Chương 20: Hướng dẫn đến điều tốt đẹp và kêu gọi đến với sự hướng dẫn hay sự lệch lạc
Allah, Đấng Tối Cao phán:
{Và hãy kêu gọi nhân loại đến với Thượng Đế
của Ngươi.} (Chương 28 – Al-Qisas, câu 87).
Allah (swt) ra lệnh cho Thiên
sứ Muhammad (saw) kêu gọi nhân loại đến với Ngài bằng giáo lý Tawhid (độc
tôn hóa Ngài) và tuyệt đối tuân thủ theo mệnh lệnh của Ngài.
Allah, Đấng Tối Cao phán:
{Hãy mời gọi đến với con đường của Thượng Đế
của Ngươi (Muhammad!) bằng Hikmah (sự khôn ngoan) và với lời khuyên tốt đẹp.} (Chương 16 – Annahl, câu 125).
Hikmah có
nghĩa là sự khôn ngoan, sự khéo léo, sự thông thái, có hiểu biết. Nhưng Hikmah
trong câu Kinh muốn nói là Kinh Qur’an, có nghĩa là Allah (swt) bảo Thiên sứ Muhammad (saw) kêu gọi đến với
tôn giáo của Ngài bằng những lời Kinh Qur’an cùng với lời lẽ nhẹ nhàng, tốt đẹp
trong diễn đạt, giảng giải hay tranh luận.
Allah, Đấng Tối Cao phán:
{Hãy giúp đỡ nhau trong những điều đạo đức
và Taqwa (kính sợ Allah.} (Chương 5 – Al-Ma-idah, câu 2).
Mệnh lệnh này
bao hàm tất cả mọi mặt của đạo và đời.
Allah, Đấng Tối Cao phán:
{Và hãy để cho một tập
thể trong số các ngươi đứng lên đi mời gọi thiên hạ đến với điều tốt lành.} (Chương 3 –
Ali-Imran, câu 104).
Đây như là một lời ám chỉ rằng những
người tuyên truyền và kêu gọi đến với điều tốt đẹp là những người tốt nhất
trong cộng đồng tín đồ Muslim.
Hadith 175: Ông
Abu Mas’ud Uqbah bin A’mru Al-Ansaari Albadri thuật lại rằng Thiên sứ của Allah
(saw) nói:
“Ai hướng dẫn một điều tốt đẹp thì y sẽ được
ân phước giống như người thực hiện điều tốt đẹp đó.” (Muslim).
* Nguyên nhân
của Hadith: Có một người đàn ông đến gặp Thiên sứ của Allah, y nói: Thưa Thiên
sứ của Allah, tôi không có phương tiện cho chuyến đi, Người có thể giúp tôi
phương tiện để đi tiếp không. Người nói: “Ta không có”. Lúc có một người đứng dậy
nói: Để tôi dẫn ông ta đến người có thể giúp phương tiện cho ông ta. Thế là
Thiên sứ (saw) nói:
“Ai hướng dẫn một điều tốt đẹp thì y sẽ được
ân phước giống như người thực hiện điều tốt đẹp đó”.
* Bài học từ Hadith:
- Hadith kêu gọi
người tín đồ làm việc thiện tốt, nếu không có khả năng thực hiện thì một sự chỉ
dẫn để người khác thực hiện, sự chỉ dẫn đó tương đương với việc người thực hiện.
Hadith 176: Ông Abu
Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:
“Ai kêu gọi đến với sự hướng dẫn thì y sẽ được
ban cho ân phước giống như ân phước của những người đi theo y nhưng họ không bị
giảm mất bất cứ điều gì từ ân phước của họ; còn ai kêu gọi đến với điều lệch lạc
thì y sẽ mang cả tội của những người đi theo y những họ không được thiên giảm bất
cứ điều gì từ tội lỗi của họ.” (Muslim).
* Hadith mang ý nghĩa từ lời phán của Allah (swt):
{Và những kẻ không có đức tin nói với những
người tin tưởng: “Hãy theo con đường của chúng tôi và chúng tôi sẽ gánh chịu tội
lỗi của quí vị”. Nhưng chúng sẽ không gánh một chút tội nào của họ cả. Chắc chắn,
chúng là những kẻ nói dối. Và chắc chắn chúng sẽ gánh nặng tội lỗi của chúng và
cả những gánh nặng tội lỗi ngoài tội lỗi của chúng. Và chắc chắn, chúng sẽ bị hỏi
tội vào Ngày Phục sinh về những điều mà chúng đã từng bịa đặt.} (Chương 29 – Al-Ankabut, câu 12, 13).
* Bài học từ Hadith:
- Hadith cho
biết rằng người chỉ ra việc làm và người thực hiện đều như nhau trong việc được
ban thưởng hay bị bắt tội.
- Hadith dạy
người tín đồ Muslim phải nghĩ đến hậu quả việc làm, y phải nên là tấm gương tốt
đẹp cho mọi người bởi lẽ nếu y làm điều xấu thì không những y phải mang tội do
hành động của y mà còn phải gánh lấy tội của những người đi theo.
Hadith 177: Ông Abu
Al-Abbaas Sahl bin Sa’ad Assaa’idi thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói vào ngày
Khaibar:
“Chắc chắn ngày mai Ta sẽ trao lá cờ chiến cho
một người mà Allah sẽ ban thắng lợi trên đôi tay của y, người mà yêu yêu thương
Allah và vị Thiên sứ của Ngài và Allah cũng như vị Thiên sứ của Ngài đều yêu
thương y”.
Thế là trong
đêm đó, mọi người ai nấy cũng bàn luận xôn xao không biết ngày mai Người sẽ
trao lá cờ chiến cho ai. Rồi khi trời sáng, tất cả mọi người nhanh chân đến chỗ
của Thiên sứ, ai cũng mong mình sẽ là người được trao là cờ chiến. Khi mọi người
tập hợp thì Thiên sứ của Allah (saw) nói:
“Ali bin Abu Talib đâu?”
Có lời đáp:
Thưa Thiên sứ của Allah, cậu ta than phiền đau mắt.
Thiên sứ của
Allah (saw) nói:
“Các người hãy dẫn cậu ấy đến cho Ta”.
Khi ông Ali đến,
Thiên sứ đã phun nhẹ vào mắt của ông và cầu nguyện cho ông. Sau đó, ông Ali không còn đau mắt nữa, rồi Người đã trao cho
ông lá cờ chiến. Ông Ali nói: Thưa Thiên sứ của Allah, tôi sẽ chiến đấu với họ
cho đến khi họ trở nên giống như chúng ta đúng không?
Thiên sứ của
Allah (saw) nói:
“Cậu hãy cứ từ từ lên đường cho tới khi tới
khu vực của họ, sau đó cậu hãy kêu gọi họ đến với Islam, cậu hãy cho họ biết những
bổn phận và nghĩa vụ của họ đối với Allah. Ta thề bởi Allah, nếu Allah hướng dẫn
một người duy nhất qua cậu thì điều đó tốt hơn việc cậu có một con lạc đà hung
đỏ” (Albukhari,
Muslim).
* Giải thích một số nội dung:
- Trận chiến
Khaibar xảy ra vào năm thứ bảy Hijrah. Khaibar là khu vực cách Madinah khoảng
80 dặm về hướng Sham. Đây là khu vực mà người Do thái sinh sống lúc bấy giờ.
* Bài học từ Hadith:
- Hadith cho
thấy ân phúc của ông Ali cũng như vị trí của ông trong tôn giáo.
- Hadith khẳng
định sự mầu nhiệm của Thiên sứ (saw) trong việc điều trị bệnh dưới quyền năng và ân phúc của
Allah (swt).
- Hadith cho
thấy việc kêu gọi đến với Allah (swt) là việc làm vô cùng vĩ đại, Người đi kêu gọi đến với
Allah sẽ được Allah (swt)
ban ân phước và công đức vô cùng to lớn.
Hadith 178: Ông Anas bin Malik thuật lại, nói: Một cậu thanh niên thuộc
dòng tộc Aslam nói: Thưa Thiên sứ của Allah, quả thật tôi muốn tham gia chinh
chiến nhưng tôi không có gì để chuẩn bị cả. Người (saw) nói:
“Hãy đi đến chỗ người này, bởi y đã chuẩn bị
cho cuộc đi chinh chiến nhưng y đã bị bệnh”.
Thế là cậu
thanh niên đã đến chỗ của người mà Thiên sứ đã chỉ, y nói: “Quả thật, Thiên sứ
của Allah đã gửi lời Salam đến ông, và ông hãy đưa cho tôi những gì mà đã chuẩn
bị cho cuộc chinh chiến!”. Người đàn ông đó nói với vợ của y: Hãy đưa cho cậu
ta những gì Ta đã chuẩn bị, nhưng chớ tính với câu ta bất cứ thứ gì, thề bởi
Allah, nàng chớ tính với cậu ta bất cứ thứ gì rồi Allah sẽ ban phúc cho chúng
ta về những thứ đó. (Hadith do Muslim ghi lại).
* Bài học từ Hadith:
- Hadith kêu gọi
sự trợ giúp lẫn nhau, nếu không thể giúp của thì giúp sức, nếu không thể giúp sức
thì giúp bằng sự hướng dẫn và chỉ dắt.
- Hadith kêu
người tín đồ nên rộng lượng và nó như muốn nhắc nhở người tín đồ chớ nên keo kiệt
bởi keo kiệt sẽ không gặt hái được Barakah (ân phúc).