Tranh cãi quá nhiều là không nên trong Islam

Ngày nay, khi mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, người Muslim cũng tiếp xúc với những cuộc tranh luận nhiều hơn. 

Có những cuộc tranh luận văn minh, nhưng cũng có những cuộc tranh luận thì không như vậy.  

Liệu chúng ta có cần thiết phải tranh luận đến cùng để phân định đúng sai cho bằng được trong mọi trường hợp?


Người Muslim nên tránh tranh luận càng nhiều càng tốt, đặc biệt là tranh luận về các vấn đề trong tôn giáo Islam.

Bởi vì nhiều tranh luận về các vấn đề Islam thường sẽ dẫn đến trái tim chai cứng, cảm giác tồi tệ và thậm chí là thù hận.

Chính vì lẽ này, Thiên Sứ của Allah (saw) đã cảnh báo chúng ta rằng các cộng đồng trước cộng đồng Muslim chúng ta đã đi chệch hướng khỏi con đường của Allah do quá ham tranh luận.Trong một Hadith Sahih do Tirmizdi và Ibnu Ma-jah ghi lại, ông Abu Umamah thuật lại, Thiên Sứ của Allah (saw), cho biết:

“Không ai đi lạc đường sau khi được hướng dẫn ngoại trừ việc họ say mê tranh luận.” Sau đó, Thiên Sứ của Allah (saw)  đọc câu Kinh 58 chương 43 – Azzukhruf:

{Chúng đưa vấn đề đó ra cho Ngươi chỉ vì muốn tranh cãi mà thôi. Không! Chúng đích thực là một đám người thích tranh cãi.}

Xem thêm:

Tình yêu đích thực và chân thành dành cho Thiên Sứ Muhammad

Câu chuyện về lời nói xấu

Những điều Islam cấm kỵ (Những điều người Hồi giáo bị cấm) {alertInfo}

Chúng ta nên bỏ các cuộc tranh cãi sang một bên ngay cả khi chúng ta chắc chắn rằng lập trường của chúng ta là đúng và những người khác là giả dối.

Thiên Sứ của Allah (saw) đã đảm bảo một ngôi nhà ở Thiên Đàng cho những người tránh tranh cãi ngay cả khi họ đúng, Người nói:

“Ta đảm bảo một ngôi nhà ở ngoại ô của Thiên Đàng cho ai từ bỏ tranh cãi ngay cả khi y đúng; và một ngôi nhà ở trung tâm Thiên Đàng cho ai từ bỏ việc nói dối dù là đùa giỡn; và một ngôi nhà thượng cấp của Thiên Đàng cho ai là người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp.” (Abu Dawood ghi lại, Sheikh Al-Albani xác nhận Sahih)

Hadith cho bạn biết rằng nếu bạn đang tranh cãi với người khác về các vấn đề tôn giáo và bạn dừng lại và từ bỏ cuộc tranh cãi mặc dù bạn là người đúng thì Insha-Allah bạn sẽ nhận được một cung điện ở vùng ngoại ô của Thiên Đàng;  và nếu như bạn đang nói dối nhưng bạn dừng lại và từ bỏ việc nói dối đó ngay cả khi bạn chỉ nói đùa cho vui thì Allah sẽ ban thưởng cho bạn một cung điện ở trung tâm của Thiên Đàng; và Allah sẽ ban cho bạn một cung điện ở thứ hạng cao nhất của Thiên Đàng nếu như bạn là người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp trong lời nói và hành động khi cư xử, giao tiếp và tranh luận với mọi người.

Hadith chứng tỏ rằng Allah, Đấng Tạo Hóa, Thượng Đế  của chúng ta thực sự nhân từ và rộng lượng như thế nào. Hadith này rất quan trọng trong cách chúng ta ứng xử với tư cách là người Muslim; chúng ta phải nhớ rằng cách cư xử là nền tảng trong Islam. 

Khi ở nơi công cộng, chúng ta phải nhớ rằng mọi người sẽ đánh giá hành vi của chúng ta, vì vậy, điều quan trọng là phải nêu gương tốt về đạo đức và nhân cách của người Muslim và phải thể hiện sự hòa bình thực sự của Islam.

Bạn là người Muslim, khi Allah cho bạn bước đi trên con đường Sunnah của Thiên Sứ (saw) và đó thực sự là điều chân lý, là điều vô cùng cao quý và vinh dự, và không có gì lạ khi bạn có niềm tin mãnh liệt đến mức đôi khi bạn không thể không tranh cãi bất cứ ai nói ngược lại với những gì bạn tin tưởng.

Niềm tin này là một thuộc tính rất tích cực cho một người Muslim đến gần vời Allah hơn, nhưng đừng để nó trở thành một thuộc tính tiêu cực như được nói trong Hadith của Thiên Sứ Muhammad.

Đôi khi chúng ta cần tranh luận để tìm ra sự thật, tranh luận nhằm mục đích truyền bá kiến thức, tranh luận để mọi người hiểu đúng về tôn giáo của mình, nhưng điều rất quan trọng là bạn phải làm điều đó một cách ôn hòa, và nếu biết dừng lại đúng lúc, đúng thời điểm là điều rất tốt.

Có một người sau khi trở thành một tín đồ Muslim, đức tincủa anh ta rất mạnh mẽ, nhưng anh ta đã để sự thay đổi tích cực đó trong cuộc sống của mình gần như trở thành tiêu cực. Anh ta trở nên rất phòng thủ nếu một người hỏi anh ta những câu hỏi về tôn giáo và anh ta thường sẽ trả lời đột ngột gần như khiến người hỏi sợ hãi.

Nếu mục đích của chúng ta là truyền bá kiến thức về Islam, hãy cố gắng tỏ ra mời gọi hơn và ít phòng thủ hơn, vì điều này chắc chắn sẽ đẩy mọi người ra xa Islam hơn.

Hạn chế tranh cãi trở nên đặc biệt khó khăn khi chúng ta cố gắng giải thích một vấn đề với một người Muslim thiếu hiểu biết, đặc biệt nếu họ không có tư tưởng cởi mở tiếp nhận sự thật.

Trong nhiều trường hợp, chúng tađã trở nên vô cùng thất vọng với họ khi tranh luận, chúng ta đã cố gắng nói với họ một cách bình tĩnh nhưng nó thường rơi vào tai điếc.

Nỗi thất vọng của chúng ta càng lớn, chúng ta càng cãi vã và chúng ta sẽ luôn thúc đẩy và thúc đẩy cho đến khi họ chấp nhận điều mà chúng ta muốn thuyết phục họ hoặc họ lùi bước, và đây không phải là điều mà Allah và Thiên Sứ Muhammad (saw) muốn chúng ta làm.

Có thể bạn cảm thấy khó khăn và áp lực khi bị đối phương đặt câu hỏi ngay tại chỗ mà bạn không biết câu trả lời. Không sao cả, nếu bạn không biết câu trả lời, đừng bịa đặt vì sự trung thực của bạn sẽ đáng được khen thưởng hơn, bạn chỉ đơn giản là xin lỗi và nói rằng bạn không biết.

Và đặc biệt đối với kiến thức tôn giáo, các Hadith của Thiên Sứ (saw) thì bạn cần phải tuyệt đối trung thực, nếu bạn bịa đặt, thêm bớt thì đó là một đại trọng tội. Thiên Sứ của Allah (saw) đã cảnh báo về điều này, Người nói:

“Các ngươi chớ bịa đặt lời nói (hoặc hành động) của Ta, bởi quả thật, ai bịa đặt lời nói (hoặc hành động) của Ta sẽ vào Hỏa Ngục.” (Albukhari, Muslim)

Người Muslim cần luôn tự hỏi bản thân câu hỏi này trước một cuộc tranh cãi:

Bạn đang cố chứng tỏ mình với ai? Với mọi người? Chính bạn? Allah?

Hãy biết rằng Allah biết những gì trong trái tim bạn và những gì bạn thực sự tin tưởng.

Người Muslim chân chính và hiểu được lời dạy của Thiên Sứ (saw) sẽ không cố gắng tranh luận với một kẻ thiếu hiểu biết không muốn tìm ra sự thật.

Nếu bạn biết rằng những gì bạn đang nói là đúng thì việc tranh luận là không cần thiết. Allah sẽ ban thưởng cho sự kiên nhẫn của bạn nhiều hơn những gì Ngài sẽ làm trong lập luận của bạn.

Các bậc tiền bối chính trực và ngoan đạo – Salaf Salih - kiên quyết cấm tranh cãi vì nó dẫn đến sự nhầm lẫn, nghi ngờ và hủy hoại tinh thần.

Imam Malik (saw) đã nói: “Sự tranh cãi về kiến thức thiêng liêng khiến ánh sáng kiến thức tắt lịm trong trái tim của một người.” Và ông cũng nói: “Sự tranh cãi về kiến thức thiêng liêng khiến trái tim chai cứng và nảy sinh lòng hận thù.” (Nguồn: Jami’a Al-‘Ulūm Wal-Hikam 1/248)

Imam Asshafi’I đã nói: “Tranh luận về kiến thức thiêng liêng khiến trái tim chai cứng và sinh ra sự phẫn uất.” (Nguồn: Al-Madkhal Ila Assunan Al-Kubra 178)

Những bậc tiền bối chính trực của Islam hoàn toàn có khả năng tranh luận và giành chiến thắng trước đối thủ của mình, nhưng họ từ chối làm điều đó vì lòng Taqwa và lưu tâm đến Allah.

Ibn Rajab nhận xét về thực hành này, nói rằng: “Việc các bậc tiền bối chính trực và các Imam không tham gia vào các cuộc tranh cãi và tranh luận quá mức không phải do sự thiếu hiểu biết hoặc không có khả năng, mà là họ giữ im lặng do sự hiểu biết và sợ Allah. Những người của thế hệ sau này thường nói nhiều và đi sâu vào các vấn đề, họ làm như vậy không phải vì họ có nhiều kiến thức hơn các Imam tiền bối chính trực, mà là do họ thích nói và thiếu cẩn trọng.” (Nguồn: Fadl Al‘Ilm ¼)

Phương pháp đúng đắn để bảo vệ Islam khỏi các đối thủ của nó là phải rõ ràng trong việc truyền tải thông điệp và giáo lý thực sự của Islam bằng những lời rao giảng hay và không gây ra những tranh cãi gay gắt với họ. Chúng ta nên tử tế, nhẹ nhàng và duyên dáng trong lời ăn tiếng nói và khôn ngoan trước điều kiện xã hội và những hiểu lầm của họ về Islam.Allah Toàn Năng và Tối Cao phán:

{(Hỡi Thiên Sứ Muhammad!) Ngươi hãy mời gọi đến với con đường Thượng Đế của Ngươi bằng sự khôn ngoan, và lời khuyên tốt đẹp; và Ngươi hãy tranh luận với họ theo cách tốt nhất có thể. Quả thật, Thượng Đế của Ngươi biết rõ nhất ai là kẻ lệch xa khỏi con đường của Ngài và Ngài biết rõ nhất ai là người được hướng dẫn (đúng đường).} (Chương 16 - Annahl, câu 125)

Học giả Ibn Kathir giảng giải câu này, nói với ý nghĩa rằng nếu ai muốn tranh luận thì hãy làm điều đó bằng một cách tốt nhất với lòng nhân từ, hòa nhã và bằng sự giảng giải tốt.

Chúng ta nên đáp lại những lập luận sai lầm của họ bằng cách cư xử đàng hoàng và lôi kéo họ vào cuộc thảo luận văn minh nếu họ thể hiện sự chân thành, nhưng chúng ta nên bỏ họ nếu cuộc thảo luận trở nên gay gắt và không có kết quả. Nếu họ chấp nhận thông điệp của Islam thì điều đó tốt cho họ, nhưng nếu họ từ chối thông điệp thì họ nên được yên. Allah Toàn Năng và Tối Cao phán:

{Nếu chúng quay đi thì thật ra nhiệm vụ của Ngươi (hỡi Thiên Sứ Muhammad) chỉ là truyền đạt (thông điệp) rõ ràng.} (Chương 16 - Annahl, câu 82)

Haytam Bin Jamil đã nói với Imam Malik: “Nếu một người có kiến thức về truyền thống của Thiên Sứ (saw) (Sunnah của Người), anh ta có nên tranh luận để bảo vệ nó không?” Imam Malik nói: "Không, đúng hơn là anh ta nên truyền đạt Sunnah nếu họ có thể chấp nhận nó từ anh ta, nếu không, anh ta nên giữ im lặng.” (Nguồn: Jami’a Al-‘Ulūm Wal-Hikam 1/248)

Sự im lặng đúng thời điểm và đúng hoàn cảnh sẽ có lợi hơn việc lên tiếng có thể gây ra vấn đề tiêu cực. Và đôi khi im lặng lại có sức mạnh hơn cả lời nói. Có những trường hợp sử dụng lý luận, vũ khí, trí tuệ cũng không bằng sử dụng sự im lặng.

Sức mạnh của sự im lặng không phải là công thức có thể áp dụng trong tất cả mọi tình huống, nhưng đối với những trường hợp có rất nhiều vấn đề tranh cãi hay hơn thua, sử dụng lý luận, trí tuệ cũng không bằng sử dụng sự im lặng.

Thiên Sứ của Allah (saw) nói:

“Ai có đức tin nơi Allah và Đời Sau thì hãy nói lời tốt đẹp hoặc hoặc hãy im lặng.” (Albukhari, Muslim)

Một người tranh cãi một cách không kiểm soát có thể dẫn tới lời nói sàm bậy, chửi bới, la hét là người đang chứng minh sự yếu đuối của mình, sự bất lực của mình, chứ không phải là kẻ mạnh. Người nào muốn chứng minh nhiều chừng nào thì người đó yếu chừng ấy.

Khi chúng ta tranh luận với những con người chỉ khiến chúng ta thấy tức giận chứ không thấy điều gì tốt đẹp. Đó chính là những cuộc tranh luận không cần thiết, chúng ta không cần phí thời gian của bản thân để đôi co với những người vốn đã chẳng muốn tiếp thu điều gì khác ngoài quan điểm của họ.

Một con sư tử cha trông thấy một con chó điên liền nhanh chóng tránh mặt. Sư tử con nói: “Cha dám sống chết đánh nhau với hổ, cùng báo so tài. Sao lại tránh né một con chó điên, như vậy có phải mất mặt lắm không!” Sư tử hỏi: “Con thấy đánh thắng một con chó điên vinh quang lắm sao?” Sư tử con lắc đầu. Sư tử cha tiếp lời “Và nếu lại để chó điên cắn thì có phải là xui xẻo không?” Sư tử con gật đầu. Sư tử cha nói: “Như vậy, chúng ta trêu trọc chó điên làm gì?”

Đây là câu chuyện thí dụ, và bài học từ câu chuyện là, người nào đó không xứng làm đối thủ của bạn, bạn không cần đánh nhau với người đó, và khi bạn tranh luận với những người không có tố chất đạo đức và văn minh, chỉ cần mỉm cười rời xa họ, đừng để cho họ cắn bạn. Có một câu nói rất hay rằng kẻ thiển cận khó tiếp thu và sự tranh luận chỉ dành cho những con người tương kính. Thế nên, bạn không cần phí sức tranh luận với những người không tiếp thu cũng như không đủ tầm là đối thủ của bạn.

Những lời dạy của Thiên Sứ (saw) luôn rất quan trọng trong cuộc sống của người Muslim chúng ta. Chúng ta được khuyến khích thực hiện những lời dạy của Người (saw) trong cuộc sống hàng ngày của mình. Thiên Sứ Muhammad (saw)  là người có phẩm chất đạo đức tốt nhất trong nhân loại, và Người là một hình mẫu mà chúng ta nên khao khát đi theo.

Tóm lại, người Muslim chúng ta hãy nên tránh tham gia vào các cuộc tranh luận chi tiết và gay gắt với các tín đồ của các tôn giáo hoặc giáo phái khác trong Islam. Điều này sẽ chỉ làm lu mờ vẻ đẹp của tôn giáo Islam và khiến chúng ta có nguy cơ rơi vào tình trạng kiêu ngạo, khoe mẽ và đạo đức giả. Đúng hơn, chúng ta phải mời mọi người đến với Islam theo cách tốt nhất và với cách cư xử tốt nhất.

Cầu xin Allah hướng dẫn và soi sáng, cầu xin Ngài tha thứ và xí xóa những sai lầm của bầy tôi. Cầu xin Ngài ban cho bầy tôi thêm kiến thức hữu ích và sự khôn ngoan.  Mọi thành công đều ở nơi Ngài và Ngài là Đấng hiểu biết hơn hết!

Xem video: Tranh cãi quá nhiều là không nên

Mới hơn Cũ hơn
Bài viết liên quan