5 mục tiêu bảo vệ hàng đầu của giáo luật Islam

Nhìn một cách tổng thể, hệ thống giáo luật Islam mang mục đích cải thiện mọi hoàn cảnh và điều kiện sống của con người trên đời sống trần tục, để con người đạt được hạnh phúc ở cõi Đời Sau, dựa trên cơ sở loại bỏ những điều xấu và tai hại và củng cố những điều phúc lành và tốt đẹp. 

Vì vậy, những gì giáo luật Islam yêu cầu thực hiện đều là những gì mang lại phúc lành và tốt đẹp cho con người, còn những gì giáo luật Islam nghiêm cấm đều là những thứ mang lại tai hại và không tốt lành cho con người.


{tocify} $title={Mục lục}

{Họ (các bạn đạo của Ngươi) hỏi Ngươi (hỡi Thiên Sứ) về kinh nguyệt của phụ nữ. Ngươi hãy trả lời họ: “Nó gây hại (cho các ngươi khi quan hệ), cho nên các ngươi đừng đến gần vợ của các ngươi trong suốt thời gian kinh nguyệt cho đến khi nào họ đã sạch sẽ trở lại (dứt kinh). Khi nào họ đã (tắm Junub) sạch sẽ thì các ngươi hãy đến với họ như Allah đã cho phép các ngươi. Quả thật, Allah rất yêu thương những người biết ăn năn sám hối và những người giữ mình sạch sẽ.}(Chương 2 – Albaqarah, câu 222).

Xem video: 5 mục tiêu bảo vệ hàng đầu của giáo luật Islam

Hệ thống giáo luật Islam mang đến các điều luật cụ thể và chi tiết nhằm bảo vệ năm mục tiêu chính yếu:

tôn giáo, tính mạng, trí tuệ và tinh thần, sinh đẻ, và tài sản.

Việc đạt được các mục tiêu này là quyền lợi quan trọng nhất của con người và là sự tốt lành cho mỗi cá nhân trong cuộc sống.

 

1. Mục tiêu bảo vệ đầu tiên của giáo luật Islam: Tôn giáo

Khi một tôn giáo chân lý và vĩ đại chi phối mọi phương diện của đời sống con người thì theo lẽ tự nhiên hệ thống giáo luật Islam phải đứng ra bảo vệ nó bởi đó là một quyền lợi của con người. Hơn thế nữa, đó là quyền lợi quý giá và quan trọng nhất của con người. Vì vậy, giáo luật luôn chỉ thị những gì bảo vệ nó và nghiêm cấm những gì hủy hoại và làm suy yếu nó.

Qur’an đã thúc giục và khuyến khích thờ phượng thật nhiều để làm vững chắc đức tin Iman và giữ vững nó trong lòng của những người có đức tin. Một số hình thức thờ phượng ở tư tưởng và tâm trí chẳng hạn như sự suy ngẫm về sự tạo hóa của Allah để nhận thức sự vĩ đại của Đấng Tạo hóa, và một số hình thức thờ phượng ở tâm trí lẫn thể xác chẳng hạn như dâng lễ nguyện Salah; hoặc chỉ ở thể xác như nhịn chay, hoặc ở tài sản và của cải như Zakah (bố thí bắt buộc), Sadaqah (bố thí theo lòng hảo tâm), hoặc ở cả tâm trí, thể xác và tài sản như hành hương Hajj.

Nhằm bảo vệ và gìn giữ đức tin Iman và tôn giáo, Allah đã nghiêm cấm hành vi Shirk cả tâm niệm lẫn hành động, cũng như Ngài nghiêm cấm những gì dẫn tới sự ngưỡng mộ thái quá đến nỗi tôn sùng các vị Nabi và các vị ngoan đạo với tâm niệm rằng Allah cần kẻ trung gian giữa Ngài và bề tôi của Ngài và tâm niệm rằng ngoài Allah còn có một ai khác có quyền năng ban điều phúc và khiến điều dữ.

Allah đã ra lệnh bắt buộc chính quyền và nhà nước Islam phải bảo vệ tôn giáo và tạo điều kiện thuận lợi cũng như khuyến khích gìn giữ nó. Cũng như vậy, Allah bắt buộc phải ngăn chặn những gì phá hoại nó như sự lệch lạc, sự cám dỗ, sự thái quá, tội lỗi và nghịch đạo bằng cách hướng dẫn và chỉ đạo những người lệch lạc và thái quá về đúng con đường ngay chính, áp dụng và thực thi hình phạt của giáo luật đối với những người rời bỏ tôn giáo.

 

2.Mục tiêu bảo vệ thứ hai của giáo luật Islam: Tính mạng con người

Mạng sống con người là một món quà thiêng liêng được Allah ban tặng, không ai có quyền xâm hại và thậm chí bản thân con người cũng không được phép xâm hại chính mình. Allah đã tạo hóa con người một cách cao quý và thiêng liêng, và giao cho họ quyền đại diện và trông coi trên trái đất, mục đích để thử thách họ trong vấn đề thờ phượng và vâng lệnh Ngài.

Vì mục đích thờ phượng và vâng lệnh Allah, Đấng Tạo Hóa vũ trụ và vạn vật, Islam phải bảo vệ sự tồn tại của con người bằng những gì mà nó đã qui định thành các nghĩa vụ bắt buộc trong việc bảo vệ tính mạng con người. Islam bắt buộc xã hội có trách nhiệm phải quan tâm đến những người yếu hèn, đảm bảo an sinh cần thiết cho họ từ nhà ở, thức ăn, đồ uống, quần áo cũng những thứ cần thiết khác cho nhu cầu cuộc sống. Islam yêu cầu phải đảm bảo điều đó bằng cách qui định hình thức bố thí bắt buộc, đó làZakah, và bố thí tùy lòng hảo tâm được gọi là Sadaqah, một hình thức có tổ chức nhằm thể hiện tính tượng trợ tương ái lẫn nhau, thể hiện sự ngoan đạo và lòng kính sợ Allah của từng cá thể trong tập thể nhằm đạt được sự đoàn kết xã hội trong cộng đồng.

Islam đảm bảomộtcuộc sống tươm tất và an lànhchocon người, cấmxúc phạmvàlàm tổn hại lẫn nhau. Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và những kẻ gây phiền nhiễu đến những người có đức tin, nam cũng như nữ, một cách không thỏa đáng thì quả thật họ đã mang vào mình tội vu khống và tội danh rõ ràng.}(Chương 33 – Al-Ahzab, câu 58).

Islam xem việc xâm hại thể xác và tính mạng con người là một tội ác tồi tệ và kỉnh tởm nhất. Islam đã liệt việc cướp đi mạng sống của một người một cách bất công vào danh sách bảy đại tội nghiêm trọng hủy hoại tôn giáo và đời sống con người trên thế gian. Thiên Sứ Muhammad cảnh báo:

“Các ngươi hãy tranh xa bảy đại tội hủy hoại tôn giáo và cuộc đời”. Các vị Sahabah hỏi: Thưa thiến sứ của Allah, các đại tội đó là gì? Thiên Sứ nói: “Đó là Shirk với Allah, dùng ma thuật và bùa ngải, giết một mạng người mà Allah đã nghiêm cấm trừ phi có lý do chính đáng, ăn đồng tiền Riba’ (cho vay lấy lãi), ăn chặn tài sản của trẻ mồ côi, đào ngũ, và vu khống người phụ nữ có đức tin và tiết hạnh.” (Albukhari, Muslim)

Để cho thấy mức độ nghiêm trọng và tội ác to lớn của việc xâm hại đến tính mạng con người, Allah đã qui định rằng việc giết một mạng người sẽ mang tội giống như giết cả toàn nhân loại. Ngài phán:

{Vì lẽ đó, TA (Allah) đã qui định cho con cháu Israel rằng ai giết chết một sinh mạng không phải để đền mạng (theo luật Qisas) hoặc không phải là kẻ phá hoại trái đất thì giống như y đã giết toàn bộ nhân loại; và ai cứu một mạng người thì giống như y đã cứu toàn bộ nhân loại. Quả thật, các Thiên Sứ của TA đã mang đến cho họ những bằng chứng rõ rệt nhưng rồi sau đó đa số họ vẫn là những kẻ phá hoại trên trái đất.}(Chương 5 – Al-Ma-idah, câu 32)

Allah mô tả đặc điểm của những người có đức tin rằng họ là những người luôn tránh xa việc giết người vô tội (những sinh mạng mà Allah nghiêm cấm xâm hại):

{Họ là những người không cầu nguyện bất cứ thần linh nào khác cùng với Allah cũng không giết một sinh mạng vô tội trừ phi với lý do chính đáng; họ không làm điều Zina; và ai vi phạm những điều đó đáng bị tội.}(Chương 25 – Al-Furqan, câu 68)

Allah cảnh báo đến những kẻ cướp đi mạng sống của người vô tội rằng người có trách nhiệm bảo vệ công bằng cho người bị hại có quyền yêu cầu xử lý theo luật Qisas (mạng trả mạng) một cách ngay chính và công bằng.

{Các ngươi không được giết hại bất cứ một sinh mạngnàomàAllah đã cấm ngoại trừ với lý do chính đáng (theo giáo luật). Đối với người bị giết oan thì người thân của y được TA ban cho thẩm quyền (đòi lại công bằng: yêu cầu đền mạng hoặc tha mạng và nhận bồi thường hoặc không nhận bồi thường theo giáo luật), nhưng chớ vượt quá mức giới hạn trong việc giết chóc (như phanh thây chẳng hạn) bởi y sẽ được (luật pháp Islam) giúp đỡ.}(Chương 17 – Al-Isra’, câu 33)

Luật Qisas (mạng đền mạng, tức phải tử hình kẻ giết người) một cách công minh là một trong những biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn sự lây lan của tội phạm. Điều luật này sẽ làm những ai có lòng hận thù và hung ác điều chỉnh lại hành động của y đối với mọi người và làm cho mọi người trong xã hội cảm thấy an tâm vì được giới luật đảm bảo sự công bằng trong cuộc sống. Allah, Đấng Tối cao phán:

{Và trong luật Qisas, các ngươi hỡi những người hiểu biết sẽ có (một sự đảm bảo) về cuộc sống, mong rằng các ngươi sống ngay chính và ngoan đạo (qua giáo luật này).}(Chương 2 – Albaqarah, câu 179)

Nhằm bảo vệ tính mạng con người, Qur’an đã ra lệnh chiến đấu vì con đường chính nghĩa nhằm bảo vệ những người yếu thế bị ngược đãi và giết hại. Allah, Đấng Tối cao phán:

{Điều gì đã cấm cản các ngươi (những người có đức tin) không đi chiến đấu cho con đường chính nghĩa của Allah để giải phóng cho những người đàn ông, những người phụ nữ và đám trẻ thơ đang cầu nguyện: “Lạy Thượng Đế của bầy tôi, xin hãy giải cứu bầy tôi thoát khỏi thị trấn (Makkah) này bởi cư dân của nó là kẻ áp bức và bất công, xin Ngài hãy chỉ định ai đó đứng ra làm người bảo hộ và giúp đỡ bầy tôi.”Những người có đức tin thì chiến đấu cho con đường chính nghĩa của Allah còn những kẻ vô đức tin thì chiến đấu cho con đường của tà thần. Do đó, các ngươi (những người có đức tin) hãy chiến đấu chống lại bè lũ của Shaytan bởi quả thật, mưu kế của Shaytan rất kém cỏi.}(Chương 4 – Annisa’, câu 75, 76)

Allah không cho phép bất kỳ ai tự lấy đi mạng sống của chính mình. Bởi sinh mạng của mỗi một người là tín vật mà Allah ký gởi cho y. Vì vậy, một người không được phép tự sát hoặc đưa bản thân vào con đường hủy diệt. Người nào làm vậy sẽ bị một sự trừng phạt đau đớn, Thiên Sứ Muhammad đã cảnh báo:

“Ai tự tử bằng cách nhảy từ trên núi xuống thì sẽ bị đày trongHỏa ngục, ở trong đó, y sẽ mãi mãi hành động như vậy để hành hạ bản thân mình; ai tự tử bằng cách dùng thuốc độc thì trong Hỏa Ngục y sẽ mãi mãi hành động như vậy để hành hạ bản thân; và ai tự tử với dụng cụ bằng kim loại thì ở trong Hỏa ngục y sẽ mãi mãi cứ lấy vật kim loại đâm vào bụng của mình.”(Albukhari, Muslim)


3.Mục tiêu bảo vệ thứ ba của giáo luật Islam:trí tuệ và tinh thần

Trí tuệ và tinh thần là một phần quan trọng của con người. Đó là một món quà vĩ đại, một đặc ân mà Allah đã ban cho người trong khi các sinh vật khác trong các tạo vật của Ngài không được ban cho đặc ân này.

{Quả thật, TA đã ưu đãi cho con cháu của Adam (khi TA ra lệnh bảo các Thiên Thần quỳ lạy chào ông tổ Adam của họ) và TA đã chuyên chở họ trên đất liền (bằng động vật cũng như các phương tiện khác) và trên biển khơi (bằng tàu bè), TA đã cấp cho họ biết bao bổng lộc tốt đẹp, và TA đã làm cho họ vượt trội hơn nhiều tạo vật khác mà TA đã tạo.}(Chương 17 – Al-Isra, câu 70)

Islam xem trí tuệ và tinh thần là yếu tố gánh chịu cho tất cả mọi trách nhiệm trong tôn giáo cũng như trong đời sống. Vì với trí tuệ và tinh thần, con người sẽ được hướng dẫn đến với sự thật và chân lý, điều mà Allah kêu gọi đến với nó bằng sự nhận thức của tâm trí chứ không đơn thuần chỉ bằng đức tin Iman một cách mù quáng.

{Họ đã thờ phượng những  thần linh khác ngoài Ngài (Allah). Ngươi (hỡi Thiên Sứ Muhammad) hãy bảo họ: “Các người hãy đưa ra bằng chứng của các người (về việc các thần linh đó đáng được thờ phượng) xem nào!.}(Chương 21 – Al-Ambiya, câu 24)

Trí tuệ và tinh thần (hay tâm trí) sẽ hướng dẫn tất cả những ai suy ngẫm về vũ trụ càn khôn, giúp họ hiểu được và cảm nhận được sự tồn tại của Allah và các thuộc tính của Ngài. Allah, Đấng Tối cao phán:

{Quả thật, việc tạo hóa các tầng trời và trái đất cũng như việc luân chuyển ban đêm và ban ngày là những dấu hiệu dành cho những người hiểu biết.}(Chương 3 – Ali – ‘Imran, câu 190)

Như vậy, một người không được phép không dùng tâm trí của mình để thực hiện nhiệm vụ của nó, đó là nhận thức chân lý, nhận thức điều tốt, nhìn thấy được những gì có thể cải thiện cho cuộc sống trần tục và Đời Sau. Vì mục đích này, Allah nghiêm cấm dùng ma thuật, bùa ngải, thuật bói toán và những gì tượng tự trái nghịch với trí tuệ và tinh thần lành mạnh làm nó mất đi khả năng nhận thức đúng đắn; và cũng với mục đích này Islam nghiêm cấm uống rượu và Islam xem việc uống rượu là điều ô uế và mưu đồ của Shaytan khiến họ hủy hoại mối quan hệ giữa họ với Thượng Đế của họ, vì khi một ngườinghiện rượu thường xao lãnglễ nguyện Salah và quên đi nghĩa vụ thờ phượng Allah; ngoài ra Shaytan muốn dùng rượu làm phương tiện để quấy rối các mối quan hệ xã hội.

{Hỡi những người có đức tin! Quả thật (uống) rượu, cờ bạc, thờ cúng trên bàn thờ đá và xin xăm là những thứ ô uế thuộc hành vi của Shaytan. Bởi thế, các ngươi hãy tránh xa chúng mong rằng các ngươi thành đạt.Quả thật, Shaytan chỉ muốn gieo lòng hận thù và hiềm khích giữa các ngươi qua (việc uống) rượu và cờ bạc. Thật ra (Shaytan) chỉ muốn cản trở các ngươi tưởng nhớ Allah và muốn các ngươi (sao lãng) lễ nguyện Salah mà thôi. Vậy các ngươi không chịu ngưng ư?!}(Chương 5 – Al-Ma-idah, câu 90).


4.Mục tiêu bảo vệ thư tư của giáo Islam: Sự sinh đẻ

Sinh đẻ là một phương tiện duy trì sự tồn tại và sống còn của con người. Vì lẽ đó, Allah, Đấng Toàn Năng đã tạo hóa ra hai giới và cho hai giới đó kết hợp với nhau. Ngài kêu gọi hai giới thiết lập gia đình bằng con đường hôn nhân, con đường mà Islam xem nó là một cách lý tưởng và tốt đẹp để sinh sản con cái với mục đích duy trì và bảo tồn sự sống của loài người.

Islam khuyến khích kết hôn, nó thiết lập và qui định cho hôn nhân thành một hệ thống nguyên tắc xã hội nhằm đảm bảo mối quan hệ giữa đôi vợ chồng và con cái trong gia đình.

Islam qui định bắt buộc cha mẹ phải có nhiệm vụ và bổn phận đối với con cái của họ. Cha mẹ phải chăm sóc và giáo dụcchúng, phải hết lòng yêu thương và quan tâm đến chúng, phải chu cấp và nuôi dưỡng chúng một cách trọn vẹn của tình phụ mẫu.

Islam tuyệt đối không cho phép giết con cái, trong đó bao gồm việc nạo phá thai. Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Các ngươi chớ đừng giết con cái của mình vì sợ nghèo khổ (ở tương lai), (bởi) chính TA (Allah) mới là Đấng ban phát bổng lộc cho chúng và cho cả các ngươi. Quả thật, việc giết chúng là một đại trọng tội.}(Chương 17 – Al-Isra, câu 31)

Nhằm bảo vệ gia đình và chăm lo cho mỗi thành viên trong gia đình, Allah nghiêm cấm Zina (quan hệ tình dục ngoài hôn nhân), Ngài phán:

{Các ngươi chớ đến gần Zina (tình dục ngoài hôn nhân), bởi quả thật đó là hành vi ô uế và là một con đường xấu xa.}(Chương 17 – Al-Isra, câu 32).

Allah cũng nghiêm cấm những gì đưa đường dẫn lối tới những hành vi Zina, chẳng hạn như không cho phép nam nữ tự do kết nối và qua lại với nhau, bắt buộc phụ nữ phải ăn mặc kín đáo bằng cách che phủ toàn thân khi xuất hiện trước những người khác giới nhằm tránh điều không tốt lành xảy ra. Vì vậy, phụ nữ trong Islam được ví như ngọc ngà châu báu luôn được che đậy cất giữ rất cẩn thận.

{Hỡi Nabi (Muhammad), Ngươi hãy bảo những người vợ của Ngươi, các con gái của Ngươi, và những người vợ của những người có đức tin phủ áo choàng che kín thân thể của họ. Như thế để dễ nhận biết họ và để họ không bị xúc phạm. Quả thật, Allah là Đấng Hằng Tha Thứ, Đấng Hằng Khoan Dung.}(Chương 33 – Al-Ahzab, câu 59)


5.Mục tiêu bảo vệ thứ năm của giáo luật Islam: Tài sản

Tài sản và của cải là nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Islam coi tất cả những gì mà con người tìm kiếm được từ nguồn vật chất mà Allah ban cho là tài sản của họ. Islam cho phép người Muslim tìm kiếm và sở hữu tài sản theo đúng giáo luật được qui định. Islam yêu cầu người Muslim phải chi dùng tài sản để đảm bảo nhu cầu cần thiết của bản thân cũng như cho nhu cầu của cộng đồng xã hội một cách hợp lý, không hoang phí cũng không keo kiệt.

Islam khuyến khích lao động sản xuất để tìm kiếm nguồn của cải bằng các con đường hợp giáo luật.

{Chính Ngài là Đấng đã làm cho trái đất thuận tiện và dễ dàng sử dụng cho các ngươi. Vì vậy, các ngươi hãy đi trên các nẻo đường của nó và hãy ăn từ nguồn bổng lộc của Ngài. Và (các ngươi hãy biết rằng rồi đây) các ngươi sẽ được phục sinh để trở về với Ngài.}(Chương 67 – Al-Mulk, câu 15)

Thiên Sứ Muhammad yêu thích lao động và Người xem lao động là một trong những việc làm đến gần với Allah. Người nói:

«“Không có sự tìm kế sinh nhai nào tốt lành hơn sự lao động bằng chính đôi tay của mình và những gì mà một người chi tiêu cho bản thân y, cho gia đình, vợ con và cho người giúp việc đều là Sadaqah (sự bố thí được ban ân phước).” (Ibnu Ma-jah)

Có lần một người đàn ông đi ngang qua chỗ của Thiên Sứ Muhammad, các vị Sahabah nhìn thấy sự tích cực lao động của y, họ hỏi: Thưa thiên sứ của Allah! Y tích cực lao động như vậy có được coi là hành động vì chính nghĩa của Allah không? Thiên Sứ của Allah nói:

«“Nếu y ra ngoài lao động vì các con nhỏ của y thì đó là con đường chính nghĩa của Allah, nếu y ra ngoài lạo động vì cha mẹ già yếu của y thì đó là con đường chính nghĩa của Allah, nếu y ra ngoài vì đáp ứng nhu cầu cần thiết của bản thân thì đó là con đường chính nghĩa của Allah và nếu y ra ngoài vì để phô trương một cách ngạo mạn thì đó là con đường của Shaytan.”(Attabra-ni ghi lại trong bộ Mu’jam Kabir, và Albani đã xác thực trong bộ Sahih Attarghib wattarhib).

Tuy nhiên, việc tìm kiếm bổng lộc của Allah có hai loại: loại tốt lành và loại không tốt lành. Loại tốt lành là một người đi tìm bổng lộc của Allah bằng các hình thức được phép trong Islam chẳng hạn như buôn bán kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, và các hình thức lao động hợp giáo luật khác.

{Hỡi những người có đức tin, các ngươi hãy ăn những thực phẩm tốt sạch mà TA đã ban bố cho các ngươi; và các ngươi hãy tri ân Allah nếu các ngươi chỉ thờ phượng riêng Ngài.}(Chương 2 – Albaqarah, câu 172)

Còn loại không tốt lành của việc tìm kiếm bổng lộc của Allah là việc sở hữu tài sản bằng các con đường tội lỗi như Riba (cho vay lấy lãi), hối lộ, gian lận, lừa đảo hoặc trao đổi mua bán với các hàng hóa và sản phẩm gây hại.

{Các ngươi chớ đừng ăn tài sản của nhau một cách bất chính và cũng chớ đừng lấy đó mà kiện tụng ra tòa hầu ăn tài sản của thiên hạ một cách tội lỗi trong khi các ngươi biết rõ (đó là sai trái).}(Chương 2 – Albaqarah, câu 188).

Islam qui định một nguyên tắc chung mang tính khái quát cho việc tìm kiếm bổng lộc của Allah, Ngài phán:

{Y cho phép họ dùng những thứ tốt lành và cấm họ dùng những thứ ô uế, dơ bẩn.}(Chương 7 – Al-‘Araf, câu 157).

Islam chỉ đạo phải chi tiêu tài sản một cách đúng mức và hợp lý. Vì vậy, một người sở hữu tài sản không được phép chi tiêu như thế nào tùy thích, và việc chi tiêu hoang phí và quá mức hoặc luôn giữ chặt mà không chi cho quyền lợi của người nghèo được coi là hành động của Shaytan.

{Ngươi (hỡi người có đức tin) hãy trao tặng phần quà (xứng đáng) cho họ hàng ruột thịt, cho người thiếu thốn khó khăn và cho khách lỡ đường nhưng chớ đừng hoang phí. Quả thật, những kẻ hoang phí là anh em của Shaytan và Shaytan đối với Thượng Đế của hắn luôn là kẻ vong ơn.}(Chương 17 – Al-Isra’, câu 26, 27)

Thiên Sứ Muhammad nói:

“Quả thật, Allah nghiêm cấm việc bất hiếu với mẹ, giết hại các con gái, keo kiệt, tin đồn, nhiều câu hỏi và lãng phí tiền bạc.”(Albukhari, Muslim)

Tài sản và của cải là phần ban cấp từ nơi Allah, và Ngài cho quyền chúng ta quản lý để chi tiêu và sử dụng nó hợp lý theo qui định của giáo luật, và trong những cách chi tiêu và sử dụng hợp lý và đúng đắn nhất là bố thí cho những người nghèo và người khó khăn.

{Và các ngươi hãy đưa cho họ (món quà) từ tài sản mà Allah đã ban cấp cho các ngươi.}(Chương 24 – Annur, câu 33)

{Và các ngươi hãy chi dùng (cho con đường chính nghĩa của Allah) tài sản mà Ngài đã cho các ngươi thừa hưởng. Do đó, trong các ngươi, những ai đã có đức tin và đã chi dùng tài sản (cho con đường chính nghĩa của Ngài) thì sẽ có được một phần thưởng to lớn.}(Chương 57 – Alhadid, câu 7)

Đó là năm mục tiêu cần thiết, tiêu biểu cho các quyền lợi quan trọng nhất của con người trong cuộc sống mà tất cả các điều luật trong hệ thống giáo luật Islam được qui định để duy trì và đảm bảo chúng.

Ai tuân thủ theo hệ thống giáo luật Islam, Allah sẽ ban niềm vinh dự cho y với sự hạnh phúc trong cuộc sống trần tục và thành đạt ở cõi Đời Sau, ngược lại, người nào không tuân thủ theo chỉ đạo của nó sẽ phải đối mặt với sự bất hạnh trong cuộc sống trận tục tương ứng theo những gì mà y đã nghịch lại với Chỉ Đạo và hệ thống giáo luật công bằng và toàn vẹn của Allah. {alertSuccess}

Ngài phán:

{(Allah) phán với (Adam và Hauwa’): “Cả hai ngươi (và Iblis) hãy đi xuống khỏi đó (Thiên Đàng), thù hằn lẫn nhau. Nhưng nếu có Chỉ Đạo từ TA đến cho các ngươi, ai theo Chỉ Đạo của TA thì sẽ không lầm lạc cũng không bất hạnh.Và ai quay lưng với thông điệp nhắc nhở của TA thì chắc chắn sẽ sống một cuộc sống eo hẹp (bất an, khổ tâm) và vào Ngày Phán Xét TA sẽ phục sinh y trở thành mù lòa.”}(Chương 20 – Taha, câu 123, 124)

Cầu xin Allah hướng dẫn và soi sáng các con tim lành mạnh giác ngộ được Islam, tôn giáo chân lý từ nơi Ngài. Cầu xin Ngài củng cố đức tin của những người tin tưởng nơi Ngài và làm vững chắc bước chân của họ trên con đường trở về với Ngài! Cầu xin Ngài thương xót và tha thứ cho họ, và cầu xin Ngài thu nhận vào Thiên Đàng của Ngài cùng với các vị Thiên Sứ, các vị Nabi và những người có đức tin ngoan đạo! 

Xem thêm: 

 

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan