Ôn lại một số giáo lý Islam liên quan đến việc tổ chức tiệc tùng

Một số tín đồ Muslim, theo tập tục của môi trường tại nơi đang sinh sống hoặc theo truyền thống của một nhóm người nào đó, sau khi hoàn thành việc xây cất ngôi nhà mới hoặc dọn đến một căn nhà mới mua hoặc thuê, thì họ thường tổ chức bữa tiệc cho người thân, bạn bè nhân dịp có được nhà mới hoặc nhân dịp chuyển đến ngôi nhà mới, như một sự ăn mừng và tạ ơn Allah.

Xem thêm: 

Tổ chức bữa tiệc tiếp đãi người thân, bạn bè

{tocify} $title={Mục lục}

Không ít người Muslim cho rằng việc tổ chức các bữa tiệc tiếp đãi người thân, bạn bè, xóm giềng nhân dịp có được ngôi nhà mới hoặc chuyển đến một nơi ở mới là một việc làm noi theo Sunnah của Thiên Sứ Muhammad, được giáo lý Islam kêu gọi và khuyến khích.

Vậy sự thật như thế nào?

Sự việc có đúng như một số tín đồ Muslim đã nghĩ hay không, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại một số giáo lý liên quan đến việc tổ chức các bữa tiệc ăn mừng để mỗi tín đồ hiều rõ hơn cũng như để có một sự thực hành tôn giáo đúng đắn hơn.


Như chúng ta đã biết, tôn giáo Islam có hai nguồn tham chiếu chủ yếu, đó là Qur’an và Sunnah của Thiên Sứ Muhammad. 

 Có nghĩa là tất cả bộ luật Islam đều được dựa trên hai nền tảng căn bản này. Vì vậy, mỗi một vấn đề của tôn giáo Islam, khi muốn phán quyết hay đưa ra kết luận về giới luật của nó thì phải được bắt đầu từ 2 nguồn tham chiếu này, trước tiên và sau cùng. Và qui tắc này, mỗi tín đồ Muslim cần phải tuân theo, vì Allah, Đấng Tối Cao đã sắc lệnh:

{Hỡi những người có đức tin, các ngươi hãy tuân lệnh Allah, hãy vâng lời Thiên Sứ (Muhammad) và cấp lãnh đạo của các ngươi. Trường hợp các ngươi bất đồng ý kiến nhau về một điều gì đó thì các ngươi hãy đưa điều đó trở về với Allah (Qur’an) và với Thiên Sứ (Muhammad) (tức Sunnah) nếu các ngươi thật sự có đức tin nơi Allah và Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Đó là cách giải trình tốt nhất và đúng nhất.} (Chương 4 – Annisa’, câu 59)

Cho nên, dựa theo quy tắc này, chúng ta sẽ bắt đầu với Qur’an và Sunnah của Thiên Sứ Muhammad.


Qua việc nghiên cứu và tìm về văn bản giáo lý từ Qur’an cũng như từ Sunnah của Thiên Sứ Muhammad. 

Chúng ta thực sự đã không tìm thấy về việc làm một bữa tiệc cho người thân, bạn bè nhân dịp được vào nhà mới hay được chuyển đến một ngôi nhà mới.

Chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong Sunnah của Thiên Sứ Muhammad sự kêu gọi và khuyến khích tổ chức tiệc cưới cũng như tiệc ăn mừng và chia sẻ niềm vui sau một chuyến đi xa trở về nhà mà thôi.

Về tiệc cưới, học giả Ibn Qudamah nói trong Al-Mughni: “Không có sự bất đồng quan điểm giữa các học giả khi cho rằng bữa tiệc cưới là việc làm Sunnah bởi vì chính Thiên Sứ của Allah đã làm và đã ra lệnh cho mọi người làm điều đó. 

Và Thiên Sứ của Allah đã nói với Abdurrahman bin Awf, khi ôngnói, “Tôi đã kết hôn.”: “Hãy làm bữa tiệc dù chỉ là với một con cừu!”.”


Và học giả Ibnu Qudamah cho biết rằng: Việc làm bữa tiệc cưới không phải là điều bắt buộc,theo luồng quan điểm của hầu hết những người hiểu biết.

Một bằng chứng giáo lý thứ hai cho thấy việc tổ chức bữa tiệc cưới là có trong Sunnah của Thiên Sứ Muhammad, là Hadith được thuật lại bởi Abu Huroiroh rằng Thiên Sứ của Allah đã nói:

“Bữa ăn tồi tệ nhất là bữa ăn của tiệc cưới cấm những người muốn đến với nó và mời những kẻ từ chối nó. Và ai không đáp lại lời mời (đến với bữa tiệc cưới khi được mời) thì người đó đã trái lệnh Allah và Thiên Sứ của Ngài.” (Muslim)

 


Một kiến thức hữu ích liên quan đến việc tổ chức tiệc cưới 

Thời điểm tổ chức bữa tiệc cưới được cho là hợp lý và tốt nhấtchính là sau khi cô dâu chú rể đã động phòng.

Sheikh Islam Ibn Taimiyah cho biết: Thời điểm tổ chức bữa tiệc cưới ở Hadith of Zainab được mô tả rằng nó diễn ra sau khi đã động phòng.

Còn bằng chứng giáo lý về việc tổ chức bữa tiệc tiếp đãi người thân, bạn bè sau một chuyến đi xa trở về nhà là Hadith do Jabir thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah thường giết thịt một con cừu hoặc một con bò để tiếp đãi người thân và bạn bè mỗi khi Người trở về Madinah từ một chuyến đi xa. (Al-Bukhari ghi lại).

Và các vị Sahabah của Thiên Sứ cũng thường làm những bữa ăn tiếp đãi người thân, bạn bè sau khi họ trở về nhà từ những chuyến đi xa để tạ ơn Allah vì sự an toàn của họ.

 

Khi được hỏi về việc làm bữa tiệc tiếp đãi bạn bè, người thân, xóm giềng nhân dịp xây cất nhà xong hoặc chuyển đến một ngôi nhà mới.

Sheikh Abdul Azizbin Baz đã có phần trả lời với nội dung được trích dịch như sau:

Sau khi ca ngợi và tạ ơn Allah, Sheikh nói: “Sự việc này cần làm rõ như sau: nếu mục đích của việc giết thịt con vật và làm thức ăn tiếp đãi mọi người vì sự an toàn của ngôi nhà khỏi sự quấy nhiễu của Jinn hoặc với những mục đích tương tự như vậy là không được phép, đúng hơn đó là một sự đổi mới, một sự cải biên; và nếu việc làm đó mang mục đích để tránh khỏi sự quấy nhiễu của Jinn thì nó là hành động đại Shirk, bởi vì đó là sự thờ phượng ai (vật gì) khác ngoài Allah.

Tuy nhiên, nếu việc giết thịt làm thức ăn tiếp đãi người thân, bạn bè, xóm giềng mục đích để tạ ơn Allah vì những điều tốt đẹp màNgài đã ban cho thì không có gì sai với giáo lý, và điều này được nhiều người làm vì lòng biết ơn đối với các phước lành của Allah.

Sau đó, Sheikh còn nhấn mạnh lại một lần nữa, nói: Nhưng nếu đó là vì một mục đích khác, chẳng hạn như để tránh điều xấu của Jinn, hoặc những ý định khác của thời tiền Islam (Jahiliyah), thì nó không được phép.

 

Và khi được hỏi về một nhóm người chuyển đến nhà mới và muốn chuẩn bị một bữa tiệc linh đình với ý định giới thiệu ngôi nhà và sum họp hàng xóm, họ hàng, bạn bè.

Sheikh Ibnu Fawzan trả lời: Không có gì sai khi làm một bữa tiệc trong dịp về nhà mới để tụ họp bạn bè, người thân, nếu đây là chuyện vui và hạnh phúc. 

Còn đối với người tin rằng việc làm bữa tiệc này sẽ xua đuổi được tà ác của Jinn, thì hành động này là không được phép, vì đó là tín ngưỡng đa thần.

 

Trong trang web Al-Islam Su-al Wa Jawab của Sheikh Muhammad Salih Al-Munajjid, khi được hỏi: 

Một người nên làm gì khi mua hoặc chuyển đến một ngôi nhà mới? Khi chuyển đến một nơi ở mới, chủ nhà có nên mời mọi người đến dùng bữa tiệc hoặc có nên Azdan ở bốn góc của ngôi nhà, hoặc có cần đọc hay tụng niệm những câu Kinh, những lời tụng niệm cụ thể nào không?

Sheikh Muhammad Al-Munajjid trả lời: Không có qui định hay yêu cầu nào trong giáo lý rằng nên Azdan vào bốn góc của ngôi nhà mới hoặc một góc nào đó của ngôi nhà, giáo lý cũng không qui định hay yêu cầu đọc bất cứ chương Kinh Qur’an cụ thể nào hay bất cứ một lời tụng niệm riêng biệt nào khi chuyển đến ngôi nhà mới. 

Sheikh Muhammad Al-Munajjid dẫn lời Sheikh Bakr Abu Zaid: “Một trong những việc làm được xem là Bid’ah là chỉ ra một hành động thực hành nào đó mà không có bằng chứng giáo lý, việc chỉ định đọc một câu Kinh hoặc một chương Kinh ở một thời điểm hoặc một địa điểm, hoặc cho một nhu cầu nào đó, đều là những chỉ định không có bằng chứng giáo lý.”

Sheikh Muhammad Al-Munajjid nói: Tuy nhiên, không có gì sai khi một người Muslim cất tiếng Azdan hoặc đọc Qur’an trong ngôi nhà của mình để xua đuổi Shaytan, đặc biệt là đọc chương Al-Baqarah; Bởi vì Shaytan sẽ chạy trốn khỏi ngôi nhà mà trong đó chương Al-Baqarah được đọc lên. 

Tuy nhiên, không ấn định cụ thể về thời gian như lúc chuyển đến một ngôi nhà mới chẳng hạn.

Bằng chứng cho việc được phép đọc Qur’an trong ngôi nhà của mình là Hadith do Muslim ghi lại qua lời thuật của Abu Huroiroh rằng Thiên Sứ của Allah nói:

 

“Các ngươi chớ làm cho các ngôi nhà của các ngươi thành các ngôi mộ (có nghĩa là bất cứ ngôi nhà nào không có đọc Qur’an thì coi như là ngôi mộ). Quả thật, Shaytan sẽ chạy trốn khỏi ngôi nhà nào mà trong đó có đọc chương Al-Baqarah.”

 

Lời khuyên chân thành đến quí đạo hữu Muslim

Là người Muslim, chúng ta cần biết rằng bốn vị học giả lớn của bốn trường phái thuộc hệ Sunnah và Jama’ah (Hanafi, Maliky, Shafi’y và Hambaly), không ai trong số họ kêu gọi mọi người đi theo trường phái của riêng mình, hoặc cuồng tín đối với nó, họ cũng không bắt buộc người khác phải làm theo nó hoặc một trường phái cụ thể nào. 

Thay vào đó, tất cả họ đều kêu gọi hành động theo Qur’an và Sunnah. Họ giảng giải các văn bản của tôn giáo, trình bày các quy tắc cơ sở và phân nhánh chúng. 

Họ đưa ra ý kiến của họ về những gì họ được yêu cầu mà không bắt buộc bất kỳ học trò nào của họ hoặc những người khác phải nhận lấy ý kiến của họ, ngược lại, họ chỉ trích cho hành động đó. 

Và họ thường bảo rằng ý kiến của họ phải bị bỏ qua nếu nó mâu thuẫn với ý kiến đúng, phù hợp với sự thật, và tất cả họ đều nói, ‘Nếu hadith xác thực thì đó là trường phái của ta.’ – cầu xin Allah thương xót tất cả họ!

Như vậy, qua những gì được trình bày ở trên, rõ ràng Islam không bắt người tín đồ phải theo một học giả hay một trường phái cụ thể nào mà Islam bắt y phải theo Qur’an và Sunnah bởi đây là hai nguồn nền tảng của giáo lý Islam. 

Tuy nhiên, Islam bảo người không biết tìm hỏi những người hiểu biết để có sự hướng dẫn đúng với Qur’an và Sunnah. 

Đối với trường hợp có nhiều luồng quan điểm khác nhau về một vấn đề chưa được các học giả đồng thuận và thống nhất, nếu là học sĩ hay người có cấp độ kiến thức nhất định đủ năng lực và trình độ đánh giá và nhận định các kết luận và phán quyết của các trường phái dựa trên các bằng chứng từ Qur’an và Sunnah hoặc dựa trên sự hướng dẫn của các học giả có trình độ kiến thức và năng lực lập luận trội hơn thì y không được phép đi theo luồng quan điểm trái với luồng quan điểm mà y khẳng định là đúng hoặc có nhiều khả năng đúng hơn; và y có thể đi theo trường phái này về một số vấn đề nếu y thấy chúng đúng và đi theo các trường phái khác về một số vấn đề khác nếu thấy chúng đúng và hợp với ánh sáng của Qur’an và Sunnah, bởi lẽ các kết luận và phán quyết của các học giả Ijtihaad có thể đúng và có thể sai mà mục đích của Islam là sự thật và chân lý. 

Riêng đối với một người không phải là học sĩ cũng như không phải là người có đủ trình độ và năng lực trong việc đánh giá và nhận định các luồng quan điểm của các học giả cũng như các trường phái như đã nói thì y phải đi theo luồng quan điểm của những học giả hoặc một trường phái nào đó trong số các trường phái nổi tiếng của Islam mà y cảm thây yên tâm và an lòng.

Cầu xin Allah soi sáng và hướng dẫn các bề tôi ngoan đạo của Ngài đi đúng hướng. 

Cầu xin Ngài xí xóa và chấp nhận việc làm của họ nếu như họ lỡ sai lầm và thiếu sót. 

Cầu xin Ngài thương xót và thu nhận họ vào Thiên Đàng của Ngài, bởi Ngài là Đấng Khoan Dung, Đấng Nhần Từ.

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan