Khiêm tốn và nhã nhặn với những người có đức tin
Allah, Đấng Tối Cao phán:
{Hãy đối xử từ tốn với những người có đức
tin theo Người (Muhammad)} (Chương 26 – Ash-Shu’ara, câu 215).
Allah bảo
Thiên Sứ Mumammad cư xử nhẹ nhàng và khiêm nhường với những người có đức tin.
Allah, Đấng Tối Cao phán:
{Hỡi những người có đức tin! Nếu ai trong
các ngươi bỏ đạo của mình thì Allah sẽ đưa một đám người mà Ngài sẽ yêu thương
họ và họ sẽ yêu thương Ngài; họ sẽ hạ mình khiêm tốn trước những người có đức
tin nhưng lại khắt khe với những kẻ vô đức tin; họ sẽ chiến đấu cho chính nghĩa
của Allah và không bao giờ sợ lời trách móc của những kẻ hay chỉ trích. Đó là
Thiên Ân mà Allah ban cho người nào Ngài muốn. Và Allah là Đấng Rộng Rãi Bao
La, Đấng Hiểu Biết và Thông Toàn mọi việc.} (Chương 5 – Al-Ma-idah, câu 54).
Allah, Đấng Tối Cao phán:
{Này hỡi nhân loại, quả thật TA (Allah) đã tạo
hóa các ngươi từ một người nam và một người nữ và làm cho các ngươi thành quốc
gia và bộ lạc để các ngươi nhận biết lẫn nhau. Quả thật, sự cao quý của các
ngươi ở nơi Allah là lòng kính sợ và ngoan đạo của các ngươi. Quả thật, Allah
là Đấng Thông Lãm và Am Tường mọi sự việc.} (Chương 49 – Al-Hujurat, câu 13).
Allah, Đấng Tối Cao phán:
{Bởi thế, các ngươi chớ đừng tự cho mình trong
sạch, bởi Ngài biết rõ ai là người sợ Allah nhất.} (Chương 53 – Annajm, câu 32).
Tức các ngươi
chớ tự khen bản thân mình, chớ đừng tự hào về bản thân rằng mình đã trong sạch,
là người hoàn thiện.
Allah, Đấng Tối Cao phán:
{Và những người bạn nơi các cao điểm lớn tiếng
gọi những người (trong Hỏa Ngục) mà họ biết mặt qua nét đặc trưng của chúng, và
nói với chúng: “Sự đông đảo và của cải dồi dào mà các người đã từng tự hào có
giúp ích gì được cho các người chăng? Phải chăng đây là những người mà các người
đã mạnh miệng thề rằng Allah sẽ không bao giờ khoan dung họ?” (Có lời bảo những
người đã được Allah khoan dung): “Quí vị hãy bước vào trong Thiên Đàng, quí vị
sẽ không lo sợ cũng sẽ không buồn phiền”.} (Chương 7 – Al-‘Araf, câu 48, 49).
Những cao điểm
trong câu Kinh ý nói những hàng rào chắn giứa Thiên Đàng và Hỏa Ngục.
Hadith
599: Ông ‘Iyaadh bin
Himar thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:
“Quả thật, Allah đã mặc khải cho Ta rằng các
ngươi hãy khiêm tốn với nhau, người này chớ tự hào và kiêu ngạo trước người kia
và chớ chén ép và lấn át nhau.” (Muslim).
* Bài học từ Hadith
- Hadith là bằng chứng bắt buộc các tín đồ Muslim phải
khiêm nhường với các anh em động đạo của mình, không được kiêu ngạo và lấn át
nhau.
- Đức tính
khiêm tốn, cư xử khiêm nhường là điều đáng được khen ngợi ở nơi Allah bởi đó phẩm
chất cao đẹp của Thiên Sứ của Ngài, của các học giả đạo đức và những tín đồ
ngoan đạo. Tuy nhiên, khiêm tốn và khiêm nhường ở đây không phải là khuất phục
trước thế lực xấu xa và bất công, bởi nếu như thế là hèn nhát và thấp kém.
Hadith
600: Ông Abu Huroiroh thuật
lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:
“Việc bố thí tiền của không làm giảm bớt nguồn
tài sản của người bề tôi, việc vị tha xí xóa của người bề tôi cũng không làm y
trở nên thấp hèn mà ngược lại được Allah gia tăng thêm sự cao quý, và bất cứ ai
khiêm tốn vì Allah thì chắc chắn Ngài sẽ nâng cao giá trí của y lên.” (Muslim).
* Bài học từ Hadith
- Hadith kêu gọi người tín đồ làm nhiều Sadaqah, phải có
lòng vị tha và phải có đức tin khiêm tốn và cư xử khiêm nhường với những người
có đức tin.
- Hadith cho
biết việc bố thí không hề làm giảm hụt các nguồn tài sản của một người mà ngược
lại nó sẽ làm tăng thêm nguồn của cải. Người có đức tin phải nên ghi nhớ điều
này và nó cũng đã được Allah khẳng định trong Qur’an của Ngài khi Ngài phán:
{Hình ảnh của những người chi dùng tiền của
và tài sản của họ cho con đường chính nghĩa của Allah giống như một hạt giống
trổ ra bảy nhánh bông, mỗi nhánh bông trổ ra một trăm hạt. Và Allah sẽ nhân lên
thêm nữa cho những ai Ngài muốn bởi vì Allah là Đấng Quảng Đại, Bao La và Biết
hết mọi việc.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 261).
- Hadith khẳng
định rằng việc khiêm tốn của một người không làm y trở nên thấp hèn mà khiêm tốn
chỉ làm cho y thêm cao quý ở nơi Allah và đức hạnh trong mắt nhân loại.
Hadith
601: Ông Anas bin Malik có
lần đi ngang qua một bầy trẻ con, ông đã chào Salam đến chúng và ông nói: Thiên
Sứ của Allah (saw) đã làm như thế. (Albukhari,
Muslim).
* Bài học từ Hadith
- Hadith khuyến khích chào Salam đến trẻ con nhằm để dạy
chúng phong cách và văn hóa của Islam đồng thời để nhắc nhở người lớn tính
khiêm tốn và nhã nhặn.
- Hadith cho
thấy các vị Sahabah luôn cô gắng gìn giữ và duy trì tấm gương đạo đức của Thiên
Sứ Muhammad (saw).
Hadith
602: Ông Anas bin Malik thuật
lại: Có lần, một bé gái nô lệ trong Madinah đã nắm lấy tay của Thiên Sứ và kéo
đi theo nó, và Người cứ đi theo bé gái đó đến nơi nào nó muốn. (Albukhari).
* Bài học từ Hadith
- Hadith cho thấy Thiên Sứ của Allah (saw) là người
khiêm tốn và hiền từ.
- Hadith khuyến
khích các tín đồ Muslim noi theo cách hành xử và tấm gương tốt đẹp của Thiên Sứ
(saw).
- Hadith kêu gọi
đến với sự bình đẳng giữa con người với nhau, bởi lẽ đối với Allah dù là giai cấp
nào đi chăng nữa thì cũng đều giống nhau, cũng đều là đám bề tôi của Ngài, ai
làm tốt sẽ được thưởng và ai làm xấu sẽ bị phạt.
- Hadith cho
thấy Thiên Sứ của Allah luôn quan tâm đến nhu cầu của mọi người. Và đó là bản
chất của một vị lãnh đạo tốt và có tâm.
Hadith
602: Ông Al-Aswad bin
Yazeed thuật lại: Người ta hỏi bà ‘A-ishah: Thiên Sứ của Allah thường làm gì ở trong nhà của Người? Bà nói: Người (saw) cùng lo việc
nhà với người nhà của Người, khi nào đến giờ lễ nguyện Salah thì Người đi ra
Salah. (Albukhari).
* Bài học từ Hadith
- Hadith cho thấy Thiên Sứ là một người giản dị, Người luôn
phụ giúp gia đình không hề coi mình là gia trưởng và cũng không hề coi mình
mang chức cao trọng vọng phải được vợ phục vụ và hầu hạ.
- Hadith khẳng
định lễ nguyện Salah rất quan trọng đối với tín đồ Muslim bởi Thiên Sứ của
Allah luôn tranh thủ lễ nguyện Salah đúng giờ và bỏ qua mọi công việc bận rộn
khác.
Hadith
603: Ông Abu Rifa’ah
Tameem bin Usaid thuật lại: Tôi đến gặp Thiên Sứ của Allah (saw) trong lúc Người
đang thuyết giảng (ngày thứ sáu). Tôi nói: Thưa Thiên Sứ của Allah, có một người
đàn ông lạ (ám chỉ bản thân ông) đến muốn hỏi người về tôn giáo của y, y không
biết gì về tôn giáo của mình cả. Thế là, Thiên Sứ của Allah (saw) tạm dừng bài
thuyết giảng và tiến đến tôi. Rồi người ta mang đến cho Người một chiếc ghế và
Người đã ngồi lên chiếc ghế đó, xong Người đã dạy tôi những gì mà Allah đã dạy
Người. Sau đó, Người quay trở lại tiếp tục hoàn tất phần cuối bài thuyết giảng.
(Muslim).
* Bài học từ Hadith
- Hadith cho thấy rõ ràng nhất về tính khiêm tốn của Người
cũng như việc Người xem trọng những yêu cầu và đòi hỏi của các tín đồ Muslim.
- Hadith cho
thấy Thiên Sứ của Allah cư xử nhẹ nhàng và nhân từ với các tín đồ Muslim.
- Hadith là bằng
chứng cần phải nhanh chóng trả lời những thắc mắc tôn giáo, nên ưu tiên những
gì được cho là quan trọng nhất.
Quả thật, giới
học giả Islam đã đồng thuận rằng nếu có ai đó đến hỏi về đức tin Iman và cách
vào đạo Islam thì bắt buộc phải đáp lại người đó và truyền dạy cho y ngay lập tức.
- Hadith cho
thấy rằng việc Thiên Sứ của Allah nói chuyện với người lạ được xem là một phần
của bài thuyết giảng thứ sáu và việc đi lại cũng như đứng ngồi trong suốt thời
giang đọc thuyết giảng không làm hư bài thuyết giảng.
- Hadith cho
thấy Thiên Sứ của Allah rất quan tâm đến việc truyền dạy mọi người về các sự việc
tôn giáo.
Hadith
604: Ông Anas bin Malik thuật
lại: Thường khi ăn xong thức ăn thì Thiên Sứ của Allah hay liếm ba ngón tay của
mình, Người nói:
“Nếu một miếng thức ăn nào đó của các ngươi
rơi rớt thì y hãy nhặt nó lên, phủi sạch những thứ bẩn và hãy ăn nó, y chớ bỏ
nó cho Shaytan.”
Và Người bảo
quét hết thức ăn trên đĩa và Người nói:
“Bởi quả thật các ngươi không biết trong phần
thức ăn nào của các ngươi mang lại Barakah” (Muslim).
* Bài học từ Hadith
- Hadith khuyến khích người tín đồ liếm các ngón tay dính
thức ăn khi ăn xong trước khi rửa tay.
- Hadith khuyến
khích người tín đồ đừng chừa lại thức ăn mỗi khi ăn tức phải ăn cho hết bởi như
thế thể hiện sự trân quý ân huệ của Allah và luôn cố gắng giữ gìn nó.
- Hadith dạy
người tín đồ phải biết gìn giữ của cải và tuyệt đối không lãng phí dù chỉ là
chút ít.
Hadith
605: Ông Abu Huroiroh thuật
lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:
“Không một vị Nabi nào được Allah dựng lên mà
không từng chăn cừu”.
Các vị Sahabah nói: Ngay cả Người cũng vậy đúng không? Thiên Sứ của Allah
nói:
“Đúng vậy, Ta từng chăn cừu thuê để gom những
bạc xu lẻ từ dân Makkah” (Albukhari).
*
Bài học từ Hadith: Xem
Hadith 597 chương 69.
Hadith
606: Ông Abu Huroiroh thuật
lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:
“Dẫu Ta được mời đến bữa ăn chỉ có xương cẳng
(của con cừu) không thịt thì chắc chắn Ta cũng sẽ nhận lời mời, và dẫu Ta được
biếu cho một cái xương cẳng không thịt thì chắc chắn Ta sẽ nhận lấy nó.” (Albukhari).
* Bài học từ Hadith
- Việc đáp lại lời mời đến bữa ăn cho dù bữa ăn toàn là những
thứ đạm bạc là sự thể hiện tính khiêm tốn của một người và nó sẽ gắn chặt mối
nghĩa tình giữa con người với nhau.
- Và việc nhận
lấy quà biếu cho dù món quà chẳng giá trị gì là một biểu hiện của trái tim đầy
tình cảm giúp mối quan hệ xã hội trở nên yêu thương và nghĩa tình. Và đó cũng
là biểu hiện của tính khiêm tốn và lịch sự.
Hadith
607: Ông Anas bin Malik thuật
lại: Thiên Sứ của Allah có một con lạc đà cái tên Al-Adhba’, không con là đà
nào có thể lướt qua mặt nó được. Có một lần, một người đàn ông sa mạc cưỡi con
lạc đà của y và lướt qua mặt con lạc đà của Thiên Sứ. Lúc đó, những người
Muslim cảm thấy buồn lòng. Thiên Sứ nhận ra điều đó, Người nói:
“Đó là cách của Allah rằng Ngài hạ thấp một thứ
gì đó trên thế gian khi nó trở nên quá nổi trội (đến kiêu hãnh).” (Albukhari).
* Bài học từ Hadith
- Hadith muốn nói rằng thế giới trần gian này chỉ là một
nơi thấp hèn, chẳng có gì đáng để lưu luyến, kiêu hãnh và tranh giành.
- Hadith kêu gọi
người tín đùa chớ hơn thua về những chuyện phù phiếm của cõi trần đồng thời nhắc
nhở người tín đồ phải biết khiêm tốn, và người tín đồ cần phải hiểu một cái lẽ
rằng “núi này cao còn có núi khác cao hơn”.
- Hadith cho thấy Thiên Sứ của Allah là một người khiêm tốn và không hề muốn tranh giành chuyện của thế gian, và Người luôn trấn an và xoa dịu tâm trạng các bạn đạo của Người mỗi khi gặp phải những điều khiến họ dè dặt và nuối tiếc cho cõi trần gian.