Chương 14: Không Nên Lạm Dụng Trong Thờ Phượng

 Chương 14: Không Nên Lạm Dụng Trong Thờ Phượng


Allah, Đấng Tối Cao phán

{Ta-ha. Không phải TA (Allah) ban Qur’an xuống cho Ngươi (Muhammad) để làm Ngươi đau buồn.} (Chương 20 – Ta-ha, câu 1, 2).

Có nghĩa là không phải TA ban Qur’an xuống cho Ngươi để Ngươi khó khăn, cực nhọc và khắc khổ. Lời Kinh hàm ý rằng hãy nên thờ phượng Allah (swt) ở mức trung hòa, phải giữ sức lực cho bản thân đừng để nó kiệt sức dẫn đến sự chán ngán; bởi vì bản thân con người giống như con vật nếu người chủ nhân của nó đối xử tử tế và hài hòa trong việc chăm sóc nó và bắt nó lao động thì y sẽ đạt được mục tiêu mong muốn, còn nếu như y làm khổ nó và ép nó làm quá sức thì công việc giảm hiệu quả hoặc thậm chí công việc sẽ bi ngưng hoàn toàn.

Qata-dah nói: Không, thề bởi Allah, Ngài không ban Qur’an xuống để làm khổ đau mà Ngài ban Nó xuống như một hồng phúc, là ánh sáng và kim chỉ nam dẫn đến Thiên Đàng.

Muja-hid nói: Lời phán này giống như lời phán:

{Bởi thế, các ngươi hãy đọc Qur’an phần nào mà các ngươi thấy dễ dàng cho các ngươi.} (Chương 73 – Al-Muzzammil, câu 20).

Allah, Đấng Tối Cao phán

{Allah muốn điều dễ dàng cho các ngươi chứ Ngài không không muốn gây khó khăn cho các ngươi.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 185).

Câu Kinh này mặc khải xuống để nói về việc cho phép không nhịn chay trong lúc đi đường xa. Ông Muja-hid và Al-Dhihaak nói: Điêu dễ dàng chính là không nhịn chay trong lúc đi đường và điều khó khăn chính là sự nhịn chay trong lúc đi đường. Tuy nhiên, câu Kinh mang ý nghĩa bao hàm mọi sự việc trong đạo, như Allah đã phán trong một câu Kinh khác:

{Và Ngài (Allah) đã không gây khó khăn cho các ngươi trong tôn giáo.} (Chương 22 – Al-Hajj, câu 78).

Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Quả thật, tôn giáo này là tôn giáo dễ dàng” (Annasa-i).



 Hadith 142: Bà A’ishah thuật lại rằng Nabi (saw) vào phòng bà và lúc đó bà đang ở cùng với một người phụ nữ. Người hỏi ai đây thì bà nói đây là người này, người này .. và bà kể cho Người nghe về việc người phụ nữ này thường không ngủ để dâng lễ nguyện Salah rất nhiều trong đêm. Thế là Người (saw) nói:

 “Mah, các người hãy làm những gì mình có khả năng, thề bởi Allah, Allah không chán ngán cho đến khi nào các ngươi chán ngán; và điều yêu thích nhất đối với Ngài trong đạo là những gì được duy trì thường xuyên.” (Albukhari, Muslim).

* Giải thích một số từ trong Hadith:

­- Mah là từ thể hiện sự ngăn cấm hay không hài lòng.

- Allah không chán ngán cho đến khi nào các ngươi chán ngán: Allah (swt) không ngừng việc ban ân phước cho các ngươi qua các việc làm của các ngươi, Ngài không hề chán ngán trong sự việc đó trừ phi các ngươi đã chán ngán hành đạo, chán ngán thờ phượng Ngài rồi bỏ bê hoàn toàn.

- Điều yêu thích nhất đối với Allah (swt) trong đạo là những gì được duy trì thường xuyên: Allah không yêu thích những việc làm được thực hiện rất nhiều nhưng không được duy trì lâu dài, ngược lại, Ngài yêu thích những việc làm tuy ít nhưng được thực hiện thường xuyên trong lâu dài và bền.

* Bài học từ Hadith:

- Islam không khuyến khích thực hiện nhiều sự thờ phượng và hành đạo một cách quá mức vì sợ bản thân trở nên chán ngán rồi từ bỏ.

- Hadith kêu gọi người tìn đồ nên hài hòa, cân đối trong việc hành đạo và thờ phượng.

- Việc làm mang lại nhiều ân phước là việc làm được thực hiện thường xuyên lâu dài cho dù có ít đi chăng nữa.

- Hadith cho người tín đồ một bài học quí giá, đó là làm ít nhưng được duy trì bền vững tốt hơn làm nhiều rồi ngừng hẳn.

- Hadith cho người tín đồ biết rằng con người không chỉ có bổn phận và nghĩa vụ với Allah (swt) mà còn có bổn phận và trách nhiệm với chỉ bản thân mình, đừng ép bản thân làm quá sức của nó mà hãy để nó được hưởng quyền lợi mà Allah (swt) đã cho phép.

Hadith 143: Ông Anas bin Malik thuật lại, nói:có ba người đàn ông đến nhà các bà vợ của Nabi Muhammad (saw) để hỏi về sự hành đạo của Người. Sau khi biết được sự hành đạo của Nabi (saw) thì dường như cả ba người đã không hài lòng cho sự hành đạo của bản thân mình vì nó không đáng là gì so với sự hành đạo của Nabi (saw). Sau đó, cả ba đều nói một cách quả quyết .. người thứ nhất nói: tôi sẽ dâng lễ nguyện Salah suốt đêm, người thứ hai nói: tôi sẽ nhịn chay suốt nguyên năm, và người thứ ba nói: tôi sẽ tránh xa phụ nữ, tôi sẽ không cưới vợ để chuyên tâm hành đạo. Vừa lúc ấy, Nabi (saw) đến và nói:

 “Các ngươi là những người đã nói thế này, thế này .. thề bởi Allah, quả thật Ta là người kính sợ Allah hơn các ngươi, Ta là người có lòng Taqwa đối với Ngài hơn các ngươi nhưng Ta nhịn chay và Ta ăn uống, Ta dâng lễ nguyện Salah trong đêm và Ta ngủ, và Ta cưới cưới phụ nữ. Bởi thế, ai ghét bỏ Sunnah của Ta thì người đó không thuộc cộng đồng tín đồ của Ta”(Albukhari).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith kêu gọi người tín đồ thờ phượng và hành đạo một cách trung hòa.

- Hadith cho thấy các vị Sahabah của Thiên sứ (saw) lúc nào cũng luôn phấn đầu và nỗ lực hết mình trong việc tìm kiếm ân phước của Allah (swt), và tấm lòng của họ luôn nghĩ tới cuộc sống Đời Sau, họ hầu như không màng đến cuộc sống trần gian.

- Hadith khuyến khích người tín đồ kết hôn lập gia đình.

- Hadith là bằng chứng cho thấy việc nhịn chay nguyên năm, thức suốt đêm dâng lễ nguyện Salah là điều Makruh (khuyến khích bỏ).

- Hadith khẳng định Sunnah hành đạo và thờ phượng của Thiên sứ (saw) là ở mức trung hòa, đó là cách tốt nhất để đến gần với Allah (swt).

Hadith 144:  Ông Ibnu Mas’ud thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói ba lần:

 “Là điều hủy diệt đối với những người quá mức” (Muslim).

* Những người quá mức: Ý nói những người quá mức không đúng chỗ trong thờ phượng cũng như trong hành đạo. Họ lúc nào cũng ép bản thân quá mức trong việc làm ngoan đạo mặc dù việc làm đó không nhất thiết phải làm thế.

* Bài học từ Hadith:

- Thiên sứ của Allah (saw) muốn khẳng định rằng những người có hành vi quá mức yêu cầu, những người thái quá trong lời nói cũng như trong hành động đều ở trên con được hủy diệt.

- Hadith chê trách sự hà khắc và gây khó khăn cho bản thân; và sự khó khăn và hà khắc thường không mang lại điều tốt.

Hadith 145: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Quả thật đạo là sự dễ dàng, bất kỳ ai lấy đạo hà khắc bản thân đều trở nên yếu ớt trong đạo, bởi thế, hãy bám lấy sự đúng đắn, hãy làm những điều tương đối, hãy vui lên, và  hãy cầu xin sự phù hộ (nơi Allah trong việc hành đạo) vào buổi sáng, vào buổi chiều và một chút gì từ ban đêm.” (Albukhari).

Trong một lời dẫn khác:

 “... hãy bám lấy sự đúng đắn, hãy làm những điều tương đối, hãy làm buổi sáng và buổi chiều và một chút gì đó từ ban đêm, và các ngươi sẽ đạt được mục tiêu mà không mỏi mệt”.

* Giải thích:

- Đạo là sự dễ dàng có nghĩa là đạo không phải là ép bản thân quá mức yêu cầu.

- Bất kỳ ai lấy đạo hà khắc bản thân đều trở nên yếu ớt trong đạo có nghĩa là người nào luôn ép bản thân làm quá nhiều trong việc hành đạo một cách vượt mức yêu cầu thì người đó rồi sẽ bỏ cuộc bởi vì bản thân y sẽ kiệt sức và chán ngán.

- Hãy bám lấy sự đúng đắn có nghĩa là hãy giữ mức trung hòa và vừa phải trong thờ phượng và hành đạo miễn sao đừng sao nhãng.

- Hãy làm những điều tương đốicó nghĩa là nếu không có năng làm trọn vẹn một việc làm thờ phượng nào đó thì hãy làm những gì tương đương.

- Hãy vui lên có nghĩa là hay vui lên với phần thưởng cho những việc làm liên tục, thường xuyên mặc dù có ít ỏi.

- Hãy cầu xin sự phù hộ (nơi Allah trong việc hành đạo) vào buổi sáng, vào buổi chiều và một chút gì từ ban đêm có nghĩa là hãy cố gắng hành đạo và thờ phượng Allah (swt) trong những thời điểm mà bản thân vẫn còn năng động, và nếu muốn thực hiện trong đêm thì hãy nên thực hiện một chút gì đó trong đêm thôi, bởi vì bản thân con người cần sự nghỉ ngơi, có như vậy thì việc làm mới có hiệu quả, cũng giống như một người đi đường dài thì y cần  phải tạm dừng chân để bản thân và con vật cưỡi của y được nghỉ ngơi, có như thế y mới đến được mục tiêu mà không kiệt sức.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith như muốn nhắc nhở người tín đồ nên lựa chọn thời điểm mà bản thân còn năng động cho việc hành đạo và thờ phượng.

- Hadith dạy người tín đồ nên duy trì sự hành đạo và thờ phượng một cách vừa phải, vừa mức độ, có như vậy thì bản thân mới có thể duy trì một cách lâu dài và hiệu quả.

Hadith 146: Ông Anas bin Malik thuật lại, nói: Nabi (saw) đi vào Masjid thì thấy một sợi dây được cột giăng ngang giữa hai cái trụ, Người (saw) hỏi: Dây gì đây? Các vị Sahabah nói: Thưa đó là sợi dây của Zaynap (con gái của Jahash), bà ta giăng để khi nào thấy mệt thì bà nắm lấy nó để trụ. Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Các ngươi hãy tháo nó ra để ai đó trong các ngươi dâng lễ nguyện một cách tích cực, còn nếu cảm thấy mệt thì hãy ngồi xuống” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith khẳng định Islam là tôn giáo dễ dàng không gây khó khăn.

- Lễ nguyện Salah Sunnah được phép thực hiện trong Masjid đối với cả nam và nữ.

- Hadith bảo người tín đồ phải dẹp bỏ điều sai trái bằng tay đối với ai có khả năng làm điều đó.

- Việc đứng tựa vào một vật nào đó để trụ trong suốt dâng lễ nguyện Salah là điều Makruh.

- Hadith khuyến khích hành đạo và thờ phượng một cách vừa sức của bản thân và phải trong tình trạng cơ thể năng động và hăng hái.

Hadith 147: Bà A’ishah thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Khi ai đó trong các ngươi buồn ngủ trong lúc dâng lễ nguyện Salah thì y hãy ngồi xuống cho đến khi cơn ngủ không còn nữa, bởi lẽ nếu ai đó trong các ngươi đang dâng lễ nguyện Salah mà buồn ngủ thì y không biết liệu y đang cầu xin Allah tha thứ hay đang chửi rủa bản thân mình” (Albukhari, Muslim).

* Giải thích:

- Lễ nguyện Salah được nói trong Hadith là đối với lễ nguyện Salah Sunnah chứ không phải lễ nguyện Salah bắt buộc.

- “Hãy ngồi xuống” có nghĩa là hãy ngừng lễ nguyện Salah và rời đi, và sự ngừng Salah nên kết thúc bằng Salam.

* Bài học từ Hadith:

- Islam không khuyến khích bắt ép bản thân gắnh hết sức trong việc thờ phượng và hành đạo.

- Hadith kêu gọi người tín đồ giữ gìn sức khỏe và từ bỏ việc quá sức trong thờ phượng và hành đạo.

Hadith 148: Ông Abu Abdullah bin Jabir bin Samurah thuật lại, nói: “Tôi luôn dâng lễ nguyện Salah cùng với Thiên sứ của Allah (saw) trong tất cả mọi lễ nguyện Salah, và lễ nguyện Salah của Người thường ở mức vừa phải và bài thuyết giảng của Người cũng ở mức vừa phải” (Muslim).

* Giải thích: Ở mức vừa phải có nghĩa là không dài cũng không ngắn, ở mức chính giữa.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho thấy Thiên sứ của Allah (saw) thường dâng lễ nguyện Salah ở mức vừa phải, không quá dài cũng không quá ngắn, và bài thuyết giảng của Người cũng vậy. Đó là bởi vì Người thương và quan tâm đến những người dâng lễ nguyện Salah theo sau Người, đặc biệt đối với người bệnh và người già yếu cũng như những người cần giải quyết nhu cầu cần thiết nào đó của họ.

- Hadith cho thấy rằng Thiên sứ của Allah (saw) thường nói với những lời ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa và sâu rộng; và Người cũng không hề làm một cách qua loa mà Người luôn ở mức trung hòa và vừa phải.

Hadith 149: Ông Abu Juhaifah Wahb bin Abdullah thuật lại, nói: Thiên sứ của Allah (saw) đã giao kết huynh đệ cho Salman và Abu Addarda’. Có một ngày nọ, Salman đến thăm Abu Addarda’ thì nhìn thấy Ummu Addarda’ (vợ của Abu Addarda’) ăn mặc xềnh xoàng (không chưng diện) nên ông hỏi: Chị nhà sao thế? Bà nói: Người anh em của anh Abu Addarda’ đã không màng tới chuyện của thế tục. Rồi khi Abu Addarda’ về và làm bữa ăn tiếp đãi cho người anh em của mình (ông Salman), ông nói với Salman: anh hãy ăn đi bởi quả thật tôi đang nhịn chay. Ông Salman nói: tôi sẽ không ăn trừ phi anh ăn cùng tôi. Thế là Abu Addarda’ đã ăn cùng với ông Salman. Rồi khi đêm đến, ông Abu Addarda’ đứng dậy (định đi dâng lễ nguyện Salah trong đêm) như ông Salman nói: hãy ngủ đi. Ông Abu Addarda’ nghe lời tiếp tục ngủ. Sau đó, Abu Addarda’ lại thức và muốn đi dâng lễ nguyện Salah thì ông Salman lại bảo ngủ đi, ông Abu Addarda’ nghe lời tiếp tục ngủ. Rồi đến cuối đêm, Salman nói: Bây giờ hãy thức dậy. Hai người dâng lễ nguyện Salah cùng nhau, sau đó, ông Salman nói: Quả thật, đối với Thượng Đế của anh anh phải có nghĩa vụ và trách nhiệm, đối với bản thân mình anh phải có nghĩa vụ và trách nhiệm, và đối với vợ của anh anh cũng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm, bởi thế, anh hãy thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của anh đối với tất cả những gì mà anh phải có trách nhiệm và nghĩa vụ. Thế là, ông Abu Addarda’ sau đó đã nói lại với Thiên sứ của Allah (saw) về lời của Salman thì Người nói:

 “Salman đã nói đúng” (Hadith do Albukhari ghi lại).

* Bài học từ Hadith:

- Islam cho phép kết nghĩa anh em vì con đường chính đạo của Allah (swt) và cho phép viếng thăm người anh em của mình và ngủ lại với họ.

- Hadith kêu gọi người tín đồ Muslim nên nhắc nhỡ và lưu ý nhau khi gặp phải điều không đúng.

- Hadith khẳng định ân phước của phần cuối của đêm và ân phúc của việc thức đêm để dâng lễ nguyện Salah.

- Hadith khẳng định quyền của người vợ đối với người chồng, đó là người chồng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với vợ trong đời sống vợ chồng.

- Hadith khẳng định việc được phép hủy nhịn chay đối với nhịn chay khuyến khích.

- Hadith khẳng định được phép ngăn cản những việc làm hành đạo mang tính khuyến khích nêu như phía sau việc làm đó lại đánh mất trách nhiệm và nghĩa vụ được yêu cầu.

Hadith 150: Ông Abu Muhammad Abdullah bin Amru bin Al-Ass thuật lại, nói: Thiên sứ của Allah (saw) được mách cho biết rằng tôi đã nói: Thề bởi Allah, chắc chắn tôi sẽ nhịn chay ban ngày và dâng lễ nguyện ban đêm trong suốt thời gian tôi còn sống. Thiên sứ của Allah (saw) nói: “Có phải ngươi đã nói như thế không?”. Tôi nói với Người: Quả thật tôi đã nói như vậy Thưa Thiên sứ của Allah. Người (saw) nói:

 “Quả thật, ngươi không có khả năng cho điều đó đâu, ngươi hãy nhịn chay và hãy xả chay, hãy dâng lễ nguyện Salah trong đêm và hãy ngủ, ngươi hãy nhịn chay một tháng ba ngày, bởi quả thật một việc tốt được nhân lên mười lần, và đó giống như nhịn chay nguyên năm.”

Tôi nói với Người: quả thật tôi có khả năng làm nhiều hơn vậy nữa. Thiên sứ của Allah (saw) nói:

“Vậy, người hãy nhịn chay một ngày và ăn hai ngày”.

Tôi nói với Người: quả thật tôi có khả năng làm nhiều hơn vậy nữa. Thiên sứ của Allah e nói:

 “Vậy, ngươi hãy nhịn chay một ngày và ăn một ngày, đó là cách nhịn chay của Nabi Dawood và đó là cách nhịn chay tốt nhất.”

Tôi nói với Người: quả thật tôi có khả năng làm nhiều hơn vậy nữa. Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Không có điều tốt hơn thế nữa”.

Và tôi đã chọn lấy cách nhịn chay ba ngày mà Thiên sứ của Allah (saw) đã nói và tôi yêu thích điều đó hơn cả vợ con và tài sản của tôi.

Trong một lời dẫn khác:

Thiên sứ của Allah (saw) nói với tôi:

 “Ta nghe nói rằng ngươi dâng lễ nguyện Salah suốt đêm và dâng lễ nguyện Salah mỗi ngày, đúng không?”.

Tôi nói: Đúng vậy thưa Thiên sứ của Allah.

Người (saw) nói:

 “Chớ đừng làm vậy, ngươi hãy nhịn chay nhưng hãy ăn uống, hãy dâng lễ nguyện Salah trong đêm nhưng hãy ngủ, bởi quả thật, cơ thể của ngươi ngươi phải có nghĩa vụ đối với nó, mắt của ngươi ngươi phải có nghĩa vụ đối với nó, vợ của ngươi ngươi phải có trách nhiệm đối với cô ta, khách của ngươi ngươi phải có nghĩa vụ đối với họ, và ngươi chỉ cần nhịn chay mỗi tháng ba ngày là đủ rồi, bởi vì mỗi việc tốt được nhân lên mười lần và đó giống như sự nhịn chay nguyên năm”.

Tôi nói: Thưa Thiên sứ của Allah, quả thật tôi thấy mình đủ sức mà.

Người (saw) nói:

 “Vậy, ngươi hãy nhịn chay theo cách nhịn chay của Nabi của Allah, Dawood và chớ làm hơn nữa.”

Tôi nói: Sự nhịn chay của Nabi Dawood như thế nào?

Người (saw) nói:

 “Nửa năm”.

Ông Abdullah sau khi trở về già thì ông thường nói: giá như tôi nhận lấy sự miễm giảm của Thiên sứ (saw).

Trong một lời dẫn khác:

Thiên sứ của Allah (saw) nói với tôi:

 “Ta nghe nói ngươi nhịn chay nguyên năm và đọc Qur’an mỗi đêm, đúng không?”.

Tôi nói: Đúng như vậy thưa Thiên sứ của Allah, và tôi làm thế chỉ muốn điều phúc đức.

Người (saw) nói:

 “Vậy, ngươi hãy nhịn chay theo cách nhịn chay của Dawood, bởi Người là người hành đạo tốt nhất trong nhân loại, và hãy đọc Qur’an vào mỗi tháng”.

Tôi nói với Người: Thưa Nabi của Allah, quả thật tôi có khả năng làm nhiều hơn vậy nữa. Thiên sứ của Allah (saw) nói:

“Vậy, ngươi hãy đọc Nó trong hai mươi ngày”.

Tôi nói với Người: Thưa Nabi của Allah, quả thật tôi có khả năng làm nhiều hơn vậy nữa. Thiên sứ của Allah (saw) nói:

“Vậy, ngươi hãy đọc Nó trong mười ngày”.

Tôi nói với Người: Thưa Nabi của Allah, quả thật tôi có khả năng làm nhiều hơn vậy nữa. Thiên sứ của Allah (saw) nói:

“Vậy, ngươi hãy đọc Nó trong mỗi tuần và chớ làm hơn thế”.

Tôi đã ngoan cố làm theo những gì Nabi (saw) nói với tôi, nhưng khi tôi lớn tuổi thì tôi ước gì mình đã nhận lấy sự miễn giảm của Nabi (saw).

Trong một lời dẫn khác:

Thiên sứ của Allah (saw) có nói:

 “Con cái của ngươi ngươi phải có nghĩa vụ đối với chúng.”

Trong một lời dẫn khác:

Thiên sứ của Allah (saw) có nói:

 “Sự nhịn chay yêu thích nhất đối với Allah là sự nhịn chay của Dawood, Người nhịn chay một ngày và ăn một ngày, Người ngủ đến nửa đêm và thức dậy vào một phần ba của đêm và Người thường ngủ một phần sáu của nó.”

Trong một lời dẫn khác:

Ông Abdullah nói: Cha tôi cưới cho tôi một người phụ nữ và ông thường bảo cô ta ráng có con, ông hỏi cô ta về chuyện chồng con thì cô ta nói: Thật ân huệ thay cho người đàn ông, anh ta chưa từng bước lên giường cùng tôi. Và khi tình trạng này kéo dài, ông đã mách sự việc cho Thiên sứ của Allah. Người nói: Hãy gọi y đến gặp Ta.

Khi tôi gặp Người thì Người nói: Anh nhịn chay thế nào? Tôi nói: Mỗi ngày. Người nói: Anh hoàn tất việc đọc Qur’an thế nào? Tôi nói: Mỗi đêm. Thế là Người nói giống như những gì được nói ở trên.

Tất cả những lời dẫn này đều Sahih, hầu hết đều nằm trong hai bộ Sahih Albukhari và Muslim.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith bảo người tín đồ phải cân đối trong hành đạo và thờ phượng.

- Hadith cho thấy Islam là tôn giáo kêu gọi đến việc làm cho cuộc sống thế tục và cuộc sống Đời Sau chứ không phải chỉ dành cho cuộc sống Đời sau không thôi.

Hadith 151: Ông Abu Rabi’a Hanzhalah bin Arrabi’a Al-Usaid, một trong người ghi chép của Thiên sứ của Allah (saw) thuật lại, nói: Abu Bakr gặp tôi, ông nói: Này Hanzhalah, anh khỏe không? Tôi nói: Hanzhalah trở thành kẻ Munafiq rồi! Ông nói: Subha-nallah, anh nói gì thế?! Tôi nói: Khi chúng tôi ở nơi của Thiên sứ (saw), Người nhắc nhở chúng tôi về Thiên Đàng và Hỏa Ngục và hình ảnh của chúng dường như hiện ra trước mắt, nhưng khi chúng tôi rời khỏi chỗ của Người thì những người vợ, con cái và sự lo toan trong cuộc sống làm chúng tôi quên đi rất nhiều. Ông Abu Bakr nói: Thề bởi Allah, quả thật chúng tôi đều giống như vậy mà. Tôi và ông Abu Bakr cùng đi và đến gặp Thiên sứ của Allah (saw). Khi gặp Người tôi nói với Người: Thưa Thiên sứ của Allah, Hanzhalah trở thành kẻ Munafiq rồi! Người nói: Thế là sao? Tôi nói: Thưa Thiên sứ của Allah, khi chúng tôi ở nơi của Người, Người nhắc nhở chúng tôi về Thiên Đàng và Hỏa Ngục và hình ảnh của chúng dường như hiện ra trước mắt, nhưng khi chúng tôi rời khỏi chỗ của Người thì những người vợ, con cái và sự lo toan trong cuộc sống làm chúng tôi quên đi rất nhiều.

Thiên sứ của Allah (saw) nói ba lần:

 “Ta thề bởi Đấng mà linh hồn Ta nằm trong tay Ngài rằng nếu các ngươi luôn trong thể trạng giống như ở chỗ Ta và luôn tụng niệm thì chắc chắn các Thiên Thần sẽ luôn ở cùng với các ngươi dù các ngươi ở trên giường ngủ hay các ngươi đang đi ngoài đường .. nhưng này hỡi Hanzhalah từng giờ và từng giờ.” (Muslim).

* Giải thích:

- Hanzhalah trở thành kẻ Muna-fiq rồi: ý nói y lo sợ cho bản thân mình trở thành người mang trong mình bản chất của người Muna-fiq (giả tạo đức tin).

- Nhưng này hỡi Hanzhalah từng giờ và từng giờ: có nghĩa là giờ này dành cho việc thờ phượng và hành đạo, còn giờ khác dành cho nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của con người.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho thấy rằng con người là loài tạo vật trung lập giữa thế giới: các Thiên Thần và Shaytan.

- Hadith kêu gọi người tín đồ phải tự nhắc nhỡ và kiểm điểm bản thân, phải luôn quan sát và trông chừng nó để nó không đi quá xa khỏi thế giới của các Thiên Thần, thế giới của những tạo vật chỉ biết phụng mệnh và thờ phượng Allah (swt).

- Hadith nhắc nhở người tín đồ phải biết quản lý thời gian của mình: thời gian để tìm sự cứu rỗi nơi Thượng Đế của y, thời gian để phục vụ cho nhu cầu bản năng của bản thân.

- Hadith như muốn khẳng định rằng Islam là tôn giáo đồng hành với quy luật tự nhiên, tôn giáo trung lập, cân đối và hài hòa giữa đạo và đời, giữa đời sống tâm linh và đời sống vật chất của thế tục.

Hadith 152: Ông Ibnu Abbas thuật lại, nói: Trong lúc Nabi (saw) đang thuyết giảng thì Người bất chợt nhìn thấy một người đàn ông đứng ngoài trời. Thế là Người đã hỏi về người đàn ông đó. Các vị Sahabah nói: Đó là Abu Isra-il, ông ta đã thề nguyện đứng dưới ánh nắng mặt trời, không ngồi, không che mát, không nói chuyện, và nhịn chay. Nghe xong, Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Các ngươi hãy bảo y rằng y hãy nói chuyện, hãy che mát, hãy ngồi và hãy tiếp tục hoàn tất việc nhịn chay của y” (Albukhari).

*Abu Isra-il tên là Yusair, là cư dân Madinah tức thuộc những người Al-Ansar.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho thấy rằng việc thề nguyện không nói chuyện, thề nguyện hành hạ bản thân không phải là việc làm ngoan đạo trong giáo lý của Islam.

- Hadith khẳng định rằng Allah, Đấng Tối Cao không hề chấp nhận bất cứ việc làm nào mà nó không được Ngài qui định, không được Ngài cho phép cũng như không được Ngài coi là việc ngoan đạo.

- Hadith như muốn nhắc nhở các tín đồ rằng chớ nên hà khắc với bản thân mình. Đó không phải là sự ngoan đạo mà giáo lý Islam mong muốn.

 

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan