng thực hiện bởi vì mọi việc tốt dù nhỏ như thế nào cũng đều được ban phần thưởng nơi Allah (swt).

Hadith 125: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Đức tin Iman gồm bảy mươi mấy hoặc sáu mươi mấy phần, phần ân phúc nhất là lời ‘La-ila-ha-illollo-h’ còn phần thấp nhất là nhặt bỏ vật trở ngại trên đường; và tính mắc cỡ là một phần của đức tin Iman” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho biết đức tin Iman có những thứ cấp tùy theo tầm quan trọng và trái quả của việc làm mang lại.

- Hadith khẳng định đức tin Iman và việc làm phải song hành với nhau, thiếu một trong hai sẽ không mang lại bất cứ giá trị nào cho cuộc sống cõi Đời Sau.

- Hadith ca ngợi tính mắc cỡ và kêu gọi người tín đồ làm việc thiện dù chỉ là những việc làm nhỏ nhặt chẳng hạn như nhặt bỏ rác nơi đường đi của mọi người.

Hadith 126: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Có một người đàn ông trong lúc đang đi trên đường thì khát nước, nhìn thấy một cái giếng y liền vội đi xuống giếng và uống nước rồi trở lên. Khi trở lên nhìn thấy một con chó đang lè lưỡi vì cơn khát, người đàn ông nói với lòng rằng con chó này đang rất khát giống như mình lúc nãy, thế là y đi xuống giếng lấy giầy của mình múc nước lên và cầm để ngay miệng cho nó uống. Allah cảm ơn y nên đã tha thứ tội lỗi cho y”.

Các vị Sahabah nói: Thưa Thiên sứ của Allah, ngay cả đối với loài vật chúng ta cũng được ban cho ân phước nữa sao?

Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Đối với tất cả loài vật có lá gan tươi đều được ban cho ân phước” (Albukhari, Muslim).

Trong một lời dẫn khác của Albukhari thì có phần thêm: “ ... Allah cảm ơn y nên đã tha thứ tội lỗi cho y và thu nhận y vào Thiên Đàng”.

Trong một lời dẫn khác của cả hai: Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Một con chó đang đi vòng quanh cái giếng nước vì cơn khát suýt giết chết nó, một phụ nữ bán dâm thuộc dân Israel nhìn thấy nó đã liền xuống giếng lấy hài múc nước lên cho nó uống, thế là người phụ nữ đó được Allah tha thứ tội lỗi bởi hành động đó của cô ta”.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith kêu gọi làm điều tốt đối với tất cả mọi tạo vật có sự sống.

- Hadith cho thấy rằng có thể chỉ với một hành đồng tốt nhỏ nhoi nhưng Allah (swt) sẽ ban cho ân phước vô cùng to lớn.

- Hadith kêu gọi người tín đố giúp đỡ những người cần sự giúp đỡ ngay cả đối với loài vật.

- Hadith khẳng định lòng nhân từ của Allah (swt) bao trùm lên cả mọi tạo vật.

Hadith 127:Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Quả thật, Ta đã nhìn thấy một người đàn ông được thu nhận vào Thiên Đàng chỉ vì y đã cắt bỏ một cái cây giữa đường đi gây cản trở mọi người” (Muslim).

Trong một lời dẫn khác của Muslim:

 “Một người đàn ông đi ngang một nhánh cây nằm giữa đường đi, y nói: thề bởi Allah mình phải vứt bỏ cái này để không gây cản trở cho những người Muslim. Thế là y được vào Thiên Đàng bởi việc làm đó”.

Và trong một lời dẫn khác nữa của cả hai Albukhari và Muslim:

 

“Một người đàn ông trong lúc đang đi trên đường thì nhìn thấy mốt nhánh cây gai, y đã nhặt vứt đi. Thế là Allah tri ân y nên đã tha thứ tội lỗi cho y”.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho thấy ân phúc của việc nhặt những vật gây cản trở lối đi cho người đi đường.

- Hadith kêu gọi các tín đồ Muslim có những hành động tốt mang lại lợi ích cho những người Muslim và tránh xa những điều gây hại đến họ.

Hadith 128: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Ai làm Wudu’ một cách chu đáo rồi đến tham dự lễ nguyện Jumu’ah, y im lặng lắng nghe (bài thuyết giảng) thì y sẽ được tha thứ tội lỗi trong khoảng thời gian giữa lần Jumu’ah đó và lần Jumu’ah tới và thêm ba ngày. Và ai chạm vào viên sỏi là đã nói chuyện vô bổ” (Muslim).

Và ai chạm vào viên sỏi là đã nói chuyện vô bổ” có nghĩa là khi vào trong Masjid tham dự lễ nguyện Jumu’ah thì phải im lặng lắng nghe Imam thuyết giảng, không được phép nói chuyện và gây ôn ào, nếu ai có hành vi đùa nghịch với viên sỏi bị coi như đã có hành vi giống như nói chuyện và gây ồn ao không lắng nghe bài thuyết giảng.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith kêu gọi người tín đồ làm Wudu’ một cách chu đáo và duy trì lễ nguyện Salah Jumu’ah.

- Hadith cho biết ân phước to lớn của lễ nguyện Salah Jumu’ah, người nào tham dự lễ nguyện Salah Jumu’ah theo đúng phong cách như Thiên sứ đã nói trong Hadith thì sẽ được Allah (swt) xóa tội lỗi trong mười ngày.

- Hadith cho biết rằng việc giữ im lặng và chú tâm lắng nghe bài thuyết giảng ngày Jumu’ah là điều bắt buộc đối với tất cả những ai tham gia lễ nguyện.

Hadith 129: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Khi người bề tôi Muslim – hoặc người bề tôi có đức tin – làm Wudu’, lúc y rửa mặt thì tất cả tội lỗi sẽ đi ra theo nước rơi xuống từ gương mặt hoặc đi ra cùng với giọt nước cuối cùng, lúc y rửa tay thì tất cả tội lỗi sẽ đi ra theo nước rơi xuống từ tay hoặc đi ra cùng với giọt nước cuối cùng, và lúc rửa chân thì tất cả sẽ đi ra theo nước rơi xuống từ chân hoặc đi ra cùng với giọt nước cuối cùng cho đến khi sạch hết tội lỗi.” (Muslim).

* Bài học từ Hadith:Hadith khẳng định ân phước của Wudu’ rằng nó là phương tiện để tẩy xóa tội lỗi hàng ngày của chúng ta (tiểu tội, riêng đại tội thì cần phải sám hối). Đây là lòng thương xót của Allah (swt) dành cho các bề tôi của Ngài.

Hadith 130: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Năm lễ nguyện Salah, lễ nguyện thứ sáu đến lễ nguyện thứ kế tiếp, và Ramadan đến Ramadan kế tiếp là những điều bối xóa tội lỗi giữa chúng nếu tranh xa đại trọng tội” (Muslim).

* Bài học từ Hadith:Hadith cho biết rằng các nghĩa vụ bắt buộc của người tín đồ nếu được thực hiện tốt thì nó sẽ là nguyên nhân được Allah (swt) xóa đi các tiểu tội lỗi khi người chủ thể không phạm các đại trọng tội. Nếu người chủ thể tín đồ phạm cả đại trọng tội và các tiểu tội thì Allah (swt) chỉ thanh toán các đại trọng tội; và các đại trọng tội cần phải có sự sám hối thành tâm thì mới được Ngài xóa tội.

Hadith 131:Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Các ngươi có muốn Ta chỉ cho các ngươi điều mà với nó Allah sẽ xóa tội lỗi và nâng lên cấp bậc hay không?”

Các vị Sahabah nói: Chúng tôi muốn thưa Thiên sứ của Allah.

Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Chu đáo làm Wudu’ dù trong khó khăn, nhiều bước chân đến Masjid, sự chờ đợi lễ nguyện Salah sau lễ nguyện Salah  và đó là sự chói buộc.” (Muslim).

*Giải thích một số ý nghĩa của Hadith:

- Cấp bậc trong Hadith ý nói tầng cấp nơi Thiên Đàng.

- Thiên sứ của Allah (saw) gọi việc chờ đợi lễ nguyện Salah sau lễ nguyện Salah là sự chói buộc bởi sự việc đó có sự khó khăn với bản thân, nó đòi hỏi bản thân phải đấu tranh với lòng ham muốn của bản thân và việc chiến đấu chống lại dục vọng của bản thân là đại Jihaad.

*Bài học từ Hadith:

- Hadith khuyến khích người tín đồ chỉnh chu Wudu’ dù trong hoàn cảnh khó khăn chẳng hạn lúc trời rét hay khó khăn trong việc dùng nước.

- Hadith kêu gọi người tín đồ duy trì và giữ gìn lễ nguyện Salah tập thể tại Masjid; hãy luôn quan tâm nhiều đến các lễ nguyện Salah bắt buộc hàng ngày và chớ đừng quá bận rộn với cuộc sống thế tục mà quên nghĩa vụ này.

- Hadith như muốn thông điệp rằng sự thờ phượng là việc làm Jihaad.

Hadith 132: Ông Abu Musa Al-As’ary thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Ai dâng lễ nguyện Salah của hai giờ mát mẻ thì sẽ vào Thiên Đàng” (Albukhari, Muslim).

*Hai giờ mát mẻ có nghĩa là giờ Fajar và Asr.

*Bài học từ Hadith:

- Hadith nói về ân phúc của việc duy trì lễ nguyện Salah Fajar và lễ nguyện Salah Asr. Lý do Allah (swt) ban nhiều ân phúc cho hai lễ nguyện Salah này bởi vì chúng nằm vào những thời điểm mà bản thân con người phải rất vất vả trong việc đấu tranh với ham muốn của bản thân; giờ Fajar là thời điểm mà con người đang say trong giấc ngủ còn giờ Asr là con người đang tất bật để hoàn thành công việc của một ngày. Nếu người tín đồ vì Allah (swt) mà từ bỏ giấc ngủ ngon lành và bỏ qua hết mọi công việc cuộc sống thế tục thì họ đáng được nhận nơi Ngài một phần thưởng to lớn.

- Hadith như muốn nói rằng nếu người tín đồ có thể duy trì được hai lễ nguyện Salah này thì y sẽ dễ dàng trong việc duy trì các lễ nguyện Salah còn lại.

Hadith 133: Ông Abu Musa Al-As’ary thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Nếu người bề tôi bị bệnh hoặc đi đường thì y sẽ được ghi cho ân phước giống như ân phước của những việc làm mà y đã thường làm lúc còn khỏe và lúc đang ở nhà” (Albukhari).

*Hadith muốn nói rằng ai thường làm những việc làm thiện tốt và ngoan đạo trong lúc còn khỏe mạnh và lúc đang ở tại nơi định cư thì nếu như những việc làm đó bị dừng lại do bệnh hoặc do phải đi đường thì Allah (swt) vẫn ban cho người đó ân phước của việc làm đó trong khoảng thời gian y bệnh hoặc đi đường.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho thấy rằng Allah, Đấng Nhân Từ lúc nào cũng thương xót các bề tôi của Ngài, Ngài luôn muốn ban cho người bề tôi của Ngài đạt nhiều ân phước trong mọi hoàn cảnh.

- Hadith kêu gọi người tín đồ cố gắng thường xuyên làm nhiều việc thiện tốt và ngoan đạo khi vẫn còn khỏe mạnh và đang ở tại gia.

Hadith 134: Ông Jabir thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Tất cả mọi việc làm tốt đều là Sadaqah” (Albukhari, Muslim).

* Có nghĩa tất cả mọi việc làm tốt dù là việc làm ngoan đạo đối với Allah (swt) hay những việc làm tốt mang lại lợi ích cho con người, môi trường, xã hội, .. đều được Allah (swt) ban cho ân phước của việc làm Sadaqah được định tâm vì Ngài.

Hadith 135: Ông Jabir  thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Bất kỳ người Muslim nào trồng một cây trồng mà không được ban cho ân phước của việc làm Sadaqah, mỗi khi cây trồng đó được ăn một thứ gì từ nó thì y sẽ được ban cho một điều Sadaqah, ngay cả khi một thứ gì đó bị trộm từ cây trồng đó thì cũng được một điều Sadaqah, và bất cứ ai  làm giám một thứ gì từ cây trồng đó thì y đều được ban cho một điều Sadaqah.” (Muslim).

Trong một lời dẫn khác của Muslim:

 “Không một người Muslim nào trồng một cây trồng mà không được ban cho Sadaqah, cứ mỗi khi con người, thú vật hay chim ăn từ cây trồng đó thì y được ban cho một điều Sadaqah cho đến ngày Tận Thế.”

Và trong một lời dẫn khác nữa của Muslim:

 “Không một người Muslim nào trồng một cây trồng hay trồng một mảnh vườn mà không được ban cho Sadaqah, cứ mỗi khi con người, thú vật hay bất cứ thứ gì ăn từ cây trồng đó thì y được ban cho một điều Sadaqah.”

* Bài học từ Hadith:

- Hadith kêu gọi và khuyến khích người tín đồ Muslim trông cây. Hadith này là bằng chứng khẳng định Islam hết sức quan tâm đến môi trường và khí hậu.

- Hadith cho biết rằng Allah (swt) ban ân phước to lớn cho những ai trồng cây với định tâm vì làm hài lòng Ngài.

Hadith 136: Ông Jabir thuật lại: Gia tộc Salimah muốn di chuyển đến sống gần Masjid, và tin này đã đên tai Thiên sứ của Allah (saw), Người nói với họ:

“Quả thật Ta đã nghe tin rằng các ngươi muốn chuyển nhà cửa đến Masjid phải không?”

Họ nói: Đúng vậy thưa Thiên sứ của Allah, quả thật chúng tôi đã muốn như vậy.

Người (saw) nói:

 “Này gia tộc Salimah, nhà cửa của các ngươi được ghi lại dấu tích của các ngươi, nhà cửa của các ngươi được ghi lại dấu tích của các ngươi” (Muslim).

Trong một lời dẫn khác của Muslim:

 “Quả thật mỗi một bước chân là một bậc”

Albukhari cũng ghi lại giống nội dung như vậy nhưng qua lời thuật của Anas bin Malik.

*Giải thích một số ý nghĩa:

- Gia tộc Salimah là gia tộc có tiếng thuộc dân bản xứ của Madinah tức thuộc những người Al-Ansaar.

- Dấu tích được nói trong Haditd hàm ý dấu tích của những bước chân từ nhà cửa của họ đến Masjid.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho biết rằng ân phược sẽ được ban cho tùy theo sự nỗ lực của người chủ thể trong việc thờ phượng và hành đạo cũng như các việc làm thiện tốt.

- Hadith kêu gọi người tín đồ phải duy trì lễ nguyện Salah tập thể tại Masjid cho dù nhà cửa có cách xa Masjid.

Hadith 137: Ông Abu Al-Munzdir Ubai bin Ka’ab thuật lại: Có một người đàn ông, tôi không biết có người nào khác ở cách xa Masjid hơn ông ta nhưng ông ta chưa hề bỏ bất kỳ một lễ nguyện Salah nào. Tôi nói với ông: Sao anh không mua một con lạc đà để anh cưỡi trong đêm tối cũng như trong lúc trời nắng nóng? Ông ta nói: Tôi không vui tí nào nếu nhà tôi ở bên cạnh Masjid; quả thật tôi muốn sự đi bộ của tôi đến Masjid cũng như ra về được ghi cho ân phước. Thế là Thiên sứ của Allah (saw) nói:

“Quả thật Allah tập hợp cho ngươi điều tốt đẹp trong tất cả những điều đó” (Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho biết rằng một người sẽ được ban cho ân phước dựa theo tâm niệm của y.

Hadith 138: Ông Abu Muhammad Abdullah bin Amru bin Al-Ass thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Bốn mươi điều tốt, một trong những điều tốt đó là Mani-hah Al-Anzi (cho ai đó dùng sữa từ con vật nuôi (lạc đà, bò, cừu, dê) của mình một thời gian). Bất cứ ai làm một việc tốt với niềm hy vọng được ban thưởng và tin vào sự hứa hẹn về phần thưởng đó thì Allah sẽ thu nhận y vào Thiên Đàng” (Albukhari).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho thấy có rất nhiều việc tốt khác nhau để người tín đồ tìm ân phước nơi Allah (swt).

Hadith 139: Ông Adi bin Hatim thuật lại: Tôi đã nghe Nabi (saw) nói:

 “Các ngươi hãy sợ Hỏa Ngục dù chỉ với một nửa quả chà là khô” (Albukhari, Muslim).

Trong một lời dẫn khác:

 “Mỗi người trong các ngươi, chắc chắn Thượng Đế của y sẽ nói chuyện với y và giữa cả hai không có kẻ thông ngôn. Y nhìn bên phải thì thấy những việc làm đã được gởi đi trước, và y nhìn bên trái thì thấy những việc làm đã được gởi đi trước, rồi y nhìn phía trước mặt thì thấy Hỏa Ngục đang trực diện. Bởi thế, các ngươi hãy sợ Hỏa Ngục dù chỉ với một nửa quả chà là khô. Bởi thế, ai không tìm thấy thì hãy với lời nói tốt đẹp”.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith nhắc nhở người tín đồ rằng vào Ngày Phục Sinh mỗi người tín đồ phải đứng trình diện trước Allah, sẽ không có một bức màn ngăn cách nào và cũng không có một người thông ngôn nào mà Ngài sẽ nói chuyện trực tiếp với y để tra hỏi và xét xử; tất cả mọi việc làm của y được phơi bày cho y và Hỏa Ngục đang cháy dữ dội trước mặt y. Do đó, người bề tôi hãy sợ Hỏa Ngục mà đừng làm trái lệnh Allah (swt).

- Hadith khẳng định rằng vào Ngày Phục Sinh không có ai hay bất cứ điều gì có thể giúp được người bề tôi ngoại trừ những việc làm thiện tốt của y mà thôi.

Hadith 140: Ông Anas bin Malik thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Quả thật, Allah hài lòng với người bề tôi khi y ăn hoặc khi uống thì y nói Alhamdulillah (ca ngợi và tán dương Ngài)” (Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith khuyến khích người bề tôi tạ ơn Allah (swt) về những ân huệ mà Ngài ban cho, và chỉ có Allah (swt) mới là Đấng đáng được ca ngợi và tri ân.

- Sự biết ơn là cách đạt được sự thành công bởi Allah (swt) đã phán:

{Nếu các ngươi biết ơn, TA sẽ ban thêm ân huệ cho các ngươi.} (Chương 14 – Ibrahim, câu 7).

Hadith 141:Ông Abu Musa thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

“Mỗi người Muslim phải làm Sadaqah”

Các vị Sahabah nói: Nếu một người không có khả năng thì sao?

Người (saw) nói:

 “Y tự lao động bằng chính đôi tay của mình và tự giúp ích cho bản thân mình, đó là Sadaqah.”

Các vị Sahabah nói: Nếu một người không có khả năng thì sao?

Người (saw) nói:

 “Y giúp đỡ những người cần giúp”

Các vị Sahabah nói: Nếu một người không có khả năng thì sao?

Người (saw) nói:

 “Kêu bảo người khác làm điều thiện tốt”

Các vị Sahabah nói: Nếu một người không có khả năng thì sao?

Người (saw) nói:

«“Ngăn cản bản thân làm điều xấu, đó là điều Sadaqah”

(Albukhari, Muslim).

 

 

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan