Hadith 23: Abu Huroiroh kể: Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam – được hỏi về điều gì giúp được vào Thiên Đàng nhiều nhất? Người đáp:
{Lòng Taqwa (kính sợ
Allah) và đạo đức tốt.} (Ibnu Mãjah).
Phân tích Hadith: Hadith
là bằng chứng cho giá trị của lòng Taqwa và phẩm chất đức tính tốt, đây là hai
nguyên nhân chính giúp cho đa số người vào Thiên Đàng là bởi hai nguyên nhân
này.
Các bài học từ Hadith
1- Nguyên nhân và hành động giúp được
vào Thiên Đàng phải tuân thủ theo giáo luật đã qui định.
2- Trong những nguyên nhân giúp vào
được Thiên Đàng liên quan đến Allah chính là lòng Taqwa như Hadith đã đề cập và
trong những nguyên nhân liên quan đến tạo vật (trong đó có con người) chính là
phẩm chất đạo đức tốt.
3- Trong Hadith nhấn mạnh giá trị
vĩ đại của lòng Taqwa, rằng đó là nguyên nhân được vào Thiên Đàng.
4- Giá trị của phẩm chất đạo đức tốt
còn trội hơn việc siêng năng hành đạo, đây cũng là nguyên nhân giúp được vào
Thiên Đàng.
Hadith 24:
Ông ‘Abdullah bin ‘Umar thuật lại lời
Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam
– đã nói:
{Tính e thẹn là (phần
nhánh) của đức tin.} (Mãlik)
Phân tích Hadith: Tính
e thẹn, biết xấu hổ là một nhánh của đức tin bởi lẽ người có bản tính biết xấu
hổ khiến họ biết kiểm soát bản thân không vi phạm tiều tội lỗi, thấy họ luôn
hoàn thành các bổn phận và nghĩa vụ về hành đạo. Bản tính này có ảnh hưởng tốt
đến đức tin nơi Allah Tối Cao khi nó được lấp đầy con tim, nhất là khi nó ngăn
cản con người vi phạm tội lỗi sẽ thoi thúc họ hoàn thành tốt các bổn phận hành
đạo. Chính vì lẽ này, bản tính xấu hổ được xem là một nhánh của đức tin khi nó
tác động tích cực đến người bề tôi.
Các bài học từ Hadith
1- Khuyến khích rèn luyện có được bản
tính biết xấu hổ bởi điều đó là đức tin.
2- Sự xấu hổ là đức tính tốt khiến
con người hướng đến điều tốt đẹp và biệt tự từ bỏ điều xấu xa.
3- Quả thật, đức tính ngăn cản con
người không làm điều tốt đẹp không được gọi là xấu hổ, đúng hơn phải gọi là nhu
nhược, bất lực, tủi nhục, khiếm khuyết, hèn nhát.
4- Bản tính xấu hổ với Allah giúp
con người hoàn thành tốt trách nhiệm và từ bỏ điều Haram, còn đối với con người
thì biết tôn trọng và đặt họ vào đúng vị trí của họ.
Hadith 25:
Ông An-Nu’aman bin Bashir thuật lại lời
của Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã
nói:
{Thật ra, cầu xin là
thờ phượng.} (Ahmad) Và theo Hadith của Anas dẫn thì:
{Cầu xin là bộ não của
thờ phượng.} (At-Tirmizdi).
Phân tích Hadith: Cầu
xin là thờ phượng: Cho thấy việc cầu xin Allah Tối Cao chính là nền tảng của
hình thức thờ phượng mà vạn vật hướng về Ngài, bởi lẽ khi con người rơi vào
tình thế bế tắc, không còn bất cứ tia hi vọng nào thì họ lại hướng lời cầu xin
thẳng đến Allah duy nhất, và trong tâm khảm của họ lúc bấy giờ họ không thèm
ngó ngàng đến bất cứ ai khác, họ nhận thấy chỉ có Allah mới có thể giúp đỡ được
họ mà thôi, Ngài nghe thấy được lời thỉnh cầu và Ngài toàn năng trên tất cả mọi
việc. Đây mới thật sự là hình thức thờ phượng và là cốt lõi của Tawhid (chỉ thờ
Allah duy nhất). Còn câu cầu xin là bộ não của thờ phượng, nghĩa là cốt lõi và
linh hồn hình thành nên hình thức thờ phượng chính là cầu xin giống như con người
không thể sống nếu không có não.
Các bài học từ Hadith
1- Quả thật, cầu xin là hình thức
thờ phượng vĩ đại nhất.
2- Quả thật, cầu xin là nền tảng và
là linh hôn của thờ phượng, cho nên, chỉ có cầu xin mới tạo nên hình thức thờ
phượng.
3- Khuyến khích việc cầu xin Allah.
4- Tận dụng thời gian mà cầu xin
trong mọi thời điểm bởi trong nó hàm chứa việc tụng niệm bằng lời và hạ thấp
mình trước Allah.
5- Quả thật, lời cầu xin bao gồm
hình thức thờ phượng thật sự và việc chứng nhận sự giàu có của Thượng Đế và quyền
năng của Ngài, cũng như sự hạ mình của nô lệ trước Ngài.
6- Việc cầu xin giúp nô lệ càng được
gần với Thượng Đế của y hơn. Điều này chứng nhận quyền lợi của Ngài và kiến thức
bao quát của Ngài với tất cả mọi vật, cũng như thể hiện sự bất lực của một nô lệ.
Hadith 26:
Ông Abu Huroiroh thuật lại lời của Thiên
Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam –
đã nói:
{Hai câu tụng niệm nhẹ
bổng trên lưỡi, lại nặng trên bằng cân (công đức) và được Đấng Ar-Rahman yêu thích:
Sub haa nol lo hi wa bi ham dih, sub haa nol lo hil ‘a zh.ĩ.m.}
Al-Bukhari và Muslim.
Phân tích Hadith:
Nabi – Sollollohu
‘alaihi wasallam – cho biết trong Hadith này rằng Thượng
Đế của chúng ta, Ar-Rahman – Đấng Độ Lượng – yêu thích hai câu tụng niệm với ít
âm tiết nhưng lại có sức nặng lạ thường trên bàn cân công đức trong Ngày Phán
Xét cuối cùng, đó là hai câu: Sub haa nol lo hi wa bi ham dih, sub haa nol lo
hil ‘a zh.ĩ.m, bởi trong hai câu tụng niệm này có đầy đủ lời tụng niệm Allah Tối
Cao và xoá sạch mọi thứ thiếu sót không phù hợp với sự cao thượng của Allah và khẳng
định việc xoá bỏ này bằng một thuộc tính vĩ đại.
Các bài học từ Hadith
1- Được phép khích lệ việc học thuộc
lòng với điều kiện không quá đáng.
2- Giá trị của hai câu tụng niệm về
Allah – Toàn Năng và Vĩ Đại -.
3- Xác định thuộc tính yêu thương của
Allah – Toàn Năng và Vĩ Đại – trên phương diện phù hợp với Ngài.
4- Xác định danh xưng Ar-Rahman của
Allah nghĩa là Đấng Độ Lượng.
5- Khích lệ tụng niệm bằng lời lẽ
ít ỏi này nhưng lại được nhiều ân phước.
6- Quả thật, lời tụng niệm có giá
trị trên lệch nhau, theo đó ân phước mang lại cũng trên lệch nhau.
7- Xác định về bàn cân là điều có
thật.
8- Khuyến khích việc khích lệ làm
điều gì đó thì nên kèm cùng giá trị mang lại cho việc làm đó.
Hadith 27:
Ông Abu Huroiroh thuật lại lời Thiên Sứ
của Allah – Sollollohu
‘alaihi wasallam – đã nói:
{Không có điều gì được
Allah tôn trọng hơn lời cầu xin.} (Ahmad).
Phân tích Hadith:
{Không có điều gì được Allah tôn trọng hơn lời cầu
xin}, bởi lẽ đây là nền tảng của thờ phượng và là mục đích mà Allah
đã tạo ra vạn vật (trong đó gồm có con người). Việc thờ phượng chứng tỏ quyền uy
nghi của Allah và kiến thức sau rộng của Ngài, cũng như thể hiện sự bất lực của
bên cầu xin và sự nghèo yếu của họ. Theo đó, cầu xin là điều được Allah – Toàn
Năng và Vĩ Đại - tôn vinh nhất trong tất cả mọi thứ.
Các bài học từ Hadith
1- Giá trị của việc cầu xin, đó là
điều có giá trị nhất, cao quí nhất ở nơi Allah Tối Cao.
2- Khuyến khích việc cầu xin và cố
gắng cầu xin thường xuyên hơn nhất là khi biết được đây là điều được Allah Tối
Cao tôn vinh nhất trong mọi thứ.
Hadith 28:
Ông Abu Huroiroh thuật lại lời Thiên Sứ
của Allah – Sollollohu
‘alaihi wasallam – đã nói:
{Không bao giờ tiền bố
thí bị thất thoát; không một người nào biết dung thứ lỗi lầm của người khác ngoại
trừ được Allah tăng thêm cho vinh dự và không một người nào biết khiêm tốn vì
Allah ngoại trừ được Ngài nâng y lên.} As-Samraqindi.
Phân tích Hadith:
Câu {Không
bao giờ tiền bố thí bị thất thoát} nghĩa
là khi tiền bố thí cho đi không bị mất mác, thiếu hụt bao giờ, ngược lại sẽ được
gia tăng hoặc là về số lượng như được Allah mở thêm cho các cánh cửa bổng lộc hoặc
là về hình thức như được Allah ban cho hồng phúc giúp cho mức lượng tiền tăng
lên nhiều hơn mức lượng trước khi bố thí. Câu {không một người nào biết dung thứ lỗi lầm của người khác
ngoại trừ được Allah tăng thêm cho vinh dự}
đối với người hiểu được ý nghĩa việc dung thứ và bỏ việc chấp nhất người khác,
đó là người có tấm lòng quãng đại giúp họ được tôn trọng ở trần gian và Đời
Sau. Câu {và không một người nào biết khiêm
tốn vì Allah ngoại trừ được Ngài nâng y lên}
những ai hạ mình vì Allah, biết khuất phục trước Allah và biết cư xử tế nhị với
mọi người, biết khiêm tốn trước đồng đạo Muslim, với những đức tính này giúp
tín đồ nhận được thiện cảm từ người xung quanh và đạt được vị trí cao ngất nơi
Thiên Đàng.
Các bài học từ Hadith
1- Khuyến khích việc bố thí.
2- Bố thí là nguyên nhân giúp tiền
bạc được bảo vệ, được gia tăng và được thêm hồng phúc.
3- Sự gia tăng về tiền bạc theo hai
cách hoặc là về số lượng như được Allah mở thêm cho
các cánh cửa bổng lộc hoặc là về hình thức như được Allah ban cho hồng phúc
giúp cho mức lượng tiền tăng lên nhiều hơn mức lượng trước khi bố thí.
4- Khuyến khích dung thứ với người
làm xấu.
5- Khuyến khích khiêm tốn.
6- Thật ra, khiêm tốn không phải là
nhục nhã như một vài người thường nghĩ, mà đó chính là vinh quang như Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam –
đã thông tin.
7- Đây là giá trị của khiêm tốn
dành cho những ai thành tâm vì Allah chứ không muốn thể hiện.
8- Quả thật, sự vinh quang và sự đề
cao nằm trong tay Allah Hiển Vinh và Tối Cao, Ngài muốn ban cho ai theo ý Ngài
khi người đó tạo ra đủ lý do.
Hadith 29:
Ông Abu Ad-Darda’ thuật lại lời Thiên Sứ
của Allah – Sollollohu
‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ai bảo vệ danh dự
cho người anh em của mình, được Allah bảo vệ gương mặt của y khỏi Hoả Ngục
trong Ngày Tận Thế.} (Ahmad và At-Tirmizdi).
Phân tích Hadith:
Trong Hadith khẳng định giá trị trước hành động bảo vệ danh dự cho đồng đạo
Muslim. Theo đó, khi những người đang có mặt nói xấu người Muslim vắng mặt thì
ngăn chặn ngay, dập tắt ngay, loại trừ ngay điều xấu xa này. Còn như để mặt cho
người đó tự do khua môi múa mép là xem như danh dự của người anh em Muslim kia
bị hạ nhục. Bằng chứng cho việc xứng đáng bảo vệ danh dự cho người Muslim vắng
mặt khi bị nói xấu là Hadith của bà Asma’ bintu Yazid thuật lại lời Thiên Sứ của
Allah – Sollollohu
‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ai bảo vệ thịt của
người anh em mình khỏi lời nói xấu là người đó được Allah phóng thích khỏi Hoả
Ngục.} Do Ahmad ghi và được Al-Albani xác nhận là Sahih.
Các bài học từ Hadith
1- Ân phước này dành riêng cho trường
hợp người anh em Muslim kia vắng mặt khi đang bị nói xấu.
2- Quả thật, ân phước được ban thưởng
dựa trên việc đã làm, vì vậy, ai bênh vực danh dự của đồng đạo Muslim được
Allah bảo vệ y khỏi Hoả Ngục.
3- Khẳng định sự tồn tại của Hoả Ngục
và Ngày Tận Thế.
Hadith 30:
Ông Abu Huroiroh thuật lại lời Thiên Sứ
của Allah – Sollollohu
‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ai
nói: Sub haa nol lo hi wa bi ham dih một trăm lần là người đó được xoá cho tội
lỗi của mình dẫu cho nó có nhiều như bọt biển.} Ibnu Mãjah.
Phân tích Hadith:
Hadith là bằng chứng cho giá trị của lời tụng niệm này, và phải tụng niệm đúng
theo nguyên văn. Đối với ai thực hiện được như thế thì Allah xoá bỏ lỗi lầm của
y cho dù có nhiều ra sao, thậm chí có nhiều như bọt biển. Một đặc ân của Allah
dành cho đám bầy tôi tụng niệm Ngài. Đây là một trong các lời tụng niệm mỗi
sáng và mỗi chiều, như được đề cập ở Hadith của Abu Huroiroh thuật lại lời mà
Thiên Sứ của Allah –
Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ai tụng niệm lúc bình
minh lên Sub haa nol lo hi wa bi ham dih một trăm lần và lúc chiều xuống cũng tương
tự, thì vào Ngày Tận Thế không còn ai tốt hơn điều người đó đã làm ngoại trừ ai
đó tụng niệm như người đó hoặc nhiều hơn.} (Muslim).
Các bài học từ Hadith:
1- Sở dĩ lời tụng niệm này có giá trị cao
như thế là bởi trong lời tụng niệm gồm cả tụng niệm Allah và thanh lọc những thứ
không phù hợp với Allah từ những điều thiếu sót và xấu xa.
2- Theo nội dung của Hadith thì người
nói đủ một trăm lần câu tụng niệm này trong ngày không phân biệt là nói liên tiếp
hoặc chia ra nhiều lần nhỏ giống như nói vào buổi sáng một ít và một ít khác
nói vào cuối buổi tối chẳng hạn.
3- Câu: {Ai nói …} là bằng chứng bác bỏ việc ai đó cho rằng con người
bị ép buộc làm điều gì đó mà không có sự lựa chọn nào khác.
Hadith 31:
Ông Abu Ayyub
thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ai nói: Laa i laa ha il lol lo hu wah da hu laa sha ri ka lah,
la hul mul ku, wa la hul ham du, wa hu wa 'a la kul li shay in qo d.ĩ.r mười lần
sau Salah Fajr là giống như người đó đã trả tự do được bốn nô lệ trong con cháu
Isma'el.} Musnad Ash-Shãshi.
Phân tích Hadith:
Hadith là bằng chứng khẳng định giá trị của câu tụng
niệm bởi sự chứng nhận Tawhid (chỉ thờ Allah duy nhất), cho nên, khi mà ai tụng
niệm câu này mười lần và hiểu rõ ý nghĩa, thực hành theo yêu cầu của lời tụng
niệm thì y được ân phước giống như việc thả tự do cho bốn nô lệ của dòng tộc
Isma’el con trai của Ibrahim vậy.
Các bài học từ Hadith
1- Giá trị của lời tụng niệm này
khi mà nó gồm có câu chứng nhận Tawhid, nền tảng cốt lõi của Islam.
2- Allah Hiển Vinh và Tối Cao là Đấng
Độc Nhất toàn quyền được thờ phượng, thống trị và được ca ngợi.
3- Quả thật, quyền thống trị của
Allah là tuyệt đối và quyền đáng được tạ ơn là mãi mãi và Ngài toàn năng trên tất
cả mọi thứ.
4- Trong lời tụng niệm này không có
thêm “Yuhyi wa Yum.ĩ.t”.
5- Trong Hadith bảo đọc mười lần
cho thấy không yêu cầu phải đọc liên tục, được phép đọc cách khoảng.
6- Trong Hadith cho thấy người Ả-rập
vẫn trở thành nô lệ khi xảy ra nguyên nhân.
7- Giá trị của người Ả-rập hơn người
khác, bởi họ thuộc dòng dõi Isma’el.
Hadith 32:
Ông Mu-’ãwiyah bin Abi Sufyan thuật lại
lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Allah muốn cho ai được
tốt lành, Ngài ban cho y sự thấu hiểu về tôn giáo.} (Al-Bukhari và Muslim)
Phân tích Hadith: Khi
Allah muốn ai đó được điều tốt đẹp, điều hữu ích là Ngài phù hộ người đó thông
thạo về giáo luật Shari’ah, nhận thức sâu rộng về nó. Giáo luật thực hành mang
hai ý nghĩa: Thứ nhất: Kiến thức về bộ luật Shari’ah về hành đạo với bằng chứng
cụ thể như giáo luật thờ phượng và giao dịch xã hội. Thứ hai: Kiến thức toàn diện
về tôn giáo của Allah Tối Cao, gồm cả các nền tảng của đức tin, các giáo luật
Islam, am hiểu về Halal, Haram, đạo đức và lễ nghĩa.
Các bài học từ Hadith
1- Hadith là bằng chứng vĩ đại cho
việc học hỏi kiến thức tôn giáo Islam và khuyến khích đến với nó.
2- Giáo luật thực hành mang hai ý
nghĩa: Thứ nhất: Kiến thức về bộ luật Shari’ah về hành đạo với bằng chứng cụ thể
như giáo luật thờ phượng và giao dịch xã hội. Thứ hai: Kiến thức toàn diện về
tôn giáo của Allah Tối Cao, gồm cả các nguồn gốc của đức tin, các giáo luật
Islam, am hiểu về Halal, Haram, đạo đức và lễ nghĩa.
3- Một ý nghĩa khác từ Hadith cho
thấy ai ngoãnh mặt với việc học hỏi kiến thứ Islam chứng tỏ Allah đã không muốn
cho người đó hưởng được điều tốt đẹp.
4- Tận sức học hỏi kiến bởi được
Allah yêu thích, nhất là khi Allah muốn cho ai đó được điều tốt đẹp là Ngài phù
hộ cho người đó tiếp thu được kiến thức và am hiểu về tôn giáo.
5- Quả thật, việc am hiểu về tôn
giáo là điều đáng ca ngợi và việc am hiểu về điều khác ngoài tôn giáo thì không
khen cũng không chê, ngoại trừ am hiểu về mặt hữu ích thì được khen và am hiểu
về mặt xấu là chê trách.
Hadith 33:
Ông Sa'd bin Abi Waqõs
thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Quả thật, Allah yêu thương người bề tôi có lòng Taqwa, giàu có
và kín đáo.} (Muslim).
Phân tích Hadith:
Thiên Sứ của Allah trình bày thuộc tính của một người
được Allah - Toàn Năng và Vĩ Đại - yêu
thương là {người bề tôi có lòng Taqwa,
giàu có và kín đáo}. {Có lòng Taqwa}
là biết kính sợ Allah, luôn tuân thủ theo các mệnh
lệnh của Ngài và tránh xa những điều Ngài nghiêm cấm; {giàu có} ở đây ý
nói bản thân người đó luôn tự lực cánh sinh, không dựa dẫm và cầu xin lòng thương
hại người khác, họ không hạ mình trước người khác mà họ chỉ hạ mình và hướng về
Thượng Đế của họ; còn {kín đáo} có nghĩa là không quan tâm đến việc có được xuất hiện
trước công chúng hoặc lời bình luận của công chúng về mình.
Các bài học từ Hadith
1- Giá trị việc xa lánh sự đời cùng
với việc luôn thần phục Allah khi lo sợ cám dỗ và thiên hạ thối nát.
2- Trình bày các thuộc tính giúp bầy
tôi có được lòng thương yêu của Allah, gồm Taqwa, khiêm tốn và hài lòng với những
gì được Allah ban cho.
3- Xác định thuộc tính thương yêu của
Allah – trên phương diện phù hợp với uy nghiêm của Ngài – và thật ra, Allah
thương yêu bề tôi tuân lệnh Ngài.
Hadith 34:
Ông Jãbir kể: Lúc chúng tôi đang ở cùng
Nabi – Sollollohu
‘alaihi wasallam –, Người đưa mắt nhìn lên mặt trăng
trong đêm rằm mà nói:
{Chắc chắn các người
sẽ tận mắt nhìn thấy Thượng Đế của mình giống như các người nhìn thấy mặt trăng
này vào đêm rằm không có gì che khuất, để đuọc thế các người đừng bỏ lỡ (hai) lễ
nguyện Salah trước mặt trời mọc và trước khi nó lặn xuống. Các người hãy làm
như thế.} Ahmad. Theo đường dẫn khác ghi: “Người
đã nhìn lên mặt trăng vào đêm mười bốn (lịch Islam).”
Phân tích Hadith: Ông
Jãbir bin ‘Abdullah kể lúc mọi người đang ở cùng với Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam –
thì Người ngước nhìn lên mặt trăng rằm – đêm mười bốn (theo lịch Islam) – mà
nói: {Chắc chắn các người sẽ tận mắt nhìn thấy
Thượng Đế của mình giống như việc các người đang nhìn thấy mặt trăng này}
nghĩa là trong Ngày Tận Thế, người có đức tin khi đã vào Thiên Đàng sẽ được tận
mắt nhìn thấy Allah giống như cảnh tượng con người nhìn thấy được kỹ càng về mặt
trăng trong đêm rằm, tất nhiên Hadith không có nghĩa Allah giống như mặt trăng.
Bởi lẽ, Allah không tương đồng với bất cứ vật thể nào khi mà Ngài vĩ đại nhất,
chẳng qua hình ảnh so sánh này muốn giải thích về hình thức nhìn chứ không liên
quan đến vật nhìn. Tương tự như việc con người nhìn thấy mặt trăng trong đêm rằm
là cách nhìn thật sự không có sự phản chiếu, theo đó người có đức tin được nhìn
Thượng Đế của mình bằng cách nhìn trực tiếp bằng mắt của mình mà không hề có sự
phản chiếu nào. Và một sự hưởng thụ tuyệt vời nhứt trong tất cả mọi sự hưởng thụ
nơi Thiên Đàng chính là được ngắm nhìn sắc diện của Allah Toàn Năng và Vĩ Đại mà
không một sự hưởng thụ nào tương đồng. Ngay liền sau đó Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam –
nói về nguyên nhân giúp tín đồ có đức tin có được cơ hội nhìn được Thượng Đế của
mình bằng cách {miễn sao các người không bị đánh
bại bởi (hai) lễ nguyện Salah trước mặt trời mọc và trước khi nó lặn xuống. Các
người hãy làm như thế} nghĩa là các người hãy hoàn thành tốt hai lễ
nguyện này trên hình thức hoàn thiện nhất là cùng với tập thể. Đây cũng là bằng
chứng khẳng định ai duy trì tốt hai lễ nguyện Salah Fajar và ‘Asr là đã có được
cơ hội nhìn ngắm được Allah Toàn Năng và Vĩ Đại.
Các bài học từ Hadith
1- Nói lên sự nổ lực của Sahabah về
việc họ rất tranh thủ đến ngồi cùng Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam –.
2- Khẳng định một tin mừng báo trước
cho người có đức tin rằng họ sẽ được nhìn thấy Allah Tối Cao trong Ngày Tận Thế.
3- Khẳng định cái nhìn thật sự, giống
như Allah và Thiên Sứ của Ngài báo trước, trái ngược với những lời suy luận của
nhóm người lệch lạc.
4- Giá trị của lại lễ nguyện Salah
Fajar và ‘Asr, nên cần phải được bảo vệ tối đa.
5- Sở dĩ nhấn mạnh hai lễ nguyện
Salah này bởi đây là hai thời điểm giao ca của hai nhóm Thiên Thần, mang hành động
của con người lên trình diện Allah, vì vậy đây là thời điểm có giá trị vĩ đại.
6- Một phương pháp dùng để truyền đạt
kiến thức là kết hợp giữa nhấn mạnh và khích lệ.
Hadith 35:
Ông Anas bin Malik đã kể:
{Quả thật trước đây, Nabi
– Sollollohu
‘alaihi wasallam – đã không từ chối dầu
thơm.} Al-Bukhari và Muslim.
Phân tích Hadith:
Trong những các ứng xử của Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam – là không từ chối
khi được tặng dầu thơm, bởi sự nhỏ gọn nhưng lại có hương thơm giống như được
ghi ở đường dẫn khác.
Các bài học từ Hadith
1- Khuyến khích nhận quà là dầu
thơm, bởi không khó mang đi và cũng không dùng nhiều sức để nhận nó.
2- Trong những sở thích cao đẹp của
Nabi – Sollollohu
‘alaihi wasallam – là thích dầu thơm và không từ chối
khi được tặng.
3- Khuyến khích việc thường xuyên sử
dụng dầu thơm, bởi đó là biểu hiệu của người tốt, theo đó người tốt nam chỉ dành
cho người tốt nữ và ngược lại.
Hadith 36:
Ông Abu Huroiroh thuật lại lời Thiên Sứ
của Allah – Sollollohu
‘alaihi wasallam – đã nói:
{Người có đức tin
hoàn hảo nhất là người trội nhất trong họ về phẩm chất đạo đức và người tốt nhất
trong các người là người cư xử tốt nhất với người phụ nữ của mình.}
Ot-Tobaroni.
Phân tích Hadith: Cấp
bậc cao nhất của người có đức tin là phẩm chất đạo đức tốt đẹp, và danh hiệu tốt
nhất dành cho người đàn ông đó là người cư xử tốt nhất với người phụ nữ của
mình.
Các bài học từ Hadith
1- Đức tin được kết chặt với phẩm
chất đạo đức tốt.
2- Giá trị của phẩm chất đạo đức tốt
trong Islam.
3- Đức tin giao động giửa tăng và
giảm chứ không ở mức cố định.
Hadith 37:
Ông ‘Abdullah bin ‘Amru bin Al-‘Oss thuật
lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Trần gian là (kho chứa)
tài sản và thứ tài sản tốt nhất mà nó (chứa đựng) là người phụ nữ ngoan đạo.}
Muslim.
Phân tích Hadith:
Trần gian với tất cả mọi thứ trong nó vốn chỉ là những món tài sản hưởng thụ tạm
thời rồi nhàm chán, chóng tàn. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn có một món tài sản vô
giá được trần gian chóng tàn này cất giử đó là người phụ nữ ngoan đạo. Người phụ
nữ đó biết giúp đỡ chồng hướng đến Đời Sau và hình ảnh của phụ nữ đức hạnh đó
được Thiên Sứ – Sollollohu
‘alaihi wasallam – miêu tả qua Hadith:
{Khi chồng nhìn đến cô ta cảm thấy vui tươi, khi chồng căn
dặn là cô ta biết nghe lời và khi chồng vắng mặt thì cô ta biết thủ tiết và giử
gìn tài sản của chồng.} Ahmad.
Các bài học từ Hadith:
Được phép hưởng thụ những điều tốt đẹp ở trần gian mà Allah cho phép đám bầy
tôi của Ngài sử dụng, tránh phí phạm và phung phí.
277- Khuyến khích chọn phụ nữ ngoan đạo làm vợ, bởi
cô ta sẽ tận lực giúp đỡ chồng trong việc tuân lệnh Allah.
278- Thứ tài sản quí giá nhất trong cuộc sống trần
gian này là thứ giúp được chủ sở hữu trong việc phục tùng Allah.
Hadith 38: Bà ‘Ã-ishah thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Quả thật, khi sự dịu dành
được đặt vào bất cứ điều gì cũng làm nó thêm tốt đẹp và khi lấy nó bị lấy khỏi
bất cứ điều gì cũng làm thứ đó xấu đi.} Muslim.
Phân tích Hadith: Người dịu
dàng luôn đạt được điều mong muốn hoặc được vài phần còn người khó khăn khó đến
được đích, cho dù có được cũng rất khó khăn.
Các bài học từ Hadith
1- Sự dịu dàng
rất cần cho mỗi người, bởi điều đó gia tăng thêm cho con người điều tốt đẹp trong
mắt người khác và ở nơi Allah Tối Cao.
2- Tránh xa bản
tính khó khăn, thô lỗ, cọc cằn, bởi nó chỉ khiến con người xấu đi trong mắt người
khác và ở nơi Allah Hiển Vinh.
Hadith 39: Ông Anas bin
Malik thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Quả thật, Allah rất hài
lòng về một nô lệ cứ mỗi lần ăn một miếng hoặc uống một ngụm đều tạ ơn Ngài.}
Muslim.
Phân tích Hadith: Trong những
nguyên nhân làm Allah hài lòng là luôn biết tạ ơn Ngài sau khi ăn và uống bởi
Ngài là Đấng Duy Nhất ban cho bổng lộc.
Các bài học từ Hadith:
1- Xác nhận
thuộc tính hài lòng của Allah Cao Thượng và Tối Cao.
2- Cách đạt được
sự hài lòng của Allah rất đơn giản bằng việc nói “Alhamdulillah” sau khi ăn và
uống, thể hiện lòng biết ơn.
3- Khuyến
khích thường xuyên tạ ơn Allah - Toàn Năng và Vĩ Đại - bằng câu
“Alhamdulillah”, đó là nguyên nhân được Ngài hài lòng, hơn nữa tạ ơn là con đường
để thắng lợi và được chấp nhận.
4- Thể hiện lễ
nghĩa ăn và uống.
5- Thể hiện sự
tôn trọng của Allah - Toàn Năng và Vĩ Đại - dành cho bạn khi Ngài ban cho bạn bổng
lộc và hài lòng trước việc bạn tạ ơn Ngài.
6- Theo Sunnah
là thường nói câu “Alhamdulillah”.
Hadith 40. Bà ‘Ã-ishah thuật lại lời
Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Quả thật, với người có đức tin có đạo đức tốt đạt được địa
vị của người nhịn chay và đứng Salah trong đêm.} Abu Dawood.
Phân tích Hadith: Giá trị của đạo
đức tốt, đối với Allah vị trí của người đó ở nơi Thiên Đàng đạt đến vị trí của
người thường xuyên nhịn chay và hành lễ Salah Sunnah trong đêm, đây là hai việc
hành đạo vĩ đại rất khó thực hiện trong khi đạo đức tốt đạt được dễ dàng hơn.
Các bài học từ Hadith
1- Đạo đức tốt
giúp nhân đôi ân phước và phần thưởng, thậm chí giúp người nô lệ nhờ nó mà đạt
được cấp bậc của người nhịn chay không xả vào ban ngày và người đứng hành lễ
không mệt mỏi vào ban đêm.
Hadith 41: Ông ‘Abdullah
bin ‘Amru bin Al-‘Oss kể: Thiên Sứ – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – chưa
từng làm hành động khả ố, cũng không sai bảo làm điều khả ố bao giờ, trước đây
Người từng nói:
{Quả thật, người tốt nhất trong các người là người có đạo
đức tốt nhất.} (Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Trong cuộc đời của Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – chưa
từng thốt ra những lời khiếm nhã cũng như chưa từng có hành động xấu hổ, lại
càng chưa từng sai bảo người khác làm những hành động bỉ ổi nào cả. Ngược lại,
nhân cách của Người là vĩ đại vượt trội hơn người. Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam –
thông tin biết rằng người tốt nhất trong tín đồ có đức tin là người có đạo đức
tốt, bởi đạo đức tốt sẽ thúc đẩy con người có hành động quang minh chính đại và
tránh xa những hành động thổ bỉ.
Các bài học từ Hadith:
1- Người có đức
tin nên tránh xa lời nói thổ bỉ và hành động xấu xa.
2- Thiên Sứ của
Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – bẩm sinh là người có phẩm chất đạo đức cao quí, luôn có hành động rõ ràng
và lời nói tốt đẹp
3- Phẩm chất đạo
đức tốt là yếu tố tạo nên sự khác nhau giửa những người có đức tin với nhau, ai
vượt trội hơn đức tính này thì người đó hoàn mỹ nhất.
Hadith 42. Ông Abu Huroiroh và ông ‘Abdur Rahman bin Sakhr Ad-Dawsi,
cả hai thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Allah phán: Hãy bố thí đi hỡi con cháu của Adam, TA hoàn
lại cho ngươi.} (Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Ngươi (con người)
hãy bố thí đi thì ngươi nhận lại được sự bố thí, nghĩa là chớ đừng sợ bị nghèo
khổ khi xuất tiền bố thí và cũng chớ đừng là kẻ keo kiệt, bởi một khi bạn bố
thí cho người khác chắc chắn sẽ được Allah bố thí lại cho bạn, nhất là khi mọi
thứ nơi bạn sẽ tiêu tan còn những gì nơi Allah tồn tại mãi. Hadith cũng là ý
nghĩa của câu Kinh: {Bất cứ thứ gì các người đã
chi dùng (cho con đường chính nghĩa của Ngài) thì đều sẽ được Ngài hoàn lại.}
(chương 34 – Saba’: 39), Hadith khuyến khích bố thí vào mọi thứ tốt đẹp vì
Allah và cứ an tâm sẽ được Allah bù đắp lại tất cả bằng ân huệ nơi Ngài.
Các bài học từ Hadith
1- Bố thí là
cách giúp tài sản gia tăng.
2- Allah ban
cho nô lệ của Ngài dựa theo mức lượng mà y cho người nghèo, người cần giúp đỡ.
3- Allah có vô
số kho báu, lúc nào cũng đầy ắp, Ngài rất rộng lượng không lo lắng việc ban bố.
Hadith 43. Ông Abu Musa Al-Ash’ari
thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Tất nhiên là Allah chỉ tạm
hoãn (việc trừng phạt) với kẻ bất công, đến khi Ngài túm bắt hắn sẽ không nương
tay tí nào.} Xong Người xướng đọc:
{Như
thế đó, Thượng Đế của Ngươi (hỡi Thiên Sứ Muhammad) đã trừng phạt các thị trấn
làm khi chúng làm điều sai quấy. Quả thật sự trừng phạt của Ngài rất đau đớn và
khủng khiếp.} (chương 11 - Hud: 102). (Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Thiên Sứ của
Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã thông tin cho biết Allah – Toàn Năng và Vĩ Đại – đã không vội vã trừng
phải kẻ bất công ngay khi y bất công, Ngài để mặc y chìm trong sự bất công của
mình, cho đến khi Ngài túm lấy y là Ngài không hề để cho y yên thân, mà Ngài trừng
phạt y thích đáng, rồi Thiên Sứ xướng đọc câu Kinh: {Như thế đó, Thượng Đế của Ngươi (hỡi Thiên Sứ Muhammad) đã trừng phạt
các thị trấn làm khi chúng làm điều sai quấy. Quả thật sự trừng phạt của Ngài rất
đau đớn và khủng khiếp.}
Các bài học từ Hadith
1- Người thông
minh là người không xem thường kế hoạch của Allah khi gây ra điều bất công, dẫu
cho vẫn không bị gì sau đó. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ đó là sự lôi kéo
lún sâu hơn, vì vậy hãy lặp tức trả lại quyền lợi cho người bị bất công.
2- Allah lôi kéo
kẻ bất công để gia tăng thêm tội lỗi để Ngài trừng phạt y thêm thích đáng.
3- Cách giải
thích Hadith tốt nhất là dùng Qur’an, bởi đây là lời phán của Allah.
Hadith 44. Ông Usamah bin
Zaid thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ta
đã không bỏ lại sự thử thách nào sau Ta nguy hại hơn cho đàn ông bằng phụ nữ.}
(Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Nabi – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã thông tin cho
biết phụ nữ là cuộc thử thách vĩ đại nhất, bởi lẽ phụ nữ có thể lôi cuốn và kéo
đàn ông ra khỏi chân lý khi mà họ được tự do giao lưu với nam giới, nhất là khi
cả hai được tiếp xúc riêng biệt ắt sẽ dẫn đến hệ luỵ ngay trong cuộc sống và cả
tôn giáo.
Các bài học từ Hadith
1- Không điều
gì lôi cuốn đàn ông mạnh mẽ hơn phụ nữ.
Hadith 45. Ông Anas bin
Malik thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Các người hãy làm cho dễ
dàng chớ đừng gây nên khó khăn và hãy làm cho vui vẻ chớ đừng làm cho bỏ chạy.}
(Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Trước đây,
Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam – yêu thích sự giảm nhẹ và dễ dàng cho mọi người. Cứ mỗi khi lựa cho giửa
hai điều là Người liền chọn thứ dễ nhất miễn không là điều Haram. Người nói: “Các người hãy làm cho dễ dàng chớ đừng gây nên khó khăn”
nghĩa là trong mọi sự việc và câu “hãy làm cho vui
vẻ chớ đừng làm cho bỏ chạy” nghĩa là thông báo điều vui vẻ chớ đừng
điều xấu, có hại.
Các bài học từ Hadith:
1- Bổn phận của
người có đức tin là khích lệ mọi người biết thương yêu Allah và động viên họ đến
với điều tốt đẹp.
2- Đối với người
truyền đạt Islam cần phải sáng suốt cân nhắc hình thức truyền đạt sao cho thật
phù họp với người nghe.
3- Sự dễ dàng
giúp người truyền đạt Islam là tạo ra niềm vui, biết thu hút người khác và khiến
mọi người an tâm khi xuất hiện trước họ.
4- Sự khó khăn
khiến người nghe xa lánh, quay lưng và khiến mọi người nghi ngờ về điều mà người
truyền đạt Islam nói ra.
5- Trong những
lòng thương xót của Allah dành cho đám bầy tôi của Ngài là hài lòng cho họ trước
một tôn giáo thuận lợi và bộ giáo luật dễ dàng.
Hadith 46. Ông Abu Musa
Al-Ash’ari thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Các người hãy bảo vệ
Qur’an này, Ta xin thề với Đấng đang nắm lấy linh hồn Muhammad trong tay Ngài rằng
(Qur’an) còn vùng vẫy mãnh liệt hơn cả con lạc đà bị trói trong vòng chân.}
(Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Bảo vệ Qur’an
bằng cách xướng đọc thường xuyên, hằng ngày. Về câu nói {Ta xin thề với Đấng đang nắm lấy linh hồn Muhammad trong
tay Ngài rằng (Qur’an) còn vùng vẫy mãnh liệt} muốn thoát khỏi {hơn cả con lạc
đà bị trói trong vòng chân vậy}. Lạc đà là con vật không thể giử nó ở
tại một vị trí giống như bao con vật khác ngoại trừ bằng cách bắt nó nằm xuống
rồi dùng một cái vòng chồng vào đầu gối trước của nó, hình ảnh đó được so sánh
như người thuộc Qur’an và đọc Qur’an rất khó giử việc thuộc lòng lưu lót nếu
như không thường xuyên ôn lại và thường xuyên đọc lại. Trong những hồng phúc vĩ
đại của Allah ban xuống chính là Qur’an, cho nên tín đồ Muslim cần phải hằng
ngày ôn lại và đọc lại Qur’an tránh bị quên dần. Tuy nhiên, nếu bị quên tự
nhiên do trí tuệ kém thì không sao, điều đáng trách là người lơ đễnh không thường
xuyên ôn lại, không đọc hằng ngày sau khi đã được Allah ban cho thuộc lòng, e
đây là sự trừng phạt của Allah. Cách giúp giử được Qur’an ở trong lòng lâu nhất
là đọc và ôn hằng ngày, cũng như phải tuân thủ theo điều răn dạy của Qur’an, bởi
lẽ việc áp dụng theo điều gì luôn giúp giử thứ đó được lâu hơn.
Các bài học từ Hadith
1- Khuyến
khích thường xuyên đọc và ôn lại Qur’an.
2- Khi mà người
thuộc lòng Qur’an duy trì việc ôn Qur’an hằng ngày giúp cho việc thuộc luôn ở
trạng thái tốt nhất, bằng không sẽ dễ bị quên lãng, bởi Qur’an vùng vẫy để
thoát khỏi mạnh mẽ hơn cả lạc đà bị trói.
Hadith 47. Ông ‘Uthman
bin ‘Affan thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Người tốt nhất trong các
người là người học Qur’an rồi dạy lại nó lại.} (Al-Bukhari)
Phân tích Hadith: {Người tốt nhất trong các người là người học Qur’an rồi dạy
lại nó lại.} Đây là thông tin chung cho tất cả cộng đồng Islam, thấy
rằng người tốt nhất trong tất cả khi người đó hội tụ đủ hai thuộc tính này, học
Qur’an và dạy Qur’an lại cho người khác, bởi lẽ, Qur’an là nguồn kiến thức cao
quí nhất. Việc học và dạy Qur’an có hai hình thức, thứ nhất là học và dạy
Qur’an nguyên văn; thứ hai là dạy và học cách Tafsir (phân tích) Qur’an, tức dạy
người khác quy tắc hiểu đúng Qur’an.
Các bài học từ Hadith:
1- Giá trị việc
học Qur’an, học luật đọc cũng như giá trị dạy nó lại.
2- Giá trị việc
áp dụng theo sự răn dạy trong Qur’an như giáo luật, lễ nghĩa và đạo đức.
3- Người đã học
được Qur’an cần cố gắng giảng dạy nó lại cho người khác.
4- Sự cao quí
dành cho người học được bất cứ gì đó từ Qur’an và cấp bậc của họ được đề cao.
Hadith 48. Bà Khawlah
bintu Hakim thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Ai dừng chân một nơi nào
đó mà nói: “a ‘u zdu bi ka li mã til la hit t.a.m m.a.t min shar ri mã kho laq”
như thế sẽ không bị thứ gì gây hại được y cho đến khi rời khỏi nơi đó.}
Phân tích Hadith: Nabi – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã chỉ cho tín đồ
của Người cách cầu xin điều có lợi giúp bảo vệ khỏi mọi thứ nguy hiểm khiến con
người quan ngại khi đến một nơi lạ trong dịp đi xa, đi du lịch, đi tham quan,
đi cắm trại . . . bằng cách khẩn cầu sự che chở bằng những lời phán của Đấng Chửa
Bệnh, Đấng Đầy Đủ, Đấng Bình An khỏi mọi điều xấu xa và thiếu xót, để được bình
an tại nơi dừng chân mà không bị bất cứ gì gây hại.
Các bài học từ Hadith:
1- Việc cầu
xin che chở chính là sự thờ phượng.
2- Việc cầu
xin che chờ phù hợp là phải cầu xin Allah hoặc bằng các đại danh của Ngài.
3- Lời phán của
Allah không phải là tạo vật, bởi Allah cho phép nhờ vào lời phán đó mà xin Ngài
che chở. Bởi lẽ, việc cầu xin một tạo vật nào đó che chở là phạm phải tội
Shirk, điều này cho thấy lời phán của Allah không phải là tạo vật.
4- Giá trị cho
lời cầu xin này mặc dù rất ngắn gọn.
5- Việc điều
khiển vạn vật đều trong tay của Allah Tối Cao.
6- Cho thấy hồng
phúc cho lời cầu xin này.
7- Cho thấy sự
bao quát của Qur’an và sự hoàn hảo của nó.
Hadith 49. Ông Abu
Al-Hayyaj Al-Asadi kể: Ông ‘Ali đã nói với tôi:
{Ta tiến cử anh đi làm công
việc mà trước đây Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã tiến
cử ta: Đó là không để bất cứ ngôi mộ nào đắp cao hơn cho phép ngoại trừ sang bằng
chúng và không để bất cứ bục tượng nào (được thờ cúng) trừ phi đập nát chúng.} (Abu Ya’la).
Phân tích Hadith: Islam đã rất cố
gắng loại trừ tất cả ngõ nghách dẫn đến tội Shirk dù đang dần hình thành hoặc
rõ ràng. Ông ‘Ali đã thông tin cho chúng ta biết Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã gửi ông ta đi với
mệnh lệnh xé nát tất cả hình ảnh, bụt tượng tìm thấy được, bởi chúng tương đồng
với hình dạng tạo hoá của Allah và việc con người tôn sùng chúng quá mức dẫn đến
thờ cúng chúng. Ngoài ra, Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – còn ra lệnh phá bỏ
tất cả những gì được xây trên mộ hoặc sang bằng tất cả mồ mã được đắp cao hơn mức
cho phép là một gang tay, tránh việc con người mù quáng mà sùng bái những ngôi
mộ đó rồi thờ phượng ngang hàng với Allah. Theo đó, để tín đồ Muslim duy trì được
tôn giáo Islam của mình và củng cố vững chắc tín ngưỡng của mình cần loại trừ
các hành động vẽ hình có linh hồn, tạc tượng và xây dựng trên mồ mã, bởi lẽ sẽ
dẫn đến việc sùng bái vượt mức cho phép và ghép cho nó quyền lợi giống như của
Allah Tối Cao.
Các bài học từ Hadith
1- Cấm vẽ hình
có linh hồn, tạc tượng và bắt buộc phải loại trừ và xoá sạch tất cả.
2- Khuyên bảo
nhau điều chân lý, ra lệnh nhau làm lẽ phải, ngăn cản nhau làm điều sai trái và
truyền đạt kiến thức.
3- Cấm đắp mộ
cao và xây dựng lên đó bằng bất cứ hình thức nào, bởi điều đó dẫn lối đến tội
Shirk.
4- Bắt buộc
phá sập những nấm mộ xây trên mồ mã.
5- Việc vẽ
hình ảnh có linh hồn và tạc tượng được xem tương tự như việc xây dựng trên mồ
mã đều dẫn đến tội Shirk.
6- Cùng chung
với lệnh cấm là việc gắn cờ lên mồ, sơn phết và đặt mộ bia.
Hadith 50. Ông Anas và
ông Abu Huroiroh thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Đức tin của các ngươi
chưa đạt đến đỉnh điểm cho đến khi Ta trở thành người được y thương yêu hơn cả
con cái của y, hơn cha mẹ của y và hơn tất cả thiên hạ.} (Al-Bukhari
và Muslim).
Phân tích Hadith: Qua Hadith này
Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – cho chúng ta biết về đức tin của người Muslim không thể
tăng lên đến đỉnh của đức tin và cũng như không đạt được đức tin của người được
vào thẳng Thiên Đàng thoát được việc tính sổ và trừng phạt, cho đến khi tín đồ
Muslim đưa tình yêu dành cho Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – lên hàng đầu hơn cả
con cái của y, hơn cả cha mẹ của y và hơn cả tất cả mọi người, bởi lẽ tình yêu
dành cho Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – chính là dành cho Allah, vì Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – là người truyền đạt
thông tin cho Allah, là người hướng dẫn đến với tôn giáo của Ngài. Do đó, tình
yêu dành cho Allah và Thiên Sứ của Ngài – Sollollohu ‘alaihi wasallam – không đúng thực ngoại trừ tuân thủ theo mọi mệnh lệnh bắt
buộc và tránh xa mọi điều nghiêm cấm và tất nhiên là không phải bằng hình thức
xướng ngâm thơ, tổ chức tiệc tùng và sáng tác bài hát về Người.
Các bài học từ Hadith:
1- Bắt buộc phải
thương yêu Thiên Sứ và đặt tình yêu đó lên trên mọi loại tình yêu.
2- Quả thật,
hành động bắt nguồn từ đức tin khi mà tình yêu là hành động của trái tim và đức
tin bị phủ nhận đối với ai không đặt tình yêu dành cho Thiên Sứ lên trên những
gì được nhắc đến.
3- Việc phủ nhận
đức tin không có nghĩa là người đó bị trục xuất khỏi vành đai Islam.
4- Quả thật, một
tình yêu đích thực bắt buộc phải thể hiện lên trên con người.
5- Bắt buộc đề
cao tình yêu thương Thiên Sứ lên trên tình yêu dành cho bản thân, cho con cái,
cho cha mẹ và cho thiên hạ.
6- Hi sinh cho
Thiên Sứ bằng cả sinh mạng và tài sản, bởi cần phải đề cao tình yêu thương Người
hơn cả bản thân và tài sản.
7- Bắt buộc
tín đồ Muslim toàn lực bảo vệ đường lối Sunnah của Thiên Sứ của Allah dẫu cho
có phải hi sinh cả sinh mạng và tài sản, bởi lẽ điều đó cho thấy sự hoàn thiện
tình yêu dành cho Thiên Sứ. Theo đó, một số học giả giải thích về câu Kinh số 3
chương 108 - Al-Kawthar:
{Quả thật, chỉ kẻ thù của
Ngươi mới thực sự bị cắt đứt hết mọi hy vọng} câu Kinh bao gồm cả
người thù hằn luôn bộ luật Shari’ah của Người.
8- Được phép
thương tội nghiệp, tôn trọng và tôn kính, bởi Thiên Sứ đã nói: “được thương yêu hơn cả con cái của y, hơn cha mẹ của y và
hơn tất cả thiên hạ” điều này khẳng định sự tồn tại tình yêu căn bản
và đây là tình yêu bản năng mà không ai phủ nhận.
9- Bắt buộc đặt
lời nói của Thiên Sứ đứng trước tất cả câu nói của ai khác kể cả chính bản thân
mình, điều đó mới chứng thực được tình yêu đích thực dành cho Thiên Sứ được xếp
lên hàng đầu.
Hadith 51. Ông ‘Imran bin
Husain và ông Ibnu ‘Abbas thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Không phải là tín đồ của
Ta khi ai đó tin vào chim bay (để xem may rủi) dù tự làm hoặc nhờ người khác
làm dùm; tự bói toán hoặc nhờ người khác bói cho; tự làm bùa ngãi hoặc nhờ người
khác làm cho; đối với ai tìm đến thầy bói và tin tưởng vào lời mà hắn nói là y
đã phủ nhận mọi thứ đã thiên khải cho Muhammad.} (Ot-Tobaroni).
Phân tích Hadith: Qua Hadith, Thiên
Sứ của Allah đã cảnh báo mạnh mẽ và khẳng định là đại tội bị trừng phạt thích
đáng đối với ai tin vào may rủi dựa vào việc chim bay dù tự làm hoặc nhờ người
khác làm dùm hoặc dựa vào bất cứ hiện tượng khác nghe được và thấy được hoặc nhờ
vào bói toán hoặc nhờ bùa ngãi, bởi lẽ những hành động nào đã tự xưng thông hiểu
điều vô hình một loại kiến thức dành riêng cho Allah và hơn nữa điều này còn
phá hoại tín ngưỡng và trí tuệ. Do đó, ai tin tưởng mà làm theo bất cứ điều nào
trong các vấn đề này là y đã phủ nhận toàn bộ lời mặc khải của Thượng Đế vốn dĩ
được truyền xuống để đập tan mọi tín ngưỡng hư cấu của thời tiền Islam và bảo vệ
trí tuệ. Tương tự như việc làm sai trái này là việc xem chỉ bàn tay, xem tướng
số, xem đồng xu, xem chén hoặc trói buộc sự hạnh phúc và nổi bất hạnh của con
người vào cung hoàng đạo hoặc những điều khác . . . Hai vị Imam Al-Baghawi và
Ibnu Taimiyah giải thích vấn đề liên quan đến thầy bói, nhà tiên đoán, nhà
chiêm tinh, thầy bói cát: “Đối với ai tự nhận mình biết được kiến thức điều vô hình
thì có thể y là nhà tiên đoán hoặc là người cộng tác với nhà tiên đoán. Còn nếu
như y báo trước về chuyện tương lai thì y là kẻ lấy thông tin từ những kẻ nghe
lén thuộc loài Shaytan.”
Các bài học từ Hadith
1- Cấm tự nhận
việc mình tinh thông chuyện vô hình, bởi lẽ điều đó xoá đi thuyết độc thần.
2- Cấm tin vào
lời lẽ và hành động của những nhà chiêm thuật, bói toán và những ai tương tự
như họ, bởi đó là vô đức tin.
3- Bắt buộc phủ
nhận hành vi bói chiêm thuật, bói toán và những ai như họ, cần phải tránh xa họ
và thông tin từ họ.
4- Bắt buộc
bám chặt lấy những gì được ban cho Thiên Sứ và tránh xa mọi thứ đối lập đường lối
Sunnah đó.
5- Cấm tin vào
may rủi, bùa thuật và bói toán dù bằng hình thức nào.
6- Cấm việc nhờ
cậy làm dùm cho một trong ba điều này.
7- Quả thật,
Kinh Qur’an là lời phán của Allah được thiên khải xuống chứ không phải là tạo vật.
Hadith 52. Bà Hafsah
bintu ‘Umar bin Al-Khattab thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Ai tìm đến thầy bói rồi hỏi
họ về điều gì đó thì lễ nguyện Salah của y không được chấp nhận trong bốn mươi đêm.}
(Muslim).
Phân tích Hadith: Thiên Sứ của
Allah cho chúng ta biết qua Hadith này rằng ai đi tìm đến thầy bói, nhà tiên
đoán, nhà chiêm tinh – và những ai tự nhận biết điều vô hình, chuyện tương lai –
để hỏi về điều gì đó thuộc vấn đề vô hình và hi vọng về điều y nói là thật thì
quả thật, Allah cấm không cho người đặt hỏi đó ân phước của bốn mươi ngày hành
lễ Salah. Đây là sự trừng phạt dành cho tội lớn kia. Còn khi người đặt câu hỏi
đặt niềm tin trọn vẹn vào điều thầy bói đã nói là xem như y đã phủ nhận mọi thứ
đã thiên khải cho Thiên Sứ Muhammad như được đề cập trong một Hadith khác. Đây
là hình thức trừng phạt dành cho người tìm đến thầy bói, thử hỏi sự trừng phạt
dành cho chính thầy bói sẽ ra sao? Cầu xin Allah che chở và phù hộ.
Các bài học từ Hadith:
1- Cấm đi đến
thầy bói và hỏi han họ về điều vô hình rồi đặt niềm tin vào lời nói của họ, quả
thật, đây là hành động vô đức tin.
2- Cấm bói
toán dù bằng hình thức nào và điều đó được xem là đại tội.
3- Có thể con
người bị cấm hưởng được ân phước của việc hành đạo, một sự trừng phạt dành cho
tội lỗi này.
Hadith 53. Ông Ibnu
‘Abbas thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ai học hỏi được phần nào về
thuật chiêm tinh là xem như y đã học được ấy phần về bùa chú, biết càng nhiều
thì nó càng tăng.}
Phân tích Hadith: Khi mà điều vô
hình về mọi thứ chỉ dành riêng cho Allah Tối Cao như đã được Thiên Sứ của Ngài vô
hiệu hoá tất cả hành động muốn phơi bày và muốn biết về điều vô hình của Ngài.
Theo đó, nhà chiêm tinh dựa vào các hiện tượng của các vì sao để đoán sự việc xảy
ra dưới đất. Do đó, Thiên Sứ của Allah đã trình bày rõ ràng việc ai đó học thuật
chiêm tinh là xem như y đã học bùa chú, cứ mỗi lần hiểu biết thêm về thuật này
là bùa chú của y cũng tăng theo tỉ lệ thuận.
Các bài học từ Hadith:
1- Cấm học thuật
chiêm tinh, đó là loại kiến thức đoán về tương lai dựa vào các hiện tượng thay
đổi của các vì sao trên trời, hơn nữa điều này tự nhận biết được điều vô hình.
2- Thuật chiêm
tinh là một trong các thể loại của bùa chú đối nghịch với Tawhid (chỉ thờ Allah
duy nhất).
3- Cứ mỗi khi
biết nhiều và chuyên sâu về thuật chiêm tinh đồng nghĩa biết được nhiều về bùa
chú.
4- Quả thật
bùa chú được chia thành nhiều hình thức.
Hadith 54. Ông ‘Uqbah bin
‘Amir thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Quả thật, các điều kiện xứng
đáng nhất để các người làm tròn là các điều kiện hợp thức hoá việc ân ái.}
(Ahmad).
Phân tích Hadith: Mỗi người vợ
và mỗi người chồng đều có ý niệm và mục đích riêng trước khi cả hai cùng quyết
định tiến đến hôn nhân. Người này sẽ ra điều kiện với người bạn đời để người đó
lấy đó làm lề mà tuân thủ theo khi cả hai về sống chung. Các điều kiện này là
điều kiện đặt thêm ngoài các điều kiện bắt buộc của hôn nhân được qui định
trong luật Islam mà đối phương cần phải ưu tiên làm tròn. Hadith là bằng chứng
khẳng định bắt buộc cho điều đó, bởi các điều kiện trong hôn nhân rất quan trọng
mang tính bắt buộc rất cao, bởi lẽ đây là cuộc giao ước cho phép cả hai được hợp
pháp hoá việc tự do ân ái với nhau.
Các bài học từ Hadith:
1- Bắt buộc
người bạn đời phải ưu tiên làm tròn các điều kiện mà bên vợ hoặc chồng đặt ra,
điển hình như tăng thêm tiền cưới hoặc định cư ở một vị trí nào đó từ phía vợ
hoặc phải là còn trinh nguyên, gia phả từ phía chồng.
2- Theo ý
nghĩa chung của Hadith bắt buộc phải làm tròn các điều kiện đã thống nhất giống
như Hadith {Người phụ nữ không được quyền yêu cầu
li hôn chị (em) gái mình.}
3- Các điều kiện
trong hôn nhân cần phải ưu tiên làm tròn hơn bao điều kiện nào khác bởi đó là việc
hợp pháp hoá việc tự do ân ái.
4- Mọi trách
nhiệm và nghĩa vụ của vợ chồng như tiền cấp dưỡng, việc hưởng thụ của vợ chồng,
chổ ở cho vợ không thể định lượng được mà tất cả dựa vào truyền thống của từng
dân tộc và từng địa phương.
5- Các điều kiện
của kết hôn được chia làm hai nhóm: A) Phù hợp, là khi các điều kiện không đối
lập với mục đích của cuộc hôn nhân và phải là mục tiêu của người đặt điều kiện.
B) Không phù hợp, là khi các điều kiện đối lập với mục đích của cuộc hôn nhân.
Và chuẩn mực cho tất cả các điều kiện theo xem xét có phù hợp hay không như
Thiên Sứ đã nói:
{Người Muslim phải tuân
theo điều kiện của nhau, ngoại trừ các điều kiện cho phép điều bị cấm hoặc cấm
điều được phép} (Ash-Shafie’), không có sự khác nhau giửa việc điều
kiện xảy ra trước hoặc trong cuộc giao ước.
Hadith 55. Ông ‘Abdullah
bin Mas’ud thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Tội lớn nhất trong tất cả
đại tội là Shirk với Allah, cảm thấy an toàn trước kế hoạch của Allah và tuyệt
vọng, chán nản trước lòng khoan dung của Ngài.} (‘Abdur Razzãq).
Phân tích Hadith: Thiên Sứ của
Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – cho biết trong Hadith này về một trọng tội lớn nhất trong tất cả đại tội,
đó là hành động tạo dựng nên một đối tác ngang hàng với Allah Hiển Vinh cùng quản
lý với Ngài và được thờ phượng như Ngài, bởi lẽ đây là tội lỗi lớn nhất; kế đến
là cắt đứt mọi hi họng nơi Allah, bởi lẽ đây là hành động nghĩ xấu về Ngài và
không nhận thức rõ về lòng khoan dung của Allah bao la đến dường nào; kế đến là
việc tự nhận đã an toàn khiến một nô lệ dửng dưng trước hình phạt của Allah đến
khi y bị sự trừng phạt túm lấy bất ngờ. Tất nhiên, các đại tội không chỉ gói gọn
trong Hadith này mà có rất nhiều nữa là đằng khác, tuy nhiên Hadith chỉ liệt kê
các tội lớn nhất trong tất cả đại tội.
Các bài học từ Hadith:
1- Tội lỗi được
chia thành hai nhóm, đại tội và tiểu tội.
2- Quả thật,
Shirk được xếp lên hàng đầu trong tất cả đại tội.
3- Cấm việc cảm
thấy an toàn trước kế hoạch của Allah Hiển Vinh và việc tuyệt vọng vào lòng
khoan dung của Ngài, bởi lẽ cả hai được xem là đại tội.
4- Được phép
miêu tả Allah có hoạch định đáp trả lại những kẻ có âm mưu, đây là một thuộc
tính hoàn hảo. Tuy nhiên, hoạch định đó đáng trách trước những người không đáng
hoạch định đáp trả họ.
5- Bắt buộc một
nô lệ phải sống cân bằng giửa sợ hãi và hi vọng, do đó, khi sợ vẫn không tuyệt
vọng và khi hi vọng vẫn không cảm thấy an toàn.
6- Khẳng định
Allah Tối Cao có thuộc tính khoan dung theo mặt phù hợp với uy quyền của Ngài.
7- Bắt buộc phải
luôn nghĩ tốt về Allah Hiển Vinh và Toàn Năng.
Hadith 56. Ông Anas kể:
{Trước đây Thiên Sứ của Allah
– Sollollohu ‘alaihi wasallam – là có phẩm chất đạo đức tốt
nhất trong loài người nói chung.} (Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Lời kể cho thấy
trước đây Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam – là người có nhân cách tốt, đạo đức tốt, rộng lượng,
khiêm tốn và phẩm chất của Ngài là hoàn mỹ về mọi mặt.
Các bài học từ Hadith:
1- Chưa từng
có ai có phẩm chất đạo đức hoàn mỹ hơn Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam –.
2- Khuyến
khích rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt bắt chước theo Nabi – Sollollohu ‘alaihi
wasallam –.
Hadith 57. Ông ‘Abdullah
bin Az-Zabair đã nói sau mỗi lần Salah, sau khi đã chào Salam:
{Lã i lã ha il lol lo hu wah
da hu lã sha ri ka lah, la hul mul ku, wa la hul ham du, wa hu wa ‘a lã kul li
shay in qo d.ĩ.r. Lã haw la wa lã qu wa ta il lã bil l.ã.h. Lã i lã ha il lol
loh, wa lã na’ bu du il lã i yã hu, la hun ne’ ma tu, wa la hul fodh lu, wa la
huth tha nã ul ha san. Lã i lã ha il lol lo hu mukh li si na la hud d.ĩ.n, wa
law ka ri hal kã fi r.ũ.n} Ông nói: {Như thế
đó, Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói sau tất cả lễ nguyện Salah.} (Ash-Shafie’).
Phân tích Hadith: Trước đây, sau
mỗi lần kết thúc lễ nguyện Salah bắt buộc năm lần trong ngày là ông ‘Abdullah
bin Az-Zubair đều nói lời tụng niệm vĩ đại này, trong đó gồm những ý nghĩa cao
quí như khẳng định sự thờ phượng chỉ có Allah mới xứng đáng và phủ nhận tất cả
sự tồn tại chia sẻ quyền được thờ phượng đó cùng Ngài, khẳng định chỉ Allah duy
nhất toàn quyền thống trị cả bên ngoài lẫn bên trong, Ngài xứng đáng được ca tụng
trong mọi lúc, khẳng định sự toàn năng của Ngài tuyệt đối, bên cạnh đó việc con
người thú nhận sự bất lực và yếu ớt của bản thân, cũng như việc con người hoàn
toàn không thể tự bảo vệ mình khỏi điều xấu hoặc tự chọn điều tốt cho mình trừ
phi Allah muốn. Trong lời tụng niệm hồng phúc này nhấn mạnh ân phúc là đến từ
Allah Hiển Vinh và thêm vào đó là sự hoàn hảo tuyệt đối ở mọi mặt về thuộc
tính, về hình thể và về hành động của Allah, cũng như về ân phúc mà Ngài đã
ban. Lời tụng niệm được kết thúc bằng câu Tawhid “Lã
i lã ha il lol lõh” muốn gửi kèm thông điệp phải luôn thành tâm vì Allah
trong mọi hình thức thờ phượng thậm chí có bị toàn thể người vô đức tin ghét bỏ
đi chăng nữa. Kế tiếp, là ông ‘Abdullah bin Az-Zubair nói là trước đây, mỗi lần
kết thúc lễ nguyện Salah là Thiên Sứ của Allah nói liền ngay những lời tụng niệm
theo hình thức này, Người đã nói lớn tiếng muốn dạy cho những ai đang có mặt
lúc đó.
Các bài học từ Hadith:
1- Khuyến
khích duy trì các lời tụng niệm tổng hợp này nhằm giúp lễ nguyện Salah bắt buộc
thêm toàn mỹ nhất.
2- Nền tảng cơ
sở của tôn giáo dựa trên Ikhlas (chân tâm) và noi theo, cả hai dẫn đầu tôn giáo
Islam.
3- Sahabah rất
quan tâm việc làm theo đường lối Sunnah của Thiên Sứ của Allah và truyền đạt lại
cho người khác.
4- Tín đồ
Muslim cần hãnh diện về tôn giáo của mình qua việc thể hiện các biểu hiện của
tôn giáo dẫu cho có bị người vô đức tin không thích.
Hadith 58. Ông Abu
Huroiroh thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Chớ đừng biến ngôi nhà của
các ngươi trở thành khu nghĩa địa; quả thật, Shaytan phải tháo chạy khỏi nhà của
người nào xướng đọc chương Al-Baqarah.} (Muslim và Ahmad).
Phân tích Hadith: Ông Abu
Huroiroh cho biết Thiên Sứ của Allah cấm tín đồ Muslim biến ngôi nhà của mình
thành khu nghĩa địa khi mà không hành lễ Salah Sunnah và không xướng đọc Kinh
Qur’an trong nhà. Sở dĩ, bị gọi như thế là vì lễ nguyện Salah không được công
nhận khi được thực hiện tại khu nghĩa địa. Cũng trong Hadith này, Thiên Sứ của
Allah cho biết lũ Shaytan sẽ phải tháo chạy ra khỏi ngôi nhà của những ai xướng
đọc chương Al-Baqarah, bởi lẽ, chúng không còn cơ hội dụ dỗ, đánh lừa những người
trong nhà đó bởi hồng phúc của chương Kinh mang đến cho người đọc và tuân thủ
theo các điều răn dạy trong chương Kinh.
Các bài học từ Hadith
1- Trình bày
giá trị của chương Al-Baqarah.
2- Lũ Shaytan
phải chạy khỏi nhà khi được xướng đọc chương Al-Baqarah và không dám đến gần.
3- Không được
hành lễ Salah tại nghĩa địa.
4- Khuyến
khích hành đạo Sunnah thật nhiều như Salah Sunnah tại nhà.
Hadith 59. Ông Abu
Huroiroh thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Là việc Ta nói sub hã nol
lõh, wal ham du lil lãh, wa lã i lã ha il lol lõh, wol lo hu ak bar được Ta
thích hơn cả mọi thứ được mặt trời soi sáng sau khi mọc.} (Muslim).
Phân tích Hadith: Hadith khuyến
khích tụng niệm Allah Tối Cao bằng câu Tasbih mang ý nghĩa thanh lọc khỏi Allah
mọi điều không xứng đáng với Ngài; câu Tahmid mang ý nghĩa tạ ơn; câu Tahlil
mang ý nghĩa độc tôn Allah; câu Takbir mang ý nghĩa vĩ đại hoá Allah. Các lời tụng
niệm này tốt hơn cả trần gian và mọi thứ trong nó, bởi lẽ đây là các hành động ở
Đời Sau thuộc tốp những việc làm đức hạnh vĩnh cửu, mang lại ân phước vĩ đại vô
giới hạn trong khi đó trần gian là thứ cỏn con không tồn tại mãi và sớm lụi
tàn.
Các bài học từ Hadith
1- Khuyến
khích tụng niệm Allah Tối Cao bằng các câu Tasbih, Tahmid, Tahlil và Takbir.
2- Các câu sub
hã nol lõh, wal ham du lil lãh, wa lã i lã ha il lol lõh, wol lo hu ak bar thuộc
tốp các việc làm đức hạnh vĩnh cửu.
3- Vật chất của
trần gian là thứ ít ỏi và mọi ham muốn về chúng sớm tàn.
4- Sự hưởng thụ
ở đời sau là vĩnh cửu và không tiêu tàn.
Hadith 60. Ông ‘Abdullah
bin ‘Abbas thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Không còn ngày nào mà việc
hành đạo trong chúng được Allah yêu thích hơn trong những ngày này.}
Nghĩa là trong mười ngày đầu (tháng Zdul Hijjah). Mọi người hỏi: Thưa Thiên Sứ
của Allah, kể cả việc Jihad vì chính nghĩa của Allah luôn ư? Người đáp:
{Kể cả việc Jihad vì chính
nghĩa của Allah, ngoại trừ việc một người đàn ông rời khỏi nhà cùng với tài sản
của mình nhưng không một thứ gì quay trở về sau đó.} (Abu Dawood và
Ibnu Mãjah).
Phân tích Hadith: {Không còn ngày nào mà việc hành đạo trong chúng được
Allah yêu thích hơn trong những ngày này} nghĩa là trong mười ngày đầu
tháng Zdul Hijjah. Mọi người hỏi: Thưa Thiên Sứ của Allah, kể cả việc Jihad vì
chính nghĩa của Allah luôn ư? Người đáp: {Kể cả
việc Jihad vì chính nghĩa của Allah, ngoại trừ việc một người đàn ông rời khỏi
nhà cùng với tài sản của mình nhưng không một thứ gì quay trở về sau đó.}
Câu “việc hành đạo” bao gồm cả Salah, nhịn chay, bố thí, tụng niệm, xướng đọc
Qur’an, hiếu thảo với cha mẹ, kết nối tình dòng tộc, đối xử tốt với mọi người,
làm người hành xóm tốt v.v… Do đó, khuyến khích nhịn chay vào mười ngày đầu của
tháng Zdul Hijjah bởi đây cũng là một dạng thức hành đạo, tất nhiên là ngày mồng
mười là không được nhịn chay vì đây là ngày ‘Eid cấm việc nhịn chay. Hadith là
bằng chứng cho giá trị của việc hành đạo trong mười ngày đầu của tháng Zdul
Hijjah. Vì vậy, mà Sahabah đã hỏi: kể cả việc Jihad vì chính nghĩa của Allah
luôn ư?. Hadith cũng là bằng chứng khẳng định việc Jihad trong khoảng thời gian
giá trị như những ngày này bằng chính thể xác và tài sản của mình, tài sản ở
đây là con vật cưỡi và vũ khí, nếu như người Jihad bị giết chết và con vật cưỡi
cũng như vủ khí của anh ta bị tịch thu được xem là hình thức Jihad tốt nhất, tốt
hơn cả mọi việc hành đạo trong mười ngày cao quí này, nhất là khi việc hành đạo
được nhân lên khi được thực hiện trong chúng.
Các bài học từ Hadith
1- Giá trị mười
ngày đầu của tháng Zdul Hijjah hơn tất cả ngày còn lại trong năm.
2- Khuyến
khích nhịn chay vào mười ngày đầu của tháng Zdul Hijjah.
3- Giá trị vĩ đại của việc Jihad
trong Islam.
4- Giá trị khác nhau của các ngày
trong năm.
5- Văn hoá hỏi những điều còn thắc
mắc.
Hadith 60.
Ông Buraidah bin Al-Husain thuật lại lời
Thiên Sứ của Allah –
Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ai bỏ lễ nguyện
Salah ‘Asr là xem như việc hành đạo của y bị xoá bỏ.} (Al-Bukhari).
Phân tích Hadith: Hadith
cho thấy hình phạt dành cho người cố ý bỏ bê lễ nguyện Salah ‘Asr. Sở dĩ, là
Salah ‘Asr có lẽ việc trì hoãn là do mệt mỏi bởi lao động của ban ngày, và việc
bỏ bê lễ Salah này xấu xa hơn việc bỏ bê các lễ nguyện Salah khác bởi đó là lễ
nguyện Salah chính giửa được lệnh phải bảo vệ tốt như Allah phán:
{Các ngươi hãy giữ gìn và duy trì các lễ nguyện Salah, nhất
là cuộc lễ chính giữa (Salah ‘Asr).}
(chương 2 – Al-Baqarah: 238) người vi phạm bị đối mặt với hình phạt là xoá bỏ
đi ân phước đã hành đạo. Có lời giải thích khác rằng hình phạt này chỉ dành cho
những ai cố tình bỏ bê hoặc phản đối tính bắt buộc của lễ nguyện Salah. Theo
đó, người cố tình bỏ bê lễ nguyện Salah ‘Asr trở thành người vô đức tin bởi việc
hành đạo của họ bị xoá bỏ, và Hadith được xem là bằng chứng khẳng định cho điều
này như một số ‘Ulama đã dẫn chứng, bởi lẽ việc hành đạo vốn không bị xoá bỏ trừ
khi là phản đạo. Tuy nhiên, có lời giải thích khác xem đây là lời cảnh báo mạnh
mẽ đối với ai bỏ lễ nguyện Salah ‘Asr dường như ân phước việc hành đạo của họ bị
xoá bỏ. Qua Hadith cho thấy giá trị vĩ đại của lễ nguyện Salah ‘Asr, bởi người
nào bỏ bê lễ nguyện Salah này là xem như công đức của việc hành đạo của họ bị
xoá bỏ.
Các bài học từ Hadith:
1- Khuyến khích việc duy trì lễ
nguyện Salah ‘Asr trong thời gian bắt buộc.
2- Cấm bỏ bê lễ nguyện Salah nhất
là Salah ‘Asr.
3- Ai cố tình bỏ bê lễ nguyện Salah
‘Asr thì công đức hành đạo của họ bị xoá sạch, tuy nhiên chỉ trừng phạt với những
ai cố ý, bởi lẽ có một đứng truyền chính xác có thêm từ “cố ý”.
Hadith 61.
Ông ‘Uthman bin ‘Affan thuật lại lời
Thiên Sứ của Allah –
Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ai lấy Wudu một cách
chu toàn nhất thì tội lỗi sẽ rơi xuống khỏi cơ thể y thậm chí là từ dưới những
chiếc móng của y.} (Muslim và Ahmad).
Phân tích Hadith: Hadith
cho thấy việc lấy Wudu là hình thức thờ phượng tốt nhất, thấy rõ giá trị việc Wudu
dành cho ai hoàn thành tốt nhất khi lấy Wudu gồm có các điều Sunnah và cung
cách. Wudu là nguyên nhân tẩy tội lỗi khỏi cơ thể với các tội lỗi nhỏ liên quan
đến bổn phận với Allah Tối Cao, thậm chí các tội lỗi rời ra khỏi ở những vị trí
không ngờ tới đó là dưới đầu các móng. Theo đó, tín đồ Muslim phải có định tâm được
gần Allah Hiển Vinh và Toàn Năng hơn khi lấy Wudu và cảm nhận rằng mình đang thực
thi theo mệnh lệnh của Allah như lời Ngài phán: {…
Khi
các ngươi muốn dâng lễ nguyện Salah thì các ngươi (phải làm Wudu’ bằng
cách) rửa
mặt của các ngươi…}
(chương 5 – Al-Ma-idah: 6), đồng thời cảm nhận mình đang bắt chước theo cung
cách lấy Wudu của Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam –
và cũng nhận thức rõ là bản thân đang muốn ân phước qua việc lấy Wudu này. Có
thế người lấy Wudu được ban cho ân phước bởi việc làm Wudu theo định tâm như thế
này.
Các bài học từ Hadith
1- Khuyến khích việc cố gắng học hỏi
cung cách, các điều kiện của Wudu và áp dụng theo.
2- Trình bày giá trị việc Wudu và
đó là cách xoá đi tội lỗi.
3- Điều kiện để tội lỗi thoát ra khỏi
cơ thể là phải chỉnh chu khi lấy Wudu giống như Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam –
đã truyền dạy.
4- Khuyến khích việc cố gắng học hỏi
các điều kiện, các điều Sunnah của Wudu và áp dụng theo.
Hadith 62.
Ông Abu Mas’ud Al-Badri thuật lại lời
Thiên Sứ của Allah –
Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Ai đọc hai câu Kinh
cuối của chương Al-Baqarah trong đêm là đã đủ cho y.} (Al-Bukhari và
Muslim).
Phân tích Hadith: Nabi
– Sollollohu
‘alaihi wasallam – thông báo cho biết đối với ai đọc
hai câu Kinh cuối của chương Al-Baqarah trong đêm trước khi ngủ là y được Allah
bảo vệ tránh khỏi mọi điều xấu và điều không ưa thích. Có lời khác giải thích là
đủ cho việc hành lễ Salah Tahajjud trong đêm đó hoặc cho tất cả mọi nguyện vọng
của đêm hôm đó hoặc chỉ cần đọc hai câu Kinh này trong Salah Tahajjud là đủ và
có lời giải thích khác hơn. Tất cả lời giải thích đều đúng cả.
Các bài học từ Hadith
1- Trình bày giá trị của phần cuối
của chương Al-Baqarah.
2- Phần cuối của chương Al-Baqarah
bảo vệ được người đọc khỏi mọi điều xấu, điều có hại và cả Shaytan khi đã đọc
trong đêm.
Hadith 63. Ông Ibnu Mas’ud thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Ai đọc một chữ từ Kinh
Sách của Allah (Kinh Qur’an) sẽ được một ân phước, và với một ân phước được
nhân lên mười ân phước tương tự, Ta không bảo: Alif, L.ã.m, M.ĩ.m là một chữ,
mà chúng đến tận ba chữ: Lif là một chữ, L.ã.m là một chữ và M.ĩ.m là một chữ.}
(At-Tirmizdi).
Phân tích Hadith
1- Ông Ibnu
Mas’ud đã truyền lại một thông điệp rất giá trị từ Hadith của Thiên Sứ – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – thông tin cho toàn
tín đồ Muslim về một điều mang lại ân phước cho ai xướng đọc Kinh Qur’an, Kinh
Sách của Allah trên từng chữ cái một và mỗi ân phước lại được nhân lên hệ số mười.
Câu {Ta không bảo: Alif, L.ã.m, M.ĩ.m là một chữ}
nghĩa là tập hợp chữ cái này không phải là một chữ mà gồm đến ba chữ như được
giải thích ngay trong Hadith {Lif là một chữ, L.ã.m
là một chữ và M.ĩ.m là một chữ} nghĩa là người đọc được thưởng cho
ba mươi ân phước khi đọc xong ba chữ này. Cho thấy, một hồng phúc vĩ đại và to
lớn mà Allah ban cho tín đồ Muslim, vì vậy, mỗi tín đồ cần cố gắng và tận dụng
thời gian để xướng đọc Qur’an nhiều hơn.
Các bài học từ Hadith
1- Khuyến
khích việc xướng đọc Kinh Qur’an.
2- Người xướng
đọc Qur’an được ban cho ân phước trên từng chữ cái mà họ đọc qua và được nhân với
hệ số mười.
3- Trình bày ý
nghĩa của một chữ cái, nó khác với một từ.
4- Lòng khoan
dung và sự rộng lượng của Allah là rất bao la khi Ngài ban ân phước bội phần
cho họ.
5- Khẳng định
về lời phán của Allah gồm có âm thanh và chữ viết.
Hadith 64. Ông Abu Mas'ud Al-Badri thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam –
đã nói:
{Khi người
đàn ông cấp dưỡng cho gia đình y, hi vọng ân phước cho việc làm đó, thì việc cấp
dưỡng là sự bố thí của y.} (Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Khi người đàn ông cấp dưỡng cho người mà anh ta có bổn phận cấp dưỡng như vợ
con, cha mẹ... bằng tấm lòng được gần Allah hơn và hi vọng phần thưởng nơi Ngài
thì anh ta được ân phước giống như dùng tiền bố thí cho người nghèo vậy và cho
những mặt tốt đẹp khác.
Các bài học từ Hadith
1- Có được ân
phước và công đức ngay khi cấp dưỡng cho người thân đối với người có đức tin. Theo
đó, cần lắm việc định tâm vì được gần Allah hơn và những công đức ở nơi Ngài.
Hadith 65. Ông Abu Huroiroh thuật lại lời
Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã nói:
{Đức tin
gồm cả thảy bảy mươi mấy phần hoặc sáu mươi mấy phần: Theo đó, phần giá trị nhất
là câu “Lã i lã ha il lol lõh” và phần thấp nhất là nhặt gai vứt bỏ khỏi đường
đi; và tính mắc cỡ là một phần của đức tin.} (Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Đức tin vốn không phải làm một khối thống nhất hoặc một phần duy nhất, mà
nó gồm nhiều phần, đến bảy mươi mấy phần hoặc sáu mươi mấy phần. Theo đó, phần
cao nhất, có giá trị nhất chính là câu tuyên thệ: {Lã i lã ha il lol lõh} và phần
thứ yếu nhất là hành động loại bỏ những thứ có hại bắt gặp trên đường như đá,
gai, ...; và bản tính mắc cỡ là một phần của đức tin.
Các bài học từ Hadith
1- Đức tin có
nhiều cấp bậc cao thấp khác nhau nói lên giá trị của chúng.
2- Đức tin
theo nhóm Sunnah và Jama’ah bao gồm lời nói, hành động và niềm tin.
3- Đức tin là
động lực và là vòng bảo vệ của việc hành đạo.
4- Đức tin gồm
có nhiều phần nên chúng có tăng và có giảm.
5- Đức tin là
thứ tích luỹ được.
6- Giá trị của
đức tính mắc cỡ và khuyến khích con người có được nó.
Hadith 66. Ông Abu Bashir Al-Ansari kể:
{Trong một lần tôi đi xa cùng
với Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam –, Người đã gửi sứ giả đi với mệnh lệnh, tuyệt
đối không để cho vòng đeo bùa chú bằng đoản tên – hoặc bằng thứ khác - còn ở
trên cổ của lạc đà nữa, phải loại bỏ đi.} (Al-Bukhari và Muslim).
Phân tích Hadith: Quả thật,
trong một lần đi xa, Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã phái đi một sứ giả (tên Zaid bin Harithah) đi công bố
mệnh lệnh của Người cho người dân nghe phải cắt bỏ tất cả dây đeo trên cổ của lạc
đà bằng đoản tên hoặc bằng bất cứ thứ gì khác (mà người đa thần thường hay làm)
với mục đích mang bình an, may mắn cho con vật cũng như xua đuổi khỏi nó mọi tà
khí, rõ ràng đây là một hành động Shirk cần phải loại trừ ngay lập tức.
Các bài học từ Hadith:
1- Việc đeo đoản tên lên cổ lạc đà để xua đuổi tà
khí là hành động bị cấm, được xem là treo bùa chú.
2- Công bố trước
tín đồ Muslim điều bảo vệ niềm tin của họ.
3- Bắt buộc loại
trừ những điều nguy hại bằng năng lực có thể.
4- Chấp nhận
nguồn tin của một người.
5- Vô hiệu hoá
niềm tin việc đeo vòng (cổ hoặc tay hoặc chân hoặc bất cứ vị trí nào đó) xoá được
tà ma dù vật đeo đó bằng thể loại gì.
6- Phó lãnh đạo
vẫn có thẩm quyền khi lãnh đạo vắng mặt.
7- Người dẫn đầu
của một nhóm người phải có trách nhiệm giám sát hiện trạng của mọi người mà kịp
thời bảo ban hoặc ngăn chặn.
8- Người dẫn đầu
của một nhóm người phải mạnh mẽ và dứt khoát ngăn chặn điều Haram, điều sai
trái xảy ra trong cộng đồng hoặc động viên người dân khi thấy họ lơ là với
trách nhiệm.
Hadith 67. Ông ‘Abdullah
bin ‘Akim thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Ai đặt niềm tin vào điều
gì đó thì y bị gán vào điều đó.}
(Ahmad và Al-Tirmizdi).
Phân tích Hadith: Ai đặt niềm tin vào điều gì đó hoặc làm điều gì đó hoặc cả
hai cùng lúc với hi vọng ban phước lành hoặc xua đuổi tà ma thì y bị Allah gán
y vào cùng điều đó. Còn ai đặt niềm tin vào Allah là đủ cho y, Ngài tạo dễ dàng
cho y trước mọi điều khó. Cho nên, ai đặt niềm tin vào điều gì đó sẽ bị Allah
gán y vào điều đó và hạ nhục y.
Các bài học từ Hadith
1- Cấm đặt niềm
tin vào bất cứ điều gì ngoài Allah Tối Cao.
2- Bắt buộc đặt
niềm tin trọn nơi Allah trong mọi vấn đề.
3- Trình bày mối
hiểm hoạ của Shirk và hậu quả xấu phải đối diện.
4- Quả thật,
việc thưởng phạt phải dựa theo hành động đã làm.
5- Kết quả của
sự việc là thành quả cuối cùng của hành động tốt hoặc xấu.
6- Sự nhục nhã
đối với ai hướng về điều gì đó ngoài Allah và khấn vái điều may mắn, cầu xin
xua đuổi tà ma.
Hadith 68. Ông Tariq bin Ashyam
Al-Ashja’i thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Ai nói Lã i lã ha il lol
lõh và phủ nhận mọi thứ được thờ phượng ngoài Allah là không được quyền xâm hại
đến tài sản, sinh mạng của người đó, còn việc tính sổ y thuộc về Allah.}
Muslim.
Phân tích Hadith: Thiên Sứ của
Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – trình bày rõ trong Hadith này cho thấy việc một người không được bảo vệ
sinh mạng và tài sản của mình ngoại trừ ở người đó có được cả hai điều: Thứ nhất:
Tuyên thệ Lã i lã ha il lol lõh – nghĩa là không có Thượng Đế đích thực nào
ngoài Allah Tối Cao. Thứ hai: Phủ nhận mọi thứ được thờ phượng ngoài Allah. Khi
mà thấy được ai đó có đủ hai điều kiện này là cần phải dừng ngay việc xâm hại y
còn trong lòng y có thật lòng không thì để cho Allah Tối Cao thanh toán với y,
miễn sao người đó vẫn không vi phạm điều khiến y bị mất quyền bảo vệ như giết
người, phản đạo hoặc về tài sản như phản đối việc Zakah hoặc về danh dự như cố
tình trì hoãn việc hoàn nợ.
Các bài học từ Hadith
1- Quả thật, ý
nghĩa của câu Lã i lã ha il lol lõh là phủ nhận mọi thứ được thờ phượng ngoài
Allah như bục tượng, mồ mã…
2- Quả thật,
việc chỉ mới nói câu Lã i lã ha il lol lõh nhưng không chịu phủ nhận mọi thứ được
thờ phượng ngoài Allah vẫn chưa được đặc quyền bảo toàn sinh mạng và tài sản
cho dù hiểu rõ được ý nghĩa của câu tuyên thệ này và áp dụng theo, nếu như vẫn
không tuân thủ theo điều kiện thứ hai là phủ nhận mọi thứ được thờ phượng ngoài
Allah.
3- Ai đã chứng
nhận câu tuyên thệ Tawhid (thuyết độc thần) và bám sát bộ giáo luật theo hình
thức bên ngoài là không được xâm hại đến y cho đến khi có bằng chứng rõ ràng khẳng
định sự việc trái ngược.
- Bắt buộc bảo
vệ người vô đức tin ngay sau khi vào Islam, dẫu cho đang ở trên chiến trường
cho đến khi biết rõ sự việc trái ngược lại.
5- Có những
người vẫn tuyên thệ Lã i lã ha il lol lõh nhưng không phủ nhận mọi thứ được thờ
phượng ngoài Allah.
6- Trong cuộc
sống hiện tại chỉ xem xét sự việc dựa theo bề ngoài, còn ở Đời Sau dựa theo tâm
niệm và ý định.
7- Cấm việc
xâm hại đến tài sản và sinh mạng của người Muslim trừ khi vì công lý.
8- Giá trị của
Islam khi bảo toàn được sinh mạng và tài sản của tín đồ.
9- Cấm cưỡng
đoạt tài sản của người Muslim ngoại trừ việc người đó không chịu làm tròn trách
nhiệm như Zakah hoặc bồi thường vật chất đã làm hỏng.
Hadith 69. Bà ‘Ã-ishah kể:
{Trước đây, đạo đức của Thiên
Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – như là Qur'an.}
Phân tích Hadith: Ý nghĩa
Hadith: Quả thật, Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – đã rèn luyện bản thân đúng theo chuẩn mực đạo đức
Qur’an, khi có lệnh bảo ban là Người tuân thủ và khi có lệnh cấm đoán là Người
tránh xa, dù trong thờ phượng hoặc trong quan hệ xã hội với người khác. Cho
nên, đạo đức của Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi wasallam – luôn tuân thủ theo Qur’an giống như lời của mẹ của cộng
đồng có đức tin, bà ‘Ã-ishah đã thông báo. Đối với tín đồ Muslim chúng ta nếu
muốn bắt chước theo đạo đức của Thiên Sứ – Sollollohu ‘alaihi wasallam – thì chúng ta cần phải làm theo đạo đức Qur’an.
Các bài học từ Hadith
1- Khuyến
khích học hỏi theo Nabi về việc rèn luyện theo đạo đức Qur’an.
2- Tuyên dương
đạo đức của Thiên Sứ của Allah và đó là ánh sáng của lời mặc khải.
3- Nhấn mạnh về
tầm quan trọng của đạo đức trong Islam và đó là một trong những yêu cầu cần thiết
của lời tuyên thệ Tawhid tạo nên một thành quả của việc làm đức hạnh.
Hadith 70. Ông ‘Abdullah bin ‘Amru thuật lại lời Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã nói:
{Những người độ lượng được
Đấng Ar-Rahman độ lượng lại, hãy độ lượng với cư dân của trái đất, các người được
Đấng trên trời độ lượng lại.} (Abu Dawood).
Phân tích Hadith
1- Câu {Những người độ lượng} là những ai biết thương
xót, bao dung với con người động vật sống trên trái đất, biết đối xử tốt, dịu
dàng, che chở, đùm bọc, chia sẻ; câu {được Đấng
Ar-Rahman độ lượng lại} là được tôn trọng lại bởi kết quả dựa theo
việc làm mà xem xét; câu {hãy độ lượng với cư
dân của trái đất} câu nói dùng chung cho tất hạng người không phân
biệt tốt xấu, sinh động vật trên cạn và dưới nước; câu {các người được Đấng trên trời độ lượng lại} nghĩa
là Allah Tối Cao ngự trị ở trên trời. Tất nhiên, đoạn này không mang ý nghĩa
bao gồm tất cả cư dân ở trên trời giống như Thiên Thần của Allah, hơn nữa Allah
Tối Cao vốn không ở bên trong bầu trời mà Ngài ngự trị bên trên bầu trời, bên
trên hết tất cả mọi thứ như đã được khẳng định từ Qur’an, từ Sunnah và từ sự thống
nhất của cộng đồng.
Các bài học từ Hadith
1- Lòng thương
xót, độ lượng được ràng buộc bởi Qur’an và Sunnah, cho nên, việc thực thi án phạt,
án hình sự vì vi phạm giới luật của Allah không xoá đi lòng thương xót, độ lượng.
2- Allah ngự
trị bên trên bầu trời, trên hết tất cả vạn vật.
3- Xác nhận việc
Allah Tối Cao có thuộc tính Rahmah (nhân từ, thương xót, khoan dung, độ lượng).
Hadith 71. Bà ‘Ã-ishah kể:
{Trước đây, Nabi – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – luôn tụng niệm Allah dù ở hoàn cảnh nào.} (Al-Bukhari
và Muslim).
Phân tích Hadith: Ý nghĩa
Hadith: Trước đây, {Thiên Sứ của Allah – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – luôn
tụng niệm Allah} bằng tất cả lời tụng
niệm như Tasbih, Tahlil, Takbir, Tahmid, xướng đọc Qur’an, bởi Qur’an chẳng những
là một thể loại tụng niệm Allah mà còn là lời tụng niệm tốt nhất; câu {dù ở hoàn cảnh nào} nghĩa là Nabi – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – tụng niệm mỗi giờ
kể cả lúc những lúc bị tiểu Hadath và đại Hadath, giới ‘Ulama loại trừ việc xướng
đọc Qur’an sau khi bị đại Hadath. Do đó, người bị Junub tuyệt đối không được xướng
đọc Qur’an dù học thuộc lòng, bởi theo Hadith của ông ‘Ali kể: {Trước đây, Nabi – Sollollohu ‘alaihi
wasallam – đã dạy
chúng tôi đọc Qur’an khi Người khong bị Junub.} (Ahmad và nhóm Sunan
Abu Dawood, At-Tirmizdi, An-Nasa-i’ và Ibnu Maajah). Lúc này giới ‘Ulama lại có
nhiều ý kiến trái chiều về phụ nữ trong chu kỳ kinh và ra máu hậu sản, rằng cả
hai có bị xem như người bị Junub không? Ý kiến đúng nhất trong điều này là cả
hai được phép xướng đọc Qur’an bằng cách thuộc lòng, bởi cả hai phải ở trong thời
gian dài và cả hai không làm chủ được sự việc giống như người bị Junub. Ngoài
ra, vẫn còn một vài thời điểm không phù hợp cho việc xướng đọc Qur’an như đang
lúc tiểu tiện, lúc ái ân vợ chồng, lúc đang trong nhà tắm, nhà vệ sinh và ở những
nơi dơ bẩn tương tự.
Các bài học từ Hadith
1- Không yêu cần phải tẩy rửa (lấy
Wudu hoặc tắm Junub) dù bị tiểu Hadath hoặc đại Hadath cho việc tụng niệm Allah
Tối Cao. Theo đó, tín đồ Muslim hoàn toàn được phép tụng niệm Allah bằng tất cả
lời tụng niệm và cả việc xướng đọc Qur’an miễn sao không bị Junub là được, điều
này đã được Sunnah xác định.
2- Nhìn chung Hadith cho phép phụ nữ
đang trong chu kỳ kinh và máu hậu sản vẫn được phép xướng được Qur’an bằng cách
thuộc lòng không chạm trực tiếp vào Qur’an, mà phải cầm gián tiếp bằng bao tay
hoặc tương tự.
3- Nabi – Sollollohu ‘alaihi wasallam –
luôn thường xuyên tụng niệm Allah Tối Cao.
4- Bà ‘Ã-ishah biết rõ nhất về hiện
trạng của Nabi –
Sollollohu ‘alaihi wasallam –.