Chương 39: Nghĩa vụ đối với láng giềng chòm xóm

 Chương 39: Nghĩa vụ đối với láng giềng chòm xóm


Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Các ngươi hãy thờ phượng Allah và tuyệt đối không được Shirk với Ngài (tổ hợp với Ngài trong thờ phượng) bất cứ thứ gì, và các ngươi hãy ăn ở tử tế với cha mẹ, với bà con ruột thịt, với trẻ mồ côi, với người thiếu thốn, và hãy cư xử tử tế với xóm giềng gần xa, với bạn bè, với người lỡ đường và với những người dưới quyền các ngươi (nô lệ, người hầu, tù binh).} (Chương 4 – Annisa’, câu 36).



Hadith 302: Ông Ibnu Umar và bà A’ishah đồng thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Đại Thiên Thần Jibril vẫn cứ dặn dò Ta mãi về chuyện tử tế với người xóm giềng đến nỗi Ta nghĩ chắc ngài sẽ bảo Ta để người láng giềng được hưởng quyền thừa kế (của người láng giềng).” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith muốn nhấn mạnh việc tử tế với người chòm xóm láng giềng là nghĩa vụ cần phải được quan tâm và chấp hành đối với mỗi tín đồ Muslim. Tử tế với người xóm giềng là sống tốt với họ, hiền hòa trong cách cư xử với họ, không gây phiền hà đến họ, không làm tổn hại đến họ, trợ giúp họ trong lúc khó khăn và lúc cần sự trợ giúp, thăm viếng họ khi họ bệnh hoạn, chúc phúc và chia vui cùng họ khi họ có được niềm vui và ân huệ, và an ủi họ khi họ gặp phải chuyện buồn phiền.

Hadith 303: Ông Abu Zdar thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Này Abu Zdar, khi nào anh nấu món Maraqah (thức ăn như canh súp thịt) thì anh hãy bỏ thêm nhiều nước và chia sẻ cho người láng giềng của anh.” (Muslim).

Và trong một lời dẫn khác: Abu Zdar thuật lại: Quả thật vị Khaleel của tôi đã dặn dò tôi:

 “Khi nào anh nấu món Maraqah thì anh hãy bỏ thêm nhiều nước rồi anh hãy đi xem gia đình hàng xóm của anh mà chia sẻ với họ từ món ăn đó.”

* Bài học từ Hadith

- Hadith kêu gọi người tín đồ Muslim chia sẻ lộc ăn với người hàng xóm láng giềng. Điều đó sẽ kết chặt tình làng nghĩa xóm, biểu hiện tinh thần tốt đẹp “bà con xa không bằng láng giềng gần”.

- Hadith khuyến khích người tín đồ Muslim nên thường xuyên có những quà biếu cho người láng giềng gần, đặc biệt là khi nấu ăn, mùi hương của thức ăn sẽ bay tới mũi của người láng giềng nhưng họ không có khả năng nấu món ăn đó hoặc không đủ điều kiện nấu chẳng hạn. Trong tình huống thế này thì một miếng ăn ít ỏi sẽ làm ấm lòng tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau.

Hadith 304: Ông Abu Huroiroh t thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Thề bởi Allah, y không có đức tin; thề bởi Allah, y không có đức tin; thề bởi Allah, y không có đức tin”.

Các vị Sahabah hỏi: Ai vậy thưa Thiên sứ của Allah?

Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Đó là người mà người hàng xóm của y không an toàn khỏi những hành vi xấu của y.” (Albukhari, Muslim).

Trong lời dẫn của Muslim:

 “Sẽ không vào được Thiên Đàng đối với ai mà người hàng xóm của y không an toàn khỏi những hành vi xấu của y”.

* Bài học từ Hadith

- Hadith cảnh báo cho việc làm gây phiền hà và tổn hại đến những người láng giềng chòm xóm.

- Hadith khẳng định đức tin Iman chỉ được hoàn thiện trọn vẹn khi nào người tín đồ phải biết kiềm hãm và ngăn chặn bản thân gây phiền hà và làm tổn hại người láng giềng.

- Hadith cho thấy rằng một trong các phẩm chất đạo đức Islam là không gây phiền hà và tổn hại cho những người láng giềng chòm xóm.

Hadith 305: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Này hỡi các tín đồ Muslim nữ, người láng giềng chớ khinh khi và coi thường việc chia sẻ quà cáp cho nhau, dù chỉ là một khúc xương ít thịt.” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith kêu gọi những người hàng xóm với nhau chia sẻ tấm lòng đến nhau dù chỉ với một khúc xương ít thịt.

Hadith 306: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Người láng giềng không được ngăn cản người láng giềng chôn trụ tại vách tường của y”.

Ông Abu Huroiroh nói: Tôi không thấy ai phản đối về điều đó cả, thề bởi Allah, tôi đã truyền đạt việc làm Sunnah đó cho các người một cách rõ ràng. (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith bảo các tín đồ Muslim phải giúp đỡ người hàng xóm của mình và phải thông cảm cũng như rộng lượng trong việc nhường nhịn một lợi ích nào đó cho họ nhưng không thiệt thòi cho bản thân.

- Sự giúp đỡ, thông cảm, xí xóa, nhường nhịn nhau trong mối quan hệ láng giềng chòm xóm là biểu hiện tinh thần huynh đệ trong Islam.

Hadith 307: Ông Abu Huroiroh t thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Ai có đức tin nơi Allah và cuộc sống Đời Sau thì chớ gây phiền hà và tổn hại người chòm xóm của mình. Ai có đức tin nơi Allah và cuộc sống Đời Sau thì hãy thể hiện tinh thần hiếu khách. Ai có đức tin nơi Allah và cuộc sống Đời Sau thì hãy nói lời tốt đẹp hoặc hãy im lặng.” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith cấm gây phiền hà và làm tổn hại người hàng xóm.

- Hadith kêu gọi tinh thần hiếu khách, và đó là phong cách và bản chất của Islam.

- Hadith bảo người tín đồ nói lời tốt đẹp, cấm nói xấu, mách lẻo hoặc nói những lời lẽ thô tục và kém văn hóa trong giao tiếp. Đó là phong thái và đạo đức của Islam.

Hadith 308: Ông Abu Shuraih Al-Khuza’i thuật lại rằng Thiên sứ của Allah nói:

 “Ai có đức tin nơi Allah và cuộc sống Đời Sau thì hãy đối xử tử tế với người chòm xóm của mình. Ai có đức tin nơi Allah và cuộc sống Đời Sau thì hãy thể hiện tinh thần hiếu khách. Ai có đức tin nơi Allah và cuộc sống Đời Sau thì hãy nói lời tốt đẹp hoặc hãy im lặng.” (Muslim).

Hadith 309: Bà A’ishah thuật lại: Tôi nói: Thưa Thiên sứ của Allah, em có hai người hàng xóm vậy em phải biếu tặng cho ai trong hai người họ. Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Cho người hàng xóm gần nhất với nàng.” (Albukhari).

* Bài học từ Hadith

- Hadith là bằng chứng cho thấy giáo lý khuyến khích ưu tiên cho người gần nhất nếu như không đủ khả năng cho tất cả.

Hadith 310: Ông Abdullah bin Umar thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Người đồng hành tốt nhất ở nơi Allah là người tốt nhất đối với người bạn đồng hành của y, và người láng giềng tốt nhất ở nơi Allah là người tốt nhất đối với người láng giềng của y.” (Tirmizdi ghi lại và ông nói Hadith tốt).

* Bài học từ Hadith

- Hadith kêu gọi với kết bạn và đồng hành với nhau trong cuộc sống cũng như kêu gọi đến với tình nghĩa xóm làng. 

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan