Nhịn chay tháng Ramadan là một trong năm trụ cột của tôn giáo Islam, có nghĩa là một trong năm nghĩa vụ bắt buộc mỗi tín đồ Muslim phải thực hiện.
Nhịn chay Ramadan được ban hành sắc lệnh vào tháng Sha’ban năm thứ hai Hijri tại Madinah, và Thiên Sứ của Allah ﷺ đã nhịn chay được chín lần Ramadan.
Học giả Al-Nawawi đã nói trong “Al-Majmu’a” (6/250): “Thiên Sứ của Allah ﷺ đã nhịn chay Ramadan trong chín năm, bởi vì nó được sắc lệnh vào tháng Sha’ban của năm thứ hai Hijri, và Thiên Sứ của Allah ﷺ qua đời vào tháng Rabi’a Al-Auwal năm thứ mười một của Hijri.”
Các giai đoạn ban hành qui định về nghĩa vụ nhịn chay Ramadan:
Điều đầu tiên mà Thiên Sứ của Allah ﷺ ra lệnh về việc nhịn chay trước nghĩa vụ nhịn chay bắt buộc của tháng Ramadan là nhịn chay trong ngày A-shura’.
Bà ‘A-ishah nói: “Ngày A-shura’ là ngày mà dân Quraish thường nhịn chay trong thời tiền Islam, và Thiên Sứ của Allah ﷺ đã từng nhịn chay ngày đó. Khi đến Madinah, Người đều nhịn chay ngày này và ra lệnh cho mọi người phải nhịn; và khi tháng Ramadan đến, ai muốn thì nhịn, còn ai không muốn thì không nhịn.” (Al-Bukhari, Muslim).
Ông Jabir bin Samurah nói: “Thiên Sứ của Allah ﷺ ra lệnh cho chúng tôi nhịn chay vào ngày A-shura’, và thúc giục chúng tôi làm điều đó, vì vậy, chúng tôi cam kết với Người nhịn chay vào ngày hôm đó. Nhưng khi tháng Ramadan được ban hành, Người ﷺ không ra lệnh cũng không cấm chúng tôi và chúng tôi cũng không cam kết với Người.” (Muslim).
Và tháng Ramadan được sắc lệnh bắt buộc phải nhịn chay là vào năm thứ hai của
Hijri. Học giả Ibn Al-Qaiyim đã nói: “Vì việc bắt
mọi người loại bỏ những thói quen và ham muốn của bản thân là một trong những vấn
đề khó khăn nhất nên việc qui định bắt buộc nhịn chay Ramadan được trì hoãn cho
đến giữa Islam sau cuộc Hijrah, khi mà mọi người đã quen với Tawhid và lễ nguyện
Salah, cũng như quen với các mệnh lệnh của Qur’an thì dần dần chuyển sang nó. Và
qui định bắt buộc nhịn chay Ramadan là vào năm thứ hai Hijri, và Thiên Sứ của Allah
đã qua đời sau khi nhịn chay chín tháng Ramadan.” (Zad Al-Ma’ad: 2/29)
Việc nhịn chay Ramadan được áp đặt trong ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu tiên: Được quyền lựa chọn giữa việc nhịn hoặc không nhịn mà dùng việc nuôi ăn người nghèo mỗi ngày để thay thế. Đây là qui định ban đầu
về giáo luật nhịn chay. Trong qui định ban đầu này, ai muốn nhịn thì nhịn còn
ai không muốn có thể dùng cách nuôi ăn mỗi ngày một người nghèo cho từng ngày
nhịn chay. Allah Toàn Năng đã phán:
{Và ai có khả năng nhịn chay nhưng không muốn nhịn thì hãy nuôi ăn một người
nghèo (thay thế cho một ngày nhịn chay), còn ai tự nguyện (bố thí) thì đó là điều
tốt đẹp cho y. Tuy nhiên, việc các ngươi nhịn chay sẽ tốt hơn cho các ngươi nếu
các ngươi biết được (giá trị của việc nhịn chay).} (Chương 2 – Al-Baqarah, câu 184)
Ông
Salamah Bin Al-Akwa' : “Sau khi
câu Kinh: {Và ai có khả năng nhịn chay nhưng không muốn nhịn thì hãy nuôi ăn một người
nghèo} được ban xuống, ai không muốn nhịn sẽ dùng cách nuôi ăn người nghèo để thay thế, sự việc này tiếp diễn cho đến khi câu Kinh tiếp
theo được ban xuống sau đó và nó đã bãi bỏ câu Kinh này.” (Al-Bukhari, Muslim).
Sheikh Ibnu Uthaimeen, nói: “Các học giả Islam đều đồng thuận rằng Allah áp đặt việc nhịn chay (Ramadan) vào năm thứ hai Hijir, vì vậy Thiên Sứ của Allah ﷺ đã nhịn chay chín tháng Ramadan. Đầu tiên, Allah áp đặt sự lựa chọn giữa nhịn và nuôi ăn người nghèo; sự khôn ngoan đằng sau việc áp đặt sự lựa chọn là sự dần dần (từng bước) trong luật để dễ dàng chấp nhận hơn, tương tự như việc cấm rượu. Sau đó, việc nhịn trở thành bắt buộc, việc nuôi ăn người nghèo chỉ dành cho những ai hoàn toàn không có khả năng nhịn.” (Al-Sharh Al-Mumti'a: 6 /298).
Giai đoạn thứ hai: Bắt buộc những người
có khả năng nhịn phải chấp hành việc nhịn chay Ramadan và bãi bỏ quyền lựa chọn.
Đó là tất cả những ai có khả năng đều phải nhịn chay. Allah Toàn Năng phán:
{Tháng Ramadan là tháng mà Qur’an được ban xuống làm nguồn hướng dẫn cho
nhân loại, trình bày rõ ràng về sự hướng dẫn và là tiêu chuẩn phân biệt (phúc
và tội, chân lý và ngụy tạo). Vì vậy, ai trong các ngươi chứng kiến tháng này
(khi đang ở nhà) thì phải nhịn chay nguyên tháng, còn ai bị bệnh hoặc đi xa nhà
thì y hãy nhịn bù lại vào những ngày khác tương ứng với số ngày đã không nhịn.
Allah muốn điều dễ dàng cho các ngươi chứ không hề muốn gây khó khăn cho các
ngươi; và Ngài muốn các ngươi hoàn thành tốt (việc nhịn chay) trong số ngày được
quy định và Ngài muốn các ngươi tán dương sự vĩ đại của Ngài về việc Ngài đã hướng
dẫn các ngươi, mong rằng các ngươi biết tri ân.} (Chương 2 – Al-Baqarah, câu 185)
Và Hadith qua lời thuật của ông Salamah Bin Al-Akwa' vừa nêu trên, nhưng trong lời dẫn do Muslim ghi lại, ông Salamah Bin Al-Akwa' nói: “Tháng Ramadan, trong thời Thiên Sứ của Allah ﷺ, ai muốn nhịn thì nhịn và ai muốn không thì dùng cách nuôi ăn người nghèo để thay thế cho đến khi Allah ban xuống câu Kinh: {Vì vậy, ai trong các ngươi chứng kiến tháng này (khi đang ở nhà) thì phải nhịn chay nguyên tháng} (Chương 2 – Al-Baqarah, câu 185)”
Al-Bukhari đã bình luận trong bộ
Sahih của mình dưới hình thức một lời phán xét thông qua lời của ông Ibn Abi Layla: “Những người bạn đồng hành của
Muhammad đã
nói với chúng tôi: Luật nhịn chay Ramadan được ban xuống và nó thật khó khăn cho họ, vì vậy ai nuôi ăn người nghèo hàng ngày sẽ không nhịn, và họ là những người có khả năng nhịn, và họ được phép làm như vậy, tuy nhiên nó bị bãi bỏ: {Tuy nhiên, việc các ngươi nhịn chay sẽ tốt hơn cho các ngươi}, và họ được lệnh phải nhịn.” (Fath
Al-Bari: 4/187).
Học giả Ibnu Al-Qaiyim nói: “Sự lựa chọn
trong việc nhịn chay vào thời kỳ đầu của Islam là giữa việc nuôi ăn người nghèo
và nhịn, bởi vì nó còn xa lạ với họ và họ chưa quen với nó, và theo lẽ tự nhiên
thì họ đã từ chối nó; vì họ chưa nếm được vị ngọt, giá trị đáng khen ngợi cũng
như những lợi ích mà nó mang lại nên họ đã lựa chọn việc nuôi ăn người nghèo. Họ
đã rất hối hận sau khi đã quen với nó và biết được giá trị cũng như những lợi
ích mà nó mang lại, và họ luôn chọn nó. Việc lựa chọn được áp đặt vào đúng thời
điểm là một sự cải thiện và việc chỉ định phải nhịn được áp đặt vào đúng thời
điểm cũng là một sự cải thiện, vì vậy, sẽ là một sự khôn ngoan siêu việt khi
ban hành các luật định vào đúng thời điểm thích hợp, bởi vì điều cải thiện tốt
đẹp chỉ đạt được khi nó được đặt vào đúng thời điểm của nó.” (Miftah Dar Al-Sa'adah:
2/930).
Giai đoạn thứ ba: Về qui định nhịn
chay Ramadan ban đầu, nếu một người nhịn chay ngủ sau khi mặt trời lặn và không
xả chay, anh ta/cô ta bị cấm ăn, uống và quan hệ tình dục cho đến đêm hôm sau. Sau
đó, qui định này bị bãi bỏ, vì vậy người nhịn chay được phép ăn, uống và quan hệ
vợ chồng vào ban đêm, bất cứ lúc nào mình muốn, trước hoặc sau khi ngủ.
Ông Al-Bara’ nói: “Những người bạn đồng hành của Muhammad ﷺ, nếu một người nào đó trong số họ là người nhịn chay, khi sắp đến giờ xả chay thì người đó ngủ trước khi xả chay thì người đó không được phép ăn trong đêm đó và cả ngày hôm sau. Qais Bin Sarmah Al-Ansari nhịn chay, và khi sắp tới giờ xả chay, anh ấy đã đến gặp vợ mình và nói với cô ấy: Em có đồ ăn không? Cô ấy nói: Không, nhưng em sẽ đi tìm thức ăn cho anh. Nhưng do một ngày làm việc vất vả, anh ấy đã ngủ thiếp đi. Vì vậy, khi vợ của anh ấy quay về thì thấy anh ấy đã ngủ, và vào giữa ngày hôm sau, anh ấy đã ngất đi. Và câu chuyện của anh ấy được kể lại cho Thiên Sứ của Allah ﷺ và thế là câu Kinh: {Các ngươi được phép gần gũi vợ của các ngươi vào ban đêm (của tháng) nhịn chay} vì vậy họ rất vui mừng vì điều đó, và sau đó nội dung câu Kinh tiếp tục được mặc khải: {Các ngươi được tự do ăn uống trong đêm cho đến khi các ngươi phân biệt được sợi chỉ trắng với sợi chỉ đen lúc rạng đông} (Chương 2 – Al-Baqarah, câu 187)” (Al-Bukhari).
Học giả Ibn Al-Qaiyim nói: “Nhịn chay có ba cấp độ, một
trong số đó là được phép lựa chọn. Thứ hai: Nếu người nhịn chay ngủ trước khi xả
chay thì đồ ăn thức uống sẽ bị cấm cho đến đêm hôm sau, nhưng qui định này đã được
bãi bỏ bởi cấp độ thứ ba, và đây là cấp độ được giáo luật áp đặt cho đến Ngày Tận
Thế.” (Zadu Al-Ma'ad: 30/2).
Sau đó, giáo luật bắt đầu thiết lập việc nhịn chay tự nguyện khác từng chút
một, và đây là đường lối thiết lập giáo luật của Allah và Thiên Sứ của Ngài.
Tóm lại, việc nhịn chay được luật hóa theo từng giai đoạn: Đầu tiên, việc
nhịn chay ngày A-shura’ được áp đặt, sau đó, bãi bỏ nghĩa vụ nhịn chay trong
ngày A-shura’ và bắt buộc phải nhịn chay trong tháng Ramadan với sự lựa chọn -
và việc nhịn được thực hiện bằng việc cấm
ăn, uống và quan hệ tình dục vào buổi tối sau khi ngủ -, sau đó, qui định này
được bãi bỏ, và nghĩa vụ nhịn chay không có sự lựa chọn cùng với việc được phép
ăn, uống và quan hệ vợ chồng vào ban đêm được áp đặt cho đến ngày tận thế.
Mục đích và giá trị của việc nhịn chay
{Hỡi những người có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi
giống như nó đã được sắc lệnh cho các thế hệ trước các ngươi, mong rằng các
ngươi trở thành những người có Taqwa.} (Chương 2 – Al-Baqarah, câu 183)
Từ “Taqwa” có nghĩa gốc là “bảo vệ” và nó được dịch theo nhiều cách khác
nhau là chánh niệm, lẽ phải và lòng kính sợ Allah.
Người Muslim nhịn chay là để phát triển phẩm chất Taqwa, bên trong và bên
ngoài, bằng cách tránh xa những hành động tội lỗi và rèn luyện bản thân để kiểm
soát suy nghĩ và ham muốn của mình.
Nhịn chay là một thực hành tâm linh sâu sắc nhằm mang lại lợi ích cho người
Muslim về thể xác, tâm trí và trái tim.
Nhịn chay giúp gia tăng đức tin và rèn luyện những đức tính và nhân cách tốt đẹp như tử tế, rộng lượng, kiên nhẫn, trung thực, trái tim trong sáng, v.v. Bằng cách này, việc nhịn chay đóng vai trò như một lá chắn bảo vệ người Muslim khỏi tội lỗi và cuối cùng là khỏi sự trừng phạt của Allah ở Đời sau. Thiên Sứ của Allah ﷺ đã nói:
“Nhịn chay là lá chắn khỏi Hỏa Ngục giống như lá chắn của bất kỳ ai trong
các ngươi trong trận chiến.” (Sunan Ibnu Ma-jah, cấp độ Sahih)
Có ba cấp độ nhịn chay tương ứng với các thành phần bên ngoài và bên trong:
không ăn uống, không làm tội lỗi, và không màng đến những thứ trần tục.
Một người khi nhịn chay chỉ nhịn ăn, nhịn uống thì đó chỉ là sự cố gắng chịu
đói, chịu khát; và nếu thông qua sự nhịn chay người đó hạn chế thính giác, thị
giác, lưỡi, tay, chân của mình khỏi tội lỗi thì sự nhịn chay của người đó đang
thăng lên một cấp bậc cao hơn, và nếu người đó có thể loại bỏ khỏi trái tim
mình những mối quan tâm không đáng có và những suy nghĩ trần tục và kiềm chế nó
hoàn toàn khỏi mọi thứ ngoài Allah Đấng Tối cao, thì đó là cấp độ cao nhất của
nhịn chay đáng được ca ngơi.
Người Muslim được yêu cầu phải đặc biệt cẩn thận đề phòng bản thân khỏi mọi
loại tội lỗi trong khi nhịn chay. Người nhịn chay nên từ bỏ lời nói không có lợi
và đặc biệt là tranh cãi với người khác. Nếu có ai cố gắng tranh cãi và gây sự
với chúng ta trong khi chúng ta đang nhịn chay, chúng ta chỉ nên đáp lại bằng
cách nói rằng “Tôi đang nhịn chay”. Thiên Sứ của Allah ﷺ đã nói:
“Khi ai đó trong các ngươi thức dậy vào buổi sáng là người nhịn chay
thì không được thốt ra những lời nói tục tĩu hoặc cư xử thiếu hiểu biết. Nếu có
ai chửi rủa hoặc gây sự với anh ta, anh ta nên nói: Tôi đang nhịn chay. Tôi
đang nhịn chay.” (Muslim).
Và trong một Hadith Sahih do Ibnu Hibban ghi lại, Thiên Sứ của Allah ﷺ đã nói: “Thật ra nhịn chay không chỉ là nhịn ăn và nhịn uống, đúng hơn là không ăn nói tục tĩu và sàm bậy; nếu ai đó xúc phạm hoặc hành động gây sự thì người nhịn chay hãy nói: Quả thực, tôi đang nhịn chay.”
Một người nhịn chay nói ra lời này,
điều đó giống như y đang có lời nhắc nhở cho chính mình cũng như cho những
người khác. Khi chúng ta bị cám dỗ phạm tội hoặc có những suy nghĩ xấu trong lúc
nhịn chay, chúng ta nên nhắc nhở bản thân rằng chúng ta đang nhịn chay và thay
đổi suy nghĩ của mình hướng tới điều gì đó tốt đẹp và có lợi.
Trong lúc nhịn chay, nếu chúng ta
không tránh những lời nói xấu, những điều tội lỗi cũng như những suy nghĩ không
tốt thì việc nhịn chay của chúng ta đã
không đạt được một trong những mục đích quan trọng nhất của nó. Chắc chắn Allah
không cần bất kỳ ai trong chúng ta nhịn ăn, nhịn uống, vì vậy chúng ta phải nhớ
rằng lợi ích mà việc nhịn chay của chúng ta có thể bị vô hiệu hóa bởi những hành
động này.
Sau đây là những lý do tiêu biểu mà người Muslim cố gắng
thực hiện việc nhịn chay trong tháng Ramadan:
1. Để thể hiện sự sùng kính với Allah, Thượng Đế Tối Cao
và Toàn Năng: Người Muslim nhịn chay trong
tháng Ramadan như là một hành động thờ phượng thể hiện lòng sùng kính của một
người đối với Allah. Đó là một cách bày tỏ lòng biết ơn đối với những phước
lành mà Allah đã ban tặng cho họ.
2. Để thực hành kỷ luật tự giác: Nhịn chay trong tháng Ramadan đòi hỏi phải rèn luyện tính tự giác và tự chủ.
Nó dạy một người chống lại những ham muốn thể xác và tập trung vào sức khỏe
tinh thần của mình.
3. Để cảm thông với những người kém may mắn hơn: Nhịn chay trong tháng Ramadan là một cách để đồng cảm với những người kém
may mắn. Bằng cách trải nghiệm cảm giác đói khát, một người có thể hiểu được nỗi
vất vả của những người không đủ ăn uống.
4. Để thanh lọc tâm hồn: Nhịn chay trong tháng Ramadan giúp thanh lọc tâm hồn và nâng cao nhận thức
tâm linh. Đây là lúc để một người suy ngẫm về hành động của mình và tìm kiếm sự
tha thứ cho tội lỗi của mình.
5. Để tăng cường mối quan hệ gia đình và cộng đồng: Tháng Ramadan là thời điểm để các gia đình và cộng đồng cùng nhau ăn uống
và chia sẻ bữa ăn. Đây là thời điểm để củng cố các mối quan hệ và xây dựng mối
quan hệ với những người thân yêu.
6. Để giúp đỡ người khác: Nhịn chay Ramadan làm cho lòng thương xót đánh động vào trái tim con người,
và do đó những người giàu sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo và cảm thông với
họ.
7. Bình đẳng giữa các tầng lớp: Nhịn chay khiến mọi người trở nên bình đẳng bởi vì cho dù họ thuộc tầng lớp
nào thì cũng đều phải trải qua cùng một cảm giác đói khát và sự hạn chế như
nhau, và do đó sẽ không có sự phân biệt giàu nghèo và cao thấp.
8. Lợi ích sức khỏe và y tế:
- Bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nguy hiểm: Nhịn chay bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc nhịn ăn bảo vệ khỏi những
căn bệnh nguy hiểm nhất như ung thư.
- Áp dụng chương trình điều trị: Nhiều bác sĩ trên thế giới bắt đầu áp dụng việc nhịn ăn trong việc điều trị
nhiều căn bệnh và nhịn ăn đã trở thành một phần trong chương trình điều trị bệnh
ung thư.
- Loại bỏ độc tố: Nhịn chay khiến
con người cảm thấy đói, vì vậy các cơ quan nội tạng bắt đầu hoạt động để loại bỏ
cơ thể khỏi mọi chất độc, u nang bã nhờn và polyp.
- Làm nội tạng tốt hơn: Để bảo vệ khỏi bệnh tiểu đường, tuyến tụy chuyển hóa đường thành CHO và chất
béo nhưng nếu tiếp tục làm công việc này trong thời gian dài sẽ mệt mỏi, nên nhịn
ăn sẽ có thời gian nghỉ ngơi để hoạt động tích cực trở lại.
Đây là một số kiến thức hữu ích và bài học Iman về nhịn chay Ramadan, qua
đó, mong rằng Allah phù hộ người Muslim có thêm kiến thức về tôn giáo của mình
cũng như hiểu rõ hơn về giá trị và phúc lành của nhịn chay Ramadan để củng cố đức
tin thêm vững chắc và để có tinh thần mạnh mẽ trong việc thực hiện và hoàn
thành nghĩa vụ thờ phượng Allah để được Ngài hài lòng và thương xót.
Cầu xin Allah nhân từ và khoan dung đối với đám bề tôi có đức tin của Ngài, cầu xin Ngài thương xót và tha thứ cho họ và thu nhận họ vào Thiên Đàng của Ngài sau khi họ trở về với Ngài.
Người Muslim đưa tay cầu xin Allah trước lúc xả chay |