Hãy Quan Tâm Đến Ân Phước Hơn Tiền Bạc

Tất cả chúng ta trên thế giới này đều rất cố gắng và nỗ lực, dẫu cho con người có cố gắng, có siêng năng ra sao thì con người cũng cần phải khắc ghi kỹ điều này trong tâm trí của mình, luôn nhắc với lòng mình dù có ra sao thì cuối cùng anh/chị cũng sẽ được trở về với Allah Tối Cao.  




{Các ngươi hãy sợ Ngày mà các ngươi được đưa trở về trình diện Allah, lúc đó mỗi linh hồn sẽ được đền bù xứng đáng về mọi điều mà nó đã từng làm (trên thế gian), và chắc chắn không một ai bị đối xử bất công.} (chương 2 – Al-Baqarah: 281).

Cách để con người tồn tại được trong cuộc sống hiện tại này, con người cần phải chăm chỉ tìm kiếm tiền bạc và tích lũy vào tài khoản để mình sử dụng trong mua bán, ăn uống, sắm sửa, cưới sinh từ số dư trong tài khoản tích lũy được.

Bên cạnh đó có một loại tài khoản khác quan trọng hơn dành cho cuộc sống Đời Sau.

Nếu tài khoản của cuộc sống hiện tại đầy ắp cả tiền bạc thì tài khoản của cuộc sống Đời Sau cần lắp đầy bằng việc hành đạo và ân phước. Anh/chị nghĩ sao một người đến ngân hàng và nói với nhân viên: “Đêm hôm, tôi đã hành lễ Salah Taraweh, đọc xong chương Al-Baqarah và tụng niệm một ngàn lần, anh/chị giúp tôi chuyển tất cả vào tài khoản của tôi.” Thử hỏi nhân viên ngân hàng có chấp nhận không? Tất nhiên là không rồi, tại sao? Bởi tài khoản ở ngân hàng chỉ tích lũy tiền mà thôi. Ngược lại, anh/chị nghĩ sao việc một người ở cuối đời ôm hết tất cả tài sản mà ông đã tích cóp đi vào mồ để tiếp tục cuộc sống Đời Sau? Điều này có thực hiện được không? Chắc rằng người thân của ông sẽ cản không cho ông làm điều đó, tại sao? Bởi tất cả tài sản đó sẽ không giúp gì cho con người ở Đời Sau? Vậy điều gì giúp ích cho con người sau khi chết? Đó là việc hành đạo và ân phước.

{Việc làm của con trai Adam (tức con người) bị cắt đứt (sau khi chết), ngoại trừ ba điều: Việc bố thí còn tồn tại; kiến thức hữu ích được truyền đạt sau khi y chết; và đứa con ngoan đạo cầu xin cho y.} Muslim ghi.

{và chỉ những việc làm ngoan đạo và thiện tốt mới còn mãi, chỉ có những việc làm ngoan đạo và thiện tốt mới được hưởng phần thưởng tốt đẹp nhất ở nơi Allah và mới là niềm hy vọng tốt đẹp nhất.} (chương 18 – Al-Kahf: 46).

Hỡi tín hữu Muslim, có một câu hỏi hỏi chung tất cả chúng ta và mỗi người trong chúng ta cần tự trả lời cho câu hỏi đó. Hỏi: “Chúng ta có quan tâm đến số dư về việc thiện và công đức ở Đời Sau giống như chúng ta đã quan tâm đến số dư về tiền bạc ở cuộc sống hiện tại không?” Câu hỏi khác: “Chúng ta có yêu thích ân phước giống như chúng ta đã yêu tích tiền bạc không?” Thấy là, chúng ta đã vì đồng tiền mà chúng ta đã xa lánh, đã mệt mỏi, đã tẩy chay, đã ngoại giao, đã làm việc chăm chỉ, đã phấn đấu không ngừng nghĩ, đã thức khuya dậy sớm, đã không dám ăn, không dám mặc, không dám tưởng thưởng cho mình… vậy chúng ta đã từng làm tất cả như thế để làm số dư ân phước của mình tăng lên để mình còn sử dụng chúng ở Đời Sau hay không? Ai ai trong chúng ta cũng điều rõ rằng, tất cả tiền của mà chúng ta đã bỏ cả đời để tích cóp, chúng sẽ không tồn tại mãi bên cạnh chúng ta, chúng sẽ tiêu tan và chúng ta sẽ phải bỏ chúng lại cho người thừa kế mà ra đi bằng đôi tay trắng, nhưng ân phước và việc hành đạo của Salah, của bố thí, của các việc làm ngoan đạo khác sẽ sát cánh với chúng ta mãi mãi.

Trong bài thuyết giảng này, tôi sẽ giúp anh/chị trả lời cho những câu hỏi ở trên.

Trước tiên, để biết được giá trị thực của một điều gì đó, cần phải nói về điều đó để anh/chị biết mà ưa thích chúng, giống như người bệnh biết được giá trị của thuốc và liệu trình chữa bệnh, có đúng vậy không? Thí dụ: Bệnh nhân chạy thận, cứ mỗi ba bốn ngày là chạy thận một lần vài tiếng đồng đồ, bệnh nhân đó phải tốn thời gian, tốn tiền, bị mệt mỏi, phải trải qua đau đớn và nhiều khó khăn khác trong mỗi lần chạy thận. Anh/chị nghĩ sao một ngày nào đó, bệnh viện bảo hôm nay máy bị hư anh/chị được nghỉ một ngày khỏi phải chạy thận. Lúc này bệnh nhân sẽ nói tốt quá rồi, có cơ hội nghỉ xả hơi và đỡ phải tốn tiền, có đúng vậy không? Câu trả lời là không, bệnh nhân đó sẽ tìm bệnh viện khác, tại sao? Tại vì người bệnh biết được giá trị của liệu trình điều trị, cho dù có mệt nhưng được vui khỏe sau đó.

Lúc này, chúng ta cần phải biết được giá trị thực của một ân phước, nó như thế nào? Để khi chúng ta đến hành lễ Salah cùng với Imam không cảm thấy ngán ngẫm và sẵn lòng chờ đợi; khi nghe được sẽ có bài thuyết giảng chúng ta sẽ đến ngồi lắng nghe mà không thấy chán; khi chúng ta mở Qur’an đọc, sẽ muốn đọc thêm trang nữa chứ không muốn dừng sớm hơn, tại sao? Tại vì chúng ta biết được giá trị thực của ân phước chúng ta có được, tích lũy được qua những lần hành đạo như thế; có thế thì khi thấy người nghèo đến xin thì dám không xua đuổi; khi một giờ trôi qua mà mình vẫn không có một lời tụng niệm Allah sẽ cảm thấy tiếc nuối, tại sao vậy? Tại vì anh/chị biết rất rõ về giá trị thực của ân phước.

Vậy giá trị thực của ân phước là gì?

Để biết rõ hơn về giá trị thực của ân phước, nào chúng ta cùng nhau tìm hiểu về một trong những giai đoạn mà con người phải trải qua trong Ngày Tận Thế, để chúng ta nhận ra được giá trị của ân phước.

Trong Ngày Tận Thế, con người phải trải qua nhiều gia đoạn, gồm: Phục sinh sống lại, đến nơi tập trung, đứng chờ dưới mặt trời, biện hộ, thanh toán và cân đo công đức và tội lỗi. Bàn cân lúc đó được mang ra gồm có hai đĩa cân, mỗi bên đĩa cân lớn đến mức chứa được toàn bộ trời đất, và đơn vị đo bé nhất của bàn cân hôm đó là cân được trọng lượng của hạt bụi bay

 

{(7) Vì vậy, bất cứ ai hành thiện dù việc thiện đó chỉ nhỏ bằng hạt bụi, y cũng sẽ thấy nó. (8) Và bất cứ ai làm việc xấu dù việc xấu đó chỉ nhỏ bằng hạt bụi, y cũng sẽ thấy nó.} (chương 99 – Az-Zalzalah: 7, 8). Đấng chế tạo ra cái cân đó là Allah Toàn Năng, cho nên độ chính xác của cân là chuẩn tuyệt đối.

Bàn cân đó sẽ cân anh/chị và tất cả việc làm của anh/chị đã từng làm dù tốt hay xấu, tất cả việc làm của anh/chị đều được ghi rõ ràng và tỉ mỉ trong quyển sổ bộ. Anh/chị có biết quyển sổ của mình gồm bao nhiêu trang không, cứ mỗi một ngày là ghi chép đến tận hai trang, một trang buổi sáng và một trang buổi chiều. Ngay lúc này đây, anh/chị có nhớ mình đã làm gì cách đây mười năm về trước không, năm năm, hai năm, một năm, vài tháng trước, vài tuần trước, vài ngày trước, lúc đó anh/chị đã ở đâu? Đã làm gì? Đã nói gì? Có lẽ không ai còn nhớ hết những gì mình đã làm, đã nói trong quá khứ nhưng Thiên Thần của Allah đã không bỏ sót, họ đã ghi chép lại hết tất cả lời mà anh/chị đã thốt ra và đã làm không thêm, không bớt:

 {(17) Khi hai (Thiên Thần Ghi Chép) ghi lại (các hành động), một (Thiên Thần) ngồi bên phải và một (Thiên Thần) ngồi bên trái. (18) Bất cứ lời nào (con người) thốt ra cũng đều có (một Thiên Thần) quan sát theo dõi sẵn sàng (ghi lại).} (chương 50 – Qaf: 17, 18). 

{“Sự việc đó thuộc về kiến thức ở nơi Thượng Đế của Tôi được ghi chép trong Kinh Sách được lưu trữ ở nơi Ngài; Thượng Đế của Tôi không nhầm lẫn cũng không hề quên.”} (chương 20 – Taha: 52).

Sau khi đã cân xong việc làm tốt xấu, thì một nhóm sẽ được cho phép vào Thiên Đàng - cầu xin Allah cho chúng ta trong số họ -, một nhóm khác sẽ phải đi vào Hỏa Ngục – cầu Allah che chở chúng ta bình an khỏi nó -. Kế đến xảy ra một vụ việc kỳ lạ, đó là một nhóm người sẽ bị giữ lại tại một khu vực giữ Thiên Đàng và Hỏa Ngục có tên là Al-‘Araf (các gò cao), họ tạm không vào Thiên Đàng, cũng không vào Hỏa Ngục.

{Giữa họ (cư dân Thiên Đàng và cư dân Hỏa Ngục) là một vách ngăn cách (được gọi là Al-‘Araf - các gò cao -). Trên các gò cao (này), có những người biết rõ từng người của họ (cư dân Thiên Đàng và cư dân Hỏa Ngục) qua các dấu vết (trên gương mặt) của họ. (Những người trên các gò cao này) gọi những người bạn của Thiên Đàng, chúc: “Mong bằng an cho quí vị.” (Những người trên các gò cao) vẫn chưa được vào trong đó (Thiên Đàng) nhưng họ thèm khát được vào.} Còn khi họ nhìn vào Hỏa Ngục thì thấy những người đáng bị trừng phạt trong nó khiến họ khiếp vía và làm sao họ không khiếp sợ cho được khi tận mắt chứng kiến lửa bùn cháy và âm thanh rít kinh hoàng của lửa, lúc này họ khẩn cầu:

{“Lạy Thượng Đế của bầy tôi, xin Ngài đừng nhập bầy tôi cùng với đám người làm điều sai quấy đó.”} (chương 7 – Al-‘Araf: 46, 47).

Thấy là lúc này, những người tại Al-‘Araf rất sợ hãi, rất hối hận, rất ăn năn, rất tiếc nuối. Với tâm trạng đó họ sẽ bị tạm giử tại đó đến nhiều ngày có thể là một ngày, mười ngày hoặc là năm mươi ngày, chỉ Allah mới rõ và anh/chị có biết: 

{Quả thật một Ngày ở nơi Thượng Đế của Ngươi bằng một ngàn năm theo niên kỷ mà các ngươi đếm (trên thế gian).} (chương 22 – Hajj: 47). Nghĩa là nếu bị giữ lại tại Al-‘Araf năm ngày là phải ở tại đó tận 5 ngàn năm.

Hỏi: Tại sao nhóm người đó bị tạm giử tại Al-‘Araf? Bởi những người này có tỉ lệ ngang bằng nhau giữa tội lỗi và công đức, Subhanollah.

Như đã nói chỉ cần công đức được tăng thêm bằng sức nặng của hạt bụi thôi là họ được vào Thiên Đàng rồi, không phải bị tạm giam tại Al-‘Araf như thế, chỉ cần họ đã nói thêm một vài lời tụng niệm, hoặc đọc thêm một vài từ trong Qur’an, hoặc quỳ lạy thêm một vài lần lạy trong Salah, hoặc bố thí vài ngàn lẻ cho người nghèo, hoặc đáp lại lời Salam với người mà họ đã giận không thèm nói chuyện vì chuyện xích mít không đáng… là họ đã thoát được cảnh tượng hải hùng đó rồi.

Anh/chị hãy nhìn xem ân phước có giá trị biết dường nào!!! Và đây chính là ân phước.

Thấy là có những người đã tiêu phí hàng giờ đồng hồ trong những thú vui phù phím và trong ấy thời gian họ đã không lấy một lần tụng niệm Allah dù chỉ nhắc tên Ngài. Đừng tái phạm như thế nữa hỡi quí tín hữu Muslim, ân phước rất là quan trọng trong Ngày Tận Thế, rồi chính anh/chị sẽ nhìn vào người cha thân yêu của mình, người mà anh/chị đã từng khóc nức nở lúc ông qua đời và anh/chị đã chôn cất ông mà tấm lòng đau đớn khôn nguôi, và đến mẹ của anh/chị, vợ hoặc chồng của anh/chị, anh chị em của anh/chị… tất cả họ đều bị anh/chị bỏ mặc mà chạy đi không dám nhận họ:

{(33) Nhưng khi tiếng còi hụ chát chúa xảy đến. (34) Đó là Ngày mà mỗi người sẽ chạy bỏ anh em của mình. (35) Bỏ mẹ bỏ cha. (36) Bỏ vợ và con cái.} Tại sao lại chạy bỏ như thế, đó là người thân của mình kia mà?

{Vào Ngày đó, mỗi người quá lo âu cho bản thân mình đến nỗi quên bẵng đi người khác.} (chương 80 – ‘Abasa: 33 – 37). Sở dĩ con người lúc đó trở nên ích kỷ, hẹp hòi là vì mỗi người điều sợ mình phải chia ân phước của mình cho người khác. Lúc đó, không ai còn muốn giúp ai cả và có muốn cũng không giúp được, như Thiên Sứ – Sol lol lo hu ‘a lai hi wa sal lam – đã gọi con gái cưng của mình mà nói:‌

{Hỡi Fatimah, con hãy bán mình cho Allah (để thoát khỏi sự trừng phạt đau đớn), chắc chắn rằng Cha đây không giúp ích gì cho con trước Allah đâu.} bởi Allah đã phán: 

{Đó là Ngày mà không một linh hồn nào có thể giúp ích một điều gì cho một linh hồn khác, bởi lẽ vào Ngày đó mọi mệnh lệnh đều thuộc về riêng một mình Allah.} (chương 82 - Al-Infitar: 19).

Tất nhiên, con người không vào Thiên Đàng bằng ân phước nhiều hơn, mà con người chỉ được vào Thiên Đàng bằng lòng bao dung của Allah. Tuy nhiên, tâm trạng của một người mà sổ bộ của họ ghi đầy điều tốt lành và công đức có giống như tâm trạng của người mà sổ bộ của họ ghi đầy tội lỗi hay không? Cho nên, chúng ta cần tận dụng tất cả cơ hội có thể để gia tăng thêm công đức và ân phước cho mình, để số dư ân phước trong tài khoản của mình càng lớn càng tốt, hãy bắt lấy tất cả cơ hội hành đạo mà Allah cho chúng ta để xóa sạch đi tội lỗi mà chúng ta đã làm trước đây, để trong Ngày Tận Thế chúng ta ở trong tình trạng an toàn và yên bình:

{(62) (Không có gì phải hoài nghi rằng) những vị Wali của Allah sẽ không lo sợ cũng sẽ không buồn phiền. (63) (Họ là) những người có đức tin và kính sợ Allah.} (chương 10 – Yunus: 62, 63). Bởi một điều chắc chắn rằng Allah không bao giờ hạ nhục một nô lệ một lòng hướng về Ngài. 

Thân hữu Muslim, đó là giá trị thực của ân phước, mỗi người chúng ta cần phải luôn xem trọng chúng và đặt nặng chúng trong lòng của mình, bắt buộc chúng ta cần phải tìm kiếm chúng và chớ xem thường chúng.

Hỡi đạo hữu Muslim, anh/chị hãy quan tâm đến ân phước của mình nhiều hơn tiền bạc của mình.

{Hỡi nhân loại! Các ngươi hãy kính sợ Thượng Đế của các ngươi và hãy sợ cái Ngày mà cha sẽ không cứu được con cái và con cái cũng sẽ không cứu được cha của mình. Lời Hứa của Allah tuyệt đối là thật. Do đó, các ngươi đừng để cuộc sống thế tục này đánh lừa các ngươi và đừng để bị đánh lừa về Allah.} (chương 31 – Luqman: 33).

{Rồi đây TA sẽ thiết lập các bàn cân công lý vào Ngày Phán Xét. Lúc đó sẽ không có một linh hồn nào bị đối xử bất công về bất cứ điều gì, cho dù một điều gì đó chỉ bằng sức nặng của một hạt cải thì TA cũng sẽ mang nó ra (để phân xử công minh). Và một mình TA thôi đủ thanh toán (các việc làm của đám bầy tôi của TA).} (chương 21 – Al-Ambiya: 47).

{(102) (Trong Ngày hôm đó), những ai mà bàn cân của họ có trọng lượng nặng (bởi những việc hành đạo và những việc làm thiện tốt) thì họ sẽ là những người thành công. (103) Còn những ai mà bàn cân của họ có trọng lượng nhẹ (bởi những việc hành đạo và những việc làm thiện tốt) thì họ sẽ là những kẻ đã làm bản thân mình thất bại. Họ sẽ phải ở trong Hỏa Ngục mãi mãi.} (chương 23 – Al-Muminun: 102, 103).

Cầu xin Allah phù hộ và củng cố đức tin của tôi và tất cả anh/chị được sống trong Islam và được chết trong đức tin.

Cầu xin Allah ban bình an và phúc lành cho Nabi Muhammad, cho gia quyến cùng tất cả bằng hữu của Người.

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan