Qur’an khuyến khích tâm trí hoạt động để suy ngẫm và tư duy

 Quran khuyến khích tâm trí hoạt động, Nó kêu gọi tâm trí phải suy ngẫm và tư duy. 

Tôn giáo và tâm trí

Một số người nghĩ rằng tôn giáo sẽ đối nghịch với tâm trí và trái ngược với đường lối khoa học, bởi vì tôn giáo là quan điểm bắt nguồn từ ảo tưởng, huyền thoại và suy nghĩ mê tín trong khi khoa học và triết lý là cách truy cập và tìm hiểu có hệ thống có thể trở thành một nguồn kiến thức xác thực và chắc chắn dựa trên nhiều yếu tố nghiên cứu, tư duy và thí nghiệm và quan niệm này khi nhìn nhận lại thì nó có mặt đúng và mặt sai.

Mặt đúng chẳng hạn như có một số tôn giáo được hình thành từ ý tưởng của con người và đôi khi có sự mâu thuẫn bởi vì nguồn gốc và các sách của các tôn giáo đó đều bắt nguồn từ những câu chuyện huyền thoại, cổ tích, và mê tín dị đoan trái với quy luật của vũ trụ và khoa học. 

Còn mặt sai là đã đưa ra một sự phán xét trên tất cả các tôn giáo mà không quan tâm đến sự khác biệt hiện hữu giữa các tôn giáo, chẳng hạn như về nguồn gốc tôn giáo, nội dung, chương trình và các bằng chứng của nó.

Khi nghiên cứu về Qur’an thiêng liêng – nền tảng chủ đạo của Islam – thì chắc chắn sẽ thấy rằng Nó đã cho tâm trí một vị trí mà các tôn giáo khác không hề có; và cũng không cần thiết phải nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ lưỡng trong Qur’an mà chỉ cần lưu ý một chút thì chúng ta sẽ thấy rằng Nó khuyến khích tâm trí hoạt động, Nó kêu gọi tâm trí phải suy ngẫm và tư duy thậm chí Nó đã lặp đi lặp lại câu hỏi mang tính chê trách “Há các ngươi không chịu suy ngẫm ư?” hơn 13 lần. 

Qur’an khuyến khích tâm trí hoạt động để suy ngẫm và tư duy

Qur’an hướng dẫn tâm trí hoạt động về nhiều điều, tiêu biểu là:

Qur’an đề cập đến tâm trí của con người khi họ tự cao tự đại, sợ hãi và ngu dốt. Nó bảo con người phải tin nơi Allah bằng những bằng chứng và lý luận hợp lý, tiêu biểu như lời phán của Allah: {Chẳng phải chúng đã được tạo hóa từ cái không là gì cả hay phải chăng chúng là Đấng tạo hóa? Phải chăng chúng đã tạo hóa các tầng trời và trái đất? Không, chúng không có niềm tin vững chắc vào điều đó.} (Chương 52 – Attur: 35 - 36).

Qur’an thảo luận về các bằng chứng đối nghịch, bác bỏ lập luận không được dựa trên các bằng chứng và cơ sở, như Allah phán: {Ngươi (Muhammad) hãy bảo chúng: “Các ngươi hãy mang đến các cơ sở và bằng chứng để chứng tỏ lời nói của các ngươi là sự thật”.} (Chương 2 – Albaqarah: 111).

Qur’an khiển trách những ai không chịu kích hoạt tâm trí của họ, Nó mô tả họ như những kẻ không có các giác quan để cảm nhận bởi lẽ họ không tiếp thu được điều hữu ích nào từ những gì họ quan sát thấy và nghe được để đưa ra một sự khẳng định hay một ý tưởng đúng đắn. Allah phán: {Đã có nhiều thị trấn bị TA (Allah) hủy diệt trong lúc chúng phạm điều sai quấy đến nỗi mái nhà của chúng nằm lật ngược ngổn ngang; và nhiều giếng nước và lâu đài kiên cố bị bỏ hoang. Thế phải chăng chúng không du ngoạn trên trái đất để cho tâm trí của chúng hiểu được (mọi sự việc xung quanh) hoặc để tai của chúng có dịp nghe thấy. Quả thật, không phải cặp mắt của chúng bị mù mà chính tâm trí của chúng mù lòa. } (Chương 22 – Al-Hajj, câu 46).

Qur’an cảnh báo về những cản trở tư duy đi ngược lại với bản chất của con người. Qur’an không chỉ đôn đốc con người sử dụng các giác quan và tâm trí cũng như tôn trọng chúng mà Qur’an còn lưu ý về những cạm bẫy của tâm trí, nhìn theo một thực tế tự nhiên về bản chất con người thì con người luôn có những ham muốn thiện và ác, điều mà nó khiến con người dễ bị lỗi và lệch khỏi chân lý.

Những cản trở cho suy nghĩ đúng đắn được Qur’an nói rõ, đó là:

Truyền thống: Đó là sự kế thừa tín ngưỡng, hành vi, thói quen cũng như lối suy nghĩ tiêu cực có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí và suy nghĩ làm cho một người khó chấp nhận điều chân lý và từ bỏ điều ngụy tạo và sai trái. Có thể ai đó sẽ không để suy nghĩ của mình được hoạt động, y sẽ bắt nó dừng lại vì y cho rằng đây là những gì mình đã thường làm và đã quen lam từ bao giờ hoặc mình đã được sinh ra trên điều đó. Sự việc này giống như những gì mà Qur’an đã thông tin cho chúng ta biết về một số người khi điều chân lý được phơi bày cho họ và họ được yêu cầu ngưng đi theo những tục lệ truyền thống sai trái thì họ nói rằng họ phải làm theo những phong tục tập quán lâu đời từ cha ông của họ. {Và khi có lời bảo họ: “Hãy tuân theo điều được Allah ban xuống” thì họ nói: “Không, chúng tôi sẽ theo điều mà chúng tôi thấy cha mẹ của chúng tôi đã làm”. Chẳng lẽ họ đi theo ngay cả khi cha mẹ của họ không hiểu biết gì hoặc ngay cả khi cha mẹ của họ không được hướng dẫn ư?! } (Chương 2 – Al-Baqarah: 170).

Ngoan cố và ngạo mạn: Tâm trí có thể đã nhận thức được điều đúng đắn và chân lý nhưng lại không chịu đón nhận do muốn giữ lợi ích cá nhân, địa vị, hoặc do ganh ghét, thành kiến như Allah đã phán: {Chỉ vì sự tự cao tự đại một cách ngông cuồng, chúng đã phủ nhận mặc dầu trong thâm tâm, chúng vẫn nhìn nhận đó là sự thật.} (Chương 27 – An-Naml: 14).

Chìm đắm trong thú vui và khoái lạc: Quả thật, tâm trí đã nhận thức được điều đúng đắn và chân lý nhưng nó không đủ can đảm để chọn lấy bởi vì nó đang chìm đắm trong thú vui và khoái lạc. Qur’an đã kể cho chúng ta nghe một hình ảnh thí dụ về một người đàn ông có kiến thức, có sự hiểu biết và có quyền tự do thực hành theo sự hiểu biết của anh ta cho cuộc sống của anh ta nhưng anh ta đã rời bỏ sự hiểu biết đó và chỉ làm theo dục vọng của bản thân và chỉ quan tâm đến lợi ích trần gian. Và điều đó khiến anh ta chìm đắm trong lạc thú để rồi không còn biết đến điều chân lý nữa. (Xem chương 7 – Al-A’raf: 175, 176). 

Do đó, trong mọi khía cạnh, Qur’an luôn kêu gọi con người hoạt động tâm trí, thắc mắc, quan sát, tư duy và suy ngẫm về bản thân, vũ trụ, các tạo sinh một cách vô điều kiện và không giới hạn.

Sợ câu hỏi và suy ngẫm vì sợ bản thân mâu thuẫn với hai điều đó. Tôn giáo chân lý phải là của Allah, Đấng đã tạo hóa con người và ban cho con người tâm trí, cho nên không thể nào sự tạo hóa của Allah lại có sự mâu thuẫn với tôn giáo mà Ngài đã ban hành cho con người. Nếu không có sự mâu thuẫn thì cớ sao phải sợ đến câu hỏi và hoạt động của tâm trí chứ? {Chẳng phải mọi sự tạo hóa và mọi mệnh lệnh đều thuộc nơi Ngài đó sao, thật phúc thay cho Allah, Đấng Chủ Tể của vũ trụ và muôn loài! } (Chương 7 – Al-‘Araf: 54). 

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan