Ăn năn sám hối là cách để đến gần với Allah nhất

Lỗi lầm và sự ăn năn

Triết học xem việc đúng sai là một trong các vấn đề tri thức quan trọng đối với nhiều tôn giáo và tín ngưỡng, và các tín ngưỡng khác nhau sẽ có những cách ứng phó khác nhau với lỗi lầm, ăn năn và sám hối.

Islam nhìn nhận và đánh giá một cách tỉ mỉ và cẩn thận đúng với bản chất tự nhiên mà con người được Allah tạo hóa, đó là con người có bản chất hướng thiện và ác, có ham muốn tốt và xấu chứ con người không được xem như Thiên Thần chỉ toàn làm điều thiện tốt. 

Islam khẳng định tất cả con cháu của Adam (tức con người) đều làm lỗi và sai phạm tuy nhiên họ phải chịu trách nhiệm về các quyết định và sự lựa chọn của mình. Bởi thế, sự nhìn nhận của Islam về tội lỗi và sự sám hối có thể được tóm tắt trong những điều sau đây:

Điều đầu tiên mà chúng ta bắt gặp trong Qur’an rằng tội lỗi là của từng cá nhân và sự ăn năn sám hối cũng là của từng cá nhân được nhìn nhận một cách rõ ràng và đơn giản không có bất kỳ một phạm trù phức tạp và mơ hồ nào. 

Islam không coi ai đó đã mắc tội trước khi sinh ra mà mỗi con người được sinh ra đều trong sạch và vô tội,  không một con người nào phải gánh chịu bất kỳ tội lỗi nào trước đó cả. 

Tương tự, trong Islam không hề có một cá nhân nào được ban cho quyền tha thứ và xóa tội cho người khác, không ai được quyền rửa tội cho ai. Như đã nói, tỗi lội của con cháu Adam là tội ai người đó chịu, ai phạm tội muốn được xóa tội thì bản thân người đó phải trực tiếp sám hối với Allah không cần phải thông qua bất kỳ cá nhân đại diện nào. 

Mỗi người tự gánh lấy tội lỗi của mình, cha mẹ không gánh tội cho con cái và con cái cũng không gánh tội cho cha mẹ. Con đường cho sự ăn năn sám hối được mở ra cho người bề tôi một cách công khai và minh bạch. Islam kêu gọi người bề tôi nỗ lực sám hối chứ không nên tuyệt vọng cho tội lỗi của mình. 

Và đây chính là những gì mà các vị Thiên Sứ của Allah mang đến như đã được nói trong Qur’an: {Há hắn đã không được thông báo về những điều được ghi trong các tờ Kinh của Musa hay sao? Và trong các tờ Kinh của Ibrahim, vốn đã hoàn tất nhiệm vụ? Rằng không người nào phải chịu tội và gánh vác tội lỗi của người khác mà con người chỉ nhận lấy phần mà hắn đã làm, và rồi đây mọi việc làm của hắn sẽ được thấy và hắn sẽ được đền bù xứng đáng với những việc làm của hắn.} (Chương 53 – Al-Najm: 36 – 41).

Ăn năn sám hối là một trong những hành vi thờ phượng vĩ đại nhất và là cách để đến gần với Allah nhất. 

Sự ăn năn sám hối không dành riêng cho bất cứ cá nhân đặc biệt nào mà là cho tất cả mỗi người bề tôi. Sự ăn năn sám hối không cần đến một địa điểm đặc biệt nào, không cần đến sự chứng giám của bất kỳ cá nhân nào và người ăn năn sám hối cũng không cần phải thổ lộ cũng như thừa nhận tội lỗi của mình trước một người phàm tục nào. Sự ăn năn sám hối trong Islam là sự thờ phượng giữa người bề tôi và Thượng Đế của y và là việc làm mang mục đích chứng thực cho các đại danh và các thuộc tính của Allah như đã được đề cập trong Qur’an: Đấng Hằng Tha Thứ, Đấng Nhân Từ, Đấng Tha Thứ tội lỗi, Đấng chấp nhận sự sám hối. Và Qur’an đã mô tả về hình ảnh của những người ngoan đạo được vào Thiên Đàng mặc dù họ có phạm phải những tội lỗi nhưng họ luôn nhanh chân quay về sám hối và cầu xin sự tha thứ nơi Allah: {Và những ai khi đã làm điều tội lỗi hoặc bất công với chính bản thân mình thì liền tưởng nhớ đến Allah mà cầu xin Ngài tha thứ tội lỗi cho họ, và không ai có thể tha tội ngoài Allah, sau đó họ không tái phạm điều sai quấy mà họ đã làm. Phần thưởng dành cho những người như thế là sự tha thứ tội lỗi từ nơi Thượng Đế của họ cùng với những ngôi vườn Thiên Đàng bên dưới có các dòng sông chảy, họ sẽ ở trong đó đời đời. Đó là một ân huệ vô cùng to lớn dành cho những người hành đạo và làm điều thiện tốt.} (Chương 3 – Ali-‘Imran, câu 135, 136).

Trong Islam, bạn không cần phải ăn năn sám hối nhiều lần cho một hành động tội lỗi và bạn cũng không cần phải luôn cảm giác hối hận cho tội lỗi trước đó sau khi bạn đã ăn năn sám hối mà bạn chỉ cần quyết tâm không bao giờ quay trở lại với tội lỗi đó là được, đồng thời bạn phải hoàn lại lẽ phải cho người chủ thể nếu như bạn đã bất công với người chủ thể đó. Nếu bạn đã ăn năn sám hối cho tội lỗi đã làm rồi sau đó bạn lại lỡ lầm tái phạm thêm một lần nữa thì sự sám hối trước đó của bạn không bị hủy bỏ và tội lỗi trước đó cũng không bị tính chung với tội lỗi bạn tái phạm hiện thời mà bạn chỉ cần sám hối cho tội lỗi mới là đủ. 

Vì vậy, con người sống trong Islam luôn ở trạng thái cân bằng giữa “sự nỗ lực hoàn thiện bản thân, phấn đấu trở thành người ngoan đạo và cố gắng hết sức trong việc xa lánh những điều sai trái” với “sự nhận biết bản chất tự nhiên của con người là vốn yếu đuối dễ sa ngã”. Sự cân bằng này giúp y luôn nỗ lực cố gắng trong mọi hoàn cảnh: y sẽ nỗ lực hành đạo và hoàn thiện bản thân để trở thành người ngoan đạo và sẽ cố gắng hết mình trong việc tránh xa những điều sai trái và khi lỡ làm điều sai thì y sẽ nhanh chân quay về sám hối bởi y biết luôn có Allah đang đón chờ sự sám hối của y và sẽ sẵn sàng tha thứ cho y.

Từ đây, chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa những người ngoan đạo với những người khác giống như Qur’an khẳng định khi Nó cho chúng ta biết sự khác biệt đích thực rằng: Những người ngoan đạo mỗi khi làm điều tội lỗi thì họ liền nhớ đến Allah và vội quay về sám hối với Ngài, khác với những người ngoan đạo là những người luôn ngoan cố trong tội lỗi của họ mà không biết thức tỉnh và nhớ đến Ngài. (Xem chương 7 – Al-A’raf, câu 201, 202).

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan